Nhớ về một thời thanh niên
(HGĐT)- Đã hơn 40 năm trôi đi, tuổi trẻ lúc đó nay đã là ông bà già. Nhưng phong trào thanh niên thời kỳ bắt đầu thay đổi hình thức lao động từ cá thể sang tập thể đầu những năm 60 của thế kỷ 20 là thời kỳ nông dân nông thôn hăng hái, thi đua lao động sản xuất áp dụng KHKT, trong đó thanh niên là lực lượng nòng cốt và xung kích của phong trào làm ăn mới, thì tôi vẫn còn nhớ như in.
Hồi đó nông dân đang từ chối làm ăn cá thể, mạnh ai người đấy làm, do đó làm không có khí thế, vì không thể có sự thi đua nhau. Bắt đầu có tổ đổi công và cao hơn là hợp tác xã, đi làm thường hai đến ba chục người, thậm chí 50 -60 người đi làm, già có, trẻ có, nam có, nữ có, lại từ hàng mấy chục gia đình khác nhau, nên khí thế lao động rất hăng hái vì có sự thi đua và nể nhau. Trong phong trào thi đua đó, thanh niên là lực lượng nòng cốt, hăng hái đi đầu với các phong trào mang tính KHKT về lao động sản xuất là “làm phân giỏi” “Cánh đồng 5 tấn”, “Cấy thẳng hàng”, “Cấy ngửa tay”, “Cầy sâu, bừa kỹ”, “Cánh đồng năm tấn thắng Mỹ”, “thi đua làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” vv...
Các huyện trong tỉnh từ Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đến Đồng Văn (lúc đó chưa tách các huyện Xín Mần, Bắc Mê, Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc) đâu đâu cũng có phong trào thi đua, nhất là thanh niên nông thôn cũng soi nổi và rầm rộ. Tỉnh đoàn có các danh hiệu để tặng cho các đơn vị (xã) và cá nhân đạt thành tích cao, như: Hăng hái, xung kích, đi đầu (với tập thể), kiện tướng, chiến sỹ thi đua vv... (đối với cá nhân đoàn viên thanh niên). Tôi còn nhớ, đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn khi dự Đại hội Đoàn huyện Hoàng Su Phì năm 1963, tặng danh hiệu phong trào đoàn cho các xã có thành tích nổi trội là hăng hái như Hồ Thầu, xung kích như Chí Cà, kỹ thuật như Đản Ván, thủy lợi như Sán Xà Hồ, làm phân như: Pờ Ly Ngài, Chí Cà tuy là xã ở xa xôi và vùng cao biên giới, nhưng cũng sánh vai với Hồ Thầu. Hồi bấy giờ còn có phong trào “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” phong trào đó được các xã hưởng ứng, đặc biệt Hồ Thầu là xã duy trì được nhiều năm, từ cấy đêm, rồi gặt đêm, thanh niên rất hăng hái, lôi cuốn được các cụ phụ lão tham gia như cầm đuốc soi cho thanh niên cấy, thanh niên gặt hái. Đó là đối với khu vực nông thôn, còn khu vực các cơ quan Nhà nước thì phong trào thi đua không kém phần. Nếu ngành thương nghiệp có phong trào đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết cuộc sống của cán bộ và nhân dân, đâu đâu cũng xuất hiện các quầy hàng thanh niên; thì ngành Y tế có phong trào “Lương y như từ mẫu” khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân bất cứ lúc nào. Đối với các đơn vị kinh tế và xây dựng thì xuất hiện Lâm trường Cầu Ham (Bắc Quang) là một đơn vị có phong trào trồng rừng tốt nhất và là đơn vị đi đầu, còn công trường mở đường Hà Giang - Đồng Văn là nơi do hàng ngàn tuổi trẻ 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang đang ngày đêm lao động hăng say với khẩu hiệu “An toàn lao động” và “ Thi đua vượt mức kế hoạch giao khoán”, phong trào đó đã sôi động trên toàn tuyến và đường Hạnh phúc Hà Giang - Đồng Văn đã trở thành công trình nổi tiếng toàn miền Bắc và được hoàn thành trước thời gian dự kiến hàng năm trời.
Các cấp bộ đoàn coi trọng sơ tổng kết để nhân điển hình, đúc rút kinh nghiệm để chỉ đạo chung, nên phong trào ngày càng lan rộng toả khắp nơi trong tỉnh. Qua các phong trào thi đua và từ phong trào Tỉnh đoàn Hà Giang đã chọn các xã điển hình tiên tiến như: Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), Việt Lâm, Xuân Giang (Bắc Quang), Yên Định (Vị Xuyên) đối với khu vực nông thôn; công trường đường hạnh phúc Hà Giang - Đồng Văn, lâm trường Cầu Ham, ngành Thương mại và ngành Y tế là những đơn vị được cử đại biểu đi dự Đại hội thanh niên xung phong vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất tại thủ đô Hà Nội tháng 5 năm 1963; tỉnh Hà Giang được cử 9 đại biểu đi dự Đại hội, do đồng chí Hoàng Thừa, Phó Bí thư Huyện đoàn Bắc Quang làm trưởng đoàn.
Các báo cáo điển hình tại Đại hội thật sự gây được sự chú ý và khâm phục của các đại biểu dự Đại hội, bởi vì xây dựng và giữ được phong trào là một việc không đơn giản, mà đòi hỏi cán bộ đoàn và đoàn viên phải vượt qua bao khó khăn, mặc cảm của xã hội và gia đình, nhất là nữ cán bộ đoàn... Sau đại hội, trở về Tỉnh đoàn lại nêu nội dung thi đua, các địa phương phải nêu khẩu hiệu thi đua đuổi và vượt các đơn vị đã là điển hình tiên tiến, nhờ vậy mà phong trào thi đua của Đoàn thanh niên tiếp tục duy trì suốt nhiều năm tiếp theo góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Giang thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ý kiến bạn đọc