Ngày của Mẹ

09:48, 13/05/2007

Có một điều tôi không hiểu được, là má tôi đã mất gần tròn 20 năm mà càng ngày tôi càng thấy yêu thương má tôi hơn. Sự cách ngăn hai thế giới không hề cản trở được tình yêu thương này. Và tôi nghĩ, từ thế giới bên kia, hằâng ngày hằâng đêm má tôi cũng hướng về tôi với tình yêu thương như vậy.


 
 
Và tôi nghĩ, từ thế giới bên kia, hằâng  ngày hằâng đêm má tôi cũng hướng về tôi với tình yêu thương như vậy. Như ngày chiến tranh, má đã hướng về những cánh rừng mịt mù phương nam nơi con mình đang chìm nổi. Hướng về hằng đêm với những giọt nước mắt lặng lẽ mà không một ai thấy được.

"Ngày của Mẹ", ai đã nghĩ ra một ngày vĩ đại mà bình dị đến thế ? Trong cái ngày chỉ có Mẹ và con, chỉ có con và Mẹ này, người ta có thể nhớ câu thơ quá đơn sơ này của Xuân Diệu: "Có gì thương hơn là mẹ với con/Có gì ngon hơn là cơm với cá", câu thơ khiến người đọc rơi nước mắt vì nó giản đơn quá, giản đơn như là tình mẹ với con, như là cơm với cá. Nhớ ngày ra chiến trường, trong toa đen ghế gỗ hai hàng, tôi đã đọc mẩu thư viết vội của má tôi. Những dòng chữ nguệch ngoạc như viết trong nước mắt. Có lẽ đó là bức thư duy nhất trong đời má gửi cho đứa con duy nhất của mình vào một buổi sáng giáp Tết.

Tôi còn nhớ, lúc đọc thư má, con tàu chạy song song với đường quốc lộ, và tôi thấy những người đi xe đạp trên đường, họ mang những hộp mứt, những cành đào mới mua đón Tết. Trời Hà Nội cuối năm se sắt, mưa bụi, lạnh. Có cảm giác lúc bấy giờ má tôi đã ở đâu xa lắm, dù con tàu mới chạy chưa quá ga Thanh Trì. Trong thư má dặn tôi giữ gìn sức khỏe và viết: "Má gửi con một hộp ruốc thịt gà để con cùng ăn với các bạn và để nhớ má còn ở miền Bắc...".

         

Nhiều năm ở chiến trường tôi đã giữ bức thư của má tôi như giữ một cái gì quý nhất. Nhưng rồi, trong một trận chống càn ở Mỹ Tho năm 1973, bức thư này đã mất cùng quyển sổ tay ghi những bài thơ tôi viết suốt mấy năm ở chiến trường. Có thể nói, tôi trở thành nhà thơ vì có má tôi. Có một người mẹ lặng lẽ như thế, chịu đựng như thế, cho tới khi lìa đời thì "của để dành" chỉ là vợ chồng đứa con trai và hai cháu nội nhỏ nhít, ngoài ra không còn bất cứ tài sản gì khác, có một người mẹ như thế thì không thể không làm thơ, không thể không trở thành thi sĩ. Nếu bây giờ có ai đó kết nối được tất cả những câu thơ của nhân loại viết về Mẹ mình, những câu thơ ấy có thể ôm trọn một vòng trái đất!

          
                           Mẹ con - Ảnh backward.zidean.com

Đã và sẽ có một khoảng bất chợt nào đó trong cuộc đời, đứa con cảm thấy một niềm hạnh phúc vô tận khi nhớ tới mẹ mình, nhớ tới một cảm giác yêu thương đơn sơ giữa mẹ và con. "Quả chuối ngọt trên bàn tay má ngọt trên lưng" - đó là cảm giác của tôi khi nhớ về má mình sau gần 40 năm. Chế Lan Viên - người có không ít những câu thơ cầu kỳ - đã có một câu thơ thật giản dị: "Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con".

Đúng là mẹ theo con suốt cuộc đời, yêu thương con suốt cuộc đời, ngay cả khi mẹ không còn trên thế gian này nữa. Một tình yêu thương không biên giới, không thế giới. Một tình yêu thương vĩnh cửu. Có thể vì thấu hiểu điều đó mà những đứa con trên trái đất này đã chọn một "Ngày của Mẹ". Một ngày đó có thể cô đặc cả một đời trong một cảm giác đơn sơ mà kỳ diệu nhất: cảm giác về ánh mắt, bàn tay, giọng nói, hình bóng Mẹ. Mẹ mình.

Bạn có biết?

Ngày của Mẹ đã được tổ chức cách đây hàng thế kỷ và có nguồn gốc từ người Hy Lạp cổ đại. Cứ mỗi độ xuân về, người Hy Lạp cổ đại lại


Các bé tại một trường mẫu giáo ở Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) rửa chân cho mẹ nhân Ngày của Mẹ - Ảnh: Reuters

tổ chức lễ hội để bày tỏ lòng tôn kính đối với Nữ thần Rhea, mẹ của các vị thần. Trào lưu kỷ niệm Ngày của Mẹ ở một số lớn nước hiện nay xuất phát từ Mỹ và Anh. Ở Mỹ, vào năm 1907, để tưởng nhớ người mẹ quá cố, một bà giáo ở Philadelphia là Anna M.Jarvis (1864-1948) đã bắt đầu vận động tổ chức Ngày của Mẹ trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên mãi đến năm 1914, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson (nhiệm kỳ từ năm 1913-1921) mới ký luật công nhận ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 là ngày lễ quốc gia để tôn vinh các bà mẹ. Ngày của Mẹ tại Mỹ ra đời từ đó. Ngày của Mẹ hiện đã được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới như Úc, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Bỉ,  Thổ Nhĩ Kỳ... (H.Y)


Thanh Niên

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khánh thành tháp chuông Thành cổ Quảng Trị
Sáng qua 29-4, tại Thành cổ Quảng Trị, tháp chuông Thành cổ đã chính thức khánh thành. Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan ban ngành của Trung ương Đảng và Chính phủ đã về dự, đặc biệt là sự có mặt của nhiều cựu chiến binh thành cổ.
30/04/2007
Lễ hội Vespa tại Đà Lạt
Sáng nay, bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng của Đà Lạt, lễ hội Vespa độc đáo dành cho những người yêu thích loại xe Vespa cổ đã thu hút hơn 400 thành viên với 400 chiếc xe Vespa đủ các chủng loại và tuổi đời, từ 21 tỉnh, thành về dự lễ hội rực rỡ, trẻ trung và lãng mạn này.
29/04/2007
Tìm phần kết truyện
Truyện ngắn mi ni: Nguyễn Trần BéThôn Cây Mít của chúng tôi có hình một con bò đang gặm cỏ. Từ xưa đến nay thôn tôi chẳng có gì đặc biệt, thậm chí là một thôn nghèo về mọi thứ so với các thôn khác trong cùng xã.
27/04/2007
Nhớ về một thời thanh niên
(HGĐT)- Đã hơn 40 năm trôi đi, tuổi trẻ lúc đó nay đã là ông bà già. Nhưng phong trào thanh niên thời kỳ bắt đầu thay đổi hình thức lao động từ cá thể sang tập thể đầu những năm 60 của thế kỷ 20 là thời kỳ nông dân nông thôn hăng hái, thi đua lao động sản xuất áp dụng KHKT, trong đó thanh niên là lực lượng nòng cốt và xung kích của phong trào làm ăn mới, thì tôi vẫn còn nhớ
27/04/2007