Hội Nhà văn trong cách nhìn của người cầm bút
Thành lập năm 1947, Hội Nhà văn VN đã đi qua nửa thế kỷ tồn tại, trở thành ngôi nhà chung cho năm thế hệ những người cầm bút. Ngôi nhà nào cũng có lúc buồn, lúc vui. Dưới đây là tâm sự của một số tác giả về hội nghề nghiệp lớn nhất dành cho các nhà văn tại VN.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Tôi không mong đợi sự thay đổi của Hội”
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: vnmusic. |
Ngày xưa, trong Hội Nhà văn, có nhiều tên tuổi đáng được người ta kính phục và nể trọng như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… Ngày nay, hội viên ngày càng tăng về con số nhưng chất lượng thì… Theo tôi, nếu đã coi đây là một hội nghề nghiệp, thì những người làm văn chương đáp ứng được một số tiêu chuẩn nhất định nào đó về nghề đều có thể tự do vào hội. Nhưng đây lại là một hội chính trị, xã hội, nghề nghiệp… Một khi cánh cửa vào hội không được thông thoáng, nó ắt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Hiện tượng “chạy” vào hội, tiếp thị để vào hội, và những lời đồn đại xung quanh chuyện mua bán, scandal giải thưởng râm ran trong thời gian qua đều là những chuyện ngoài văn chương không đáng có.
Nhà văn Đỗ Bích Thuý: “Vào hội, tôi nhận được nhiều lời khuyên quý giá”
Nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ảnh: nhandan. |
Văn chương là công việc thuần tuý cá nhân, nên tôi nghĩ, cũng không nên mong chờ gì nhiều quá từ bên ngoài. Nhưng nếu được, tôi hy vọng, Hội sẽ quan tâm hơn nữa đến việc quảng bá và giới thiệu tác phẩm của các nhà văn trẻ ra nước ngoài. Vừa qua, một loạt tác giả Trung Quốc như Xuân Thụ, Trương Duyệt Nhiên, Vệ Tuệ, An Ni Bảo Bối… đã được dịch ồ ạt tại Việt Nam. Tại sao các nhà văn Trung Quốc “tràn” vào VN dễ dàng trong khi văn học ta ra nước ngoài lại khó khăn đến thế? Tôi mong Ban nhà văn trẻ có thể đảm nhiệm việc đó giúp cho các nhà văn.
Nhà thơ Hoàng Hưng: “Hội là nơi anh em thỉnh thoảng gặp gỡ nhau"
Nhà thơ Hoàng Hưng. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Tôi đọc nhiều tác phẩm văn học thế giới chứ ít đọc văn học Việt Nam. Hiện nay, sự xuất hiện của văn học trong nước ở các thị trường sách nước ngoài vẫn đang rất khan hiếm. Vì vậy, đối với vấn đề đưa văn học VN ra nước ngoài, nếu Hội nhà văn chọn lựa để giới thiệu được thì quá tốt. Nhưng quan trọng là chọn lựa theo tiêu chí nào? Những tác phẩm rất có giá trị thì “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhưng nếu chỉ trông chờ những sự lên hương tự thân đó thì chúng ta sẽ rất thụ động và tiến trình vượt ra ngoài biên giới VN của các tác phẩm văn học trong nước sẽ diễn ra rất chậm.
Nếu có sự thay đổi nào đó ở Hội nhà văn trong thời gian tới, tôi mong mọi người đều có cơ hội nói hết, nói thẳng, nói thật về rất nhiều vấn đề của đời sống văn học hiện nay.
Ý kiến bạn đọc