Nếp sống giản dị và cao đẹp của Bác Hồ
22:47, 19/05/2007
Đến thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ, nhân dân ta, bạn bè ta đều có cùng một nhận xét chung nhất: Bác Hồ sống một cuộc đời vô cùng giản dị.
Càng giản dị ở cương vị cao nhất, Bác Hồ càng vĩ đại. Xin được dẫn chứng đôi điều cụ thể về tấm gương sống giản dị mà sâu sắc phi thường, cao cả của cuộc đời Bác: Cả cuộc đời cống hiến cho dân, cho nước, đến 68 năm sau Bác Hồ mới nhận một chút tài sản của Ðảng, của dân dành cho là cái nhà sàn (17-5-1958) vỏn vẹn chỉ có vài ba phòng, phòng nghỉ, phòng làm việc, mỗi phòng vuông vắn hơn 10 thước. Vậy mà Người còn đề nghị để đồng chí Phạm Văn Ðồng ở một phòng, chứ Người sử dụng cả hai phòng là lãng phí.
Và, những vật dụng mà Bác sử dụng hằng ngày làm xúc động lòng người khi đến thăm, những vật dụng bình thường, giản dị nhưng chứa đựng ý nghĩa đạo đức cao cả của Người. Miếng xà-phòng Bác dùng dở được để vào chiếc hộp nhựa, dưới miếng xà-phòng để mấy viên sỏi nhỏ, sỏi hút nước, làm xà-phòng rắn lại, dùng lâu hết như thế có xà-phòng cho người khác dùng. Và như Bác nói: Bác làm như thế để cho các cháu gái rẻo cao có xà-phòng dùng.
Những khi nóng bức, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ, do anh em bảo vệ cắt ở cây cọ ngoài vườn về làm cho Bác, và khi sử dụng Bác nói rằng: Bác làm như thế để dành điện phục vụ sản xuất, phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân. Sống ở thời kỳ đời sống còn khó khăn thì mới thấy hết được giá trị của việc làm đó. Và ở thời kỳ đời sống khá giả thì đó là việc Bác sống cho dân, vì dân và phục vụ dân, sống cho đời chứ không phải sống cho mình. Và đó là mẫu hình người đầy tớ của nhân dân thật sự đúng nghĩa.
Về tư trang của Bác, tư trang của vị nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ của Ðảng, đại loại là: bộ quần áo dạ mầu đen, Bác mặc trong những lần khi đi thăm nước Pháp năm 1946 và một số nước khác thời kỳ 1955 - 1958; một vài bộ quần áo gụ Bác mặc làm việc hằng ngày; chiếc áo bông, áo len Bác mặc trong mùa lạnh; đôi dép cao-su, đôi guốc mộc Bác đi hằng ngày.
Bây giờ trong giấc ngủ ngàn thu, Bác mặc bộ quần áo ka-ki mầu vàng, như khi sinh thời để tiếp khách, làm việc với cán bộ trong nước, đi hội họp, mít-tinh và đi thăm các nước. Bác mặc bộ quần áo ka-ki đến khi sờn cổ áo, sờn tay áo, những người giúp việc xin Bác thay bộ quần áo mới, Bác bảo: Nếu thi sang thì thua, thi tiết kiệm thì thắng, Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay.
Trong lần Bác về thăm Xưởng may 10, Cục Quân nhu (nay là Công ty May 10), những người giúp việc Bác đã bàn định với lãnh đạo Xưởng may 10 sẽ tặng Bác bộ quần áo ka-ki. Vài ngày sau khi nhận quà tặng, Bác cho cán bộ Văn phòng chuyển thư và quà của Bác để cảm ơn tình cảm của Xưởng may 10, trong thư Bác viết: "Cảm ơn các cô các chú đã biếu Bác bộ áo. Bác đã nhận rồi. Nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc, do các cô các chú bình nghị, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy"...
... Tấm gương đạo đức trong sáng còn thể hiện ở cuộc sống giữa đời thường của Người. Một đồng chí chuyên lo công việc luật pháp, năm 1946 được cùng đi với Bác sang Pháp có kể lại việc ăn mặc của Bác: Bác ăn mặc tằn tiện, xách một chiếc va-li con sang Pháp đàm phán, bên trong đựng mấy bộ quần áo cũ. Khi đến Pháp, kiều bào may quần áo mới, ép Bác dùng. Bác cứ tiếp khách với một chiếc áo sơ-mi đã cũ lại thủng, anh Vũ Ðình Huỳnh phải móc ngón tay cho áo rách to ra, Bác mới chịu thay áo mới.
Thế đó, Bác Hồ của chúng ta là vậy. Tình cảm của Bác là thế, tấm gương đạo đức Bác Hồ sáng ngời như thế đó. Vì vậy, Bác đi xa rồi, nhưng nhân dân ta vẫn nhớ Bác, như mong đợi Bác đi xa trở về...
Những điều kỳ diệu của sự giản dị về cái ở, cái mặc mà Bác Hồ nêu gương sáng là vậy. Và mỗi người dân Việt Nam còn nhớ Bác Hồ - những điều bình dị về đôi dép cao-su của Người. Ðôi dép ấy đã từng cùng Bác lặn lội trong những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, đã từng cùng Bác đi khắp các địa phương trên miền bắc và đã từng cùng Bác đi ra nước ngoài. Ðôi dép Bác dùng cũ đến mức nhiều quai bị tuột, đế dép đã mòn vẹt.
Những người phục vụ Bác biết rằng nếu xin phép Bác cho thay đôi dép khác Bác sẽ không chịu, nên đã chủ động mua đôi dép mới để Bác dùng. Và hôm đó, Bác vào phòng dùng cơm, đôi dép cũ Bác để ngoài hiên. Các đồng chí phục vụ liền cất đôi dép cũ đi và thế vào đó đôi dép mới.
Dùng cơm xong, Bác về bên nhà sàn để nghỉ, đồng chí phục vụ thưa thật với Bác: Vì đôi dép Bác dùng đã quá cũ, nên chúng cháu thay đôi dép này. Bác liền bảo đồng chí phục vụ rằng: Ðôi dép Bác vẫn dùng các chú lấy những chiếc đinh nhỏ giữ cho quai khỏi tuột, và lấy một miếng cao-su khác vá vào gót, như thế là thay dép mới cho Bác rồi. Còn đôi dép mới mua này, Bác nhờ chú biếu chú bảo vệ. Ðôi dép cao-su đó được làm theo đúng ý Bác và Bác vẫn dùng đôi dép cao-su đó cho đến lúc đi xa.
Nhân dân
Ý kiến bạn đọc