Cõi nhân dị biệt
Truyện ngắn: Nguyễn Trần Bé
Làng tôi có một nhóm người kỳ lạ. Họ đều là những người không bình thường. Bạn đọc sẽ được biết họ không bình thường như thế nào ở phần sau của truyện.
Chỉ biết rằng, để gọi tên chính xác họ là gì thì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Người thì gọi họ là bọn điên khùng; kẻ thì gọi họ là đồ dở hơi; có người gọi họ là “cõi nhân dị biệt” (tạm gọi là những người khác thường). Trong tất cả cách gọi ấy tôi thích nhất là cách gọi cuối cùng. Sở dĩ tôi thích cách gọi này không phải nghe nó là lạ, lại được phát ra từ một ông giáo già, người vốn được dân làng tôi gọi là “Tiên sinh”, mà bởi cách gọi ấy nó hàm chứa nhiều ý nghĩa và khá phù hợp với thực tế.
Bây giờ thì tôi xin kể cho bạn đọc nghe về những con người thuộc “cõi dị biệt” này. Người đầu tiên là một phụ nữ, tuổi tác khó xác định nhưng thuộc hàng trung niên. Tuy không còn trẻ nhưng chị vẫn thuộc dạng ưa nhìn. Chắc hồi trẻ chị là một phụ nữ đẹp. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ thì trên khuôn mặt ấy đọng đầy nỗi khổ đau và ân hận. Công việc của chị cùng với những người trong nhóm dị biệt thường làm là vớt xác người chết trôi trên sông Lô. Mỗi khi thấy tiếng trẻ con kêu thất thanh: “Có người chết trôi!” là chị cùng nhóm người này lập tức có mặt, và chẳng cần ai xui khiến, không cần ai trả công, chị cùng nhóm người kia chèo thuyền ra giữa dòng sông vớt kỳ được cái xác chết khốn khổ đã trương phình lên, đen thui do cháy nắng và bốc mùi hết sức khó chịu. Họ kiểm tra xác chết xem có dấu hiệu gì đặc biệt và lục tìm trong áo quần nạn nhân để tìm kiếm những giấy tờ hoặc đồ vật. Chị được phân công làm cái việc ghi chép lại cẩn thận mọi thứ để phòng khi có người nhà nạn nhân đến tìm thì trả lại và để xác định đúng nạn nhân là ai. Chị có biệt tài vẽ xác nạn nhân. Mặc dù những xác chết trôi thường bị biến dạng đi nhiều, thậm chí thối rữa, nhưng chị vẫn bắt được “thần” của xác chết nên vẽ rất giống gương mặt thật của họ. Sau khi làm xong việc đó họ đem cái xác ra nghĩa địa, nơi dành riêng cho những người chết vô thừa nhận, để chôn cất. Có điều lạ là, mỗi lần làm xong một việc như vậy chị và nhóm người kia cứ vui như trẻ con được nhận quà khi mẹ đi chợ về.
Người thứ hai là một ông già, tuổi khoảng ngoài bảy chục. Ôngcó gương mặt khắc khổ nhưng nhìn kỹ lại có nét phúc hậu, mặc dù thoạt nhìn thì thấy lạnh lùng. Ông rất ít khi nói bằng lời, muốn diễn đạt điều gì ông thường dùng tay hoặc mắt để biểu thị. Những lúc như vậy thì người bình thường không thể hiểu được, nhưng những người trong nhóm dị biệt lại hiểu rất rõ. Ông là người chèo thuyền cực giỏi. Mỗi khi vớt được người chết trôi ông thường nhận việc khâm liệm và lo quan tài. Hàng năm cứ đến mùa nước lũ là ông đánh thuyền ra giữa dòng tìm vớt những khúc gỗ to kéo về, thuê thợ xẻ bóc ra thành những tấm ván canh và cất đi để dành khi có người chết trôi là đem đóng áo quan cho họ.
Người thứ ba là một thanh niên. Anh này không bao giờ cạo râu và cắt tóc nên trông cứ như người rừng. Nhìn kỹ thì anh ta còn rất trẻ, chỉ độ khoảng ngoài ba mươi tuổi, gương mặt trông vừa hiền vừa ngây ngô, đôi mắt lúc nào cũng như nhìn về một nơi xa thẳm. Khi chôn cất những xác chết anh ta đều đào huyệt rất cẩn thận và đắp mộ rất to. Ngoài việc đào huyệt anh ta còn nhận phần khắc bia đá ghi ngày chôn người chết trôi cho mỗi ngôi mộ vô danh đó.
Nếu chỉ kể có vậy thì coi như cũng xong chuyện về những con người dị biệt kia. Nhưng tôi muốn kể kỹ hơn về những con người này. Và xin bạn đọc hiểu cho, nếu có điều gì không phải trong khi kể chuyện, đặc biệt là khi tôi dùng nhiều từ ngữ liên quan đến chết chóc làm bạn đọc lạnh gáy, hoặc chuyện tôi kể có động chạm đến ai... thì cũng xin được lượng thứ. Chỉ biết rằng những con người này rất đáng được viết thành truyện mặc dù họ chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó. Ông giáo già, vị “Tiên sinh” của làng tôi có lần bảo:
- Cậu là nhà văn, chuyên viết truyện ngắn, sao có chuyện hay như vậy về nhóm cõi nhân dị biệt mà lại dửng dưng?
Tôi giãi bày:
- Cháu đâu phải nhà văn. Vả lại chuyện về họ có hay ho gì mà viết. Không khéo vì viết chuyện về họ mà cháu bị treo bút cũng nên (xin nói thêm với bạn đọc, tôi là người viết văn, làm thơ thuộc diện tài tử, đang cộng tác với một số tờ báo trả nhuận bút cao, nếu gặp rắc rối là bị treo niêu như bỡn!).
Ông giáo già lắc đầu:
- Chuyện ấy mà cậu chê, thế cậu viết về cái gì? Văn chương là phải nói về nhân tình thế thái, những thân phận con người, những điều tốt đẹp và cả những chuyện xấu xa... Nếu cậu tránh né những điều ấy thì viết văn làm gì?
Không dám cãi lời vị giáo già được mệnh danh là “Tiên sinh”, tôi đành hứa, kèm theo điều kiện:
- Được, cháu sẽ viết về họ. Nhưng nếu cháu có bị vạ lây thì ông phải cứu cháu nhá!
Ông giáo già không nói gì, lặng lẽ bỏ đi để tôi đứng chưng hửng một mình bên bờ sông đầy gió và mơn mởn mầu ngô xanh trải rộng đến chân trời.
Vợ tôi giãy nảy khi nghe tôi nói sẽ viết truyện về nhóm cõi nhân dị biệt. Nàng kêu thất thanh:
- Anh chẳng biết làm nghề gì ngoài mấy con chữ dở hơi để kiếm cơm ăn. Nếu anh bị treo bút thì để mẹ con em chết đói à?
Rồi nàng đổi giọng vỗ về:
- Thôi anh ạ, đừng dại mà động vào chỗ khó. Anh cứ viết những truyện ngắn vô thưởng vô phạt như trước đây anh từng viết để mà giữ chân cộng tác viên của mấy tờ báo. Truyện hay dở gì em không biết, miễn là cứ được đăng báo, có nhuận bút là được.
- Nhưng...
Vợ tôi ôm lấy vai tôi, hôn một cái rõ kêu lên má, rồi nựng:
- Thôi mà anh, nghe em đi. Bây giờ ta đâu còn trẻ mà nghĩ chuyện viển vông. Ngày xưa em yêu anh cũng vì mê truyện, mê thơ anh viết. Nhưng bây giờ nếu văn thơ mà không kiếm ra tiền thì chúng ta cũng chết. Em lo là vì chồng người ta biết làm việc nọ việc kia kiếm tiền, anh thì không được như họ, đã vậy anh còn cứ sĩ phọt làm gì!
Tôi nóng mắt và thấy hổ thẹn khi nghe những lời đay nghiến dịu dàng của vợ, nhưng nghĩ lại thấy nàng nói đúng quá đành ngậm miệng hến. Ngậm miệng mà thấy đắng ngắt và sống mũi cay sè. Hình như miệng tôi lúc ấy cũng méo như miệng thờn bơn.
Mà hình như tôi lại rông dài chuyện nọ sọ chuyện kia thì phải. Xin quay lại chuyện ban đầu là vì sao tôi lại viết truyện về “cõi nhân dị biệt”. Ấy là vì chính cái sự máu mê văn chương cộng với những ngày sống và nghe chuyện về những người trong “cõi dị biệt” làm cho tôi mê say. Nói bạn đọc tha lỗi, vài tuần sống với họ, được trực tiếp chứng kiến việc họ làm, tôi thấy hoá ra cuộc sống của mình từ trước đến nay thật là vô vị, chẳng thấm vào đâu so với những người thuộc diện điên khùng kia. Bất chấp lời khuyên răn đầy trách nhiệm và thương yêu của vợ, tôi cứ lang thang dọc bờ sông Lô để tìm những người thuộc “cõi dị biệt” để tìm hiểu về họ. Lúc đầu họ tưởng tôi cũng là một người tò mò như bao kẻ hiếu kỳ khác nên chẳng ai đoái hoài tới, thậm chí họ còn tỏ ra canh chừng, nhưng đến khi tôi nhắm mắt nhắm mũi cùng họ trèo lên thuyền đi vớt người chết trôi thì họ trở nên thân thiện hơn. Song thật ra chính họ đã làm cho tôi cảm nhận được cái việc thiêng liêng là làm phúc cho những nạn nhân xấu số của sông nước. Khi vớt những xác người chết trôi họ đều nâng niu như vớt người thân. Nhìn vào mắt họ mới thấy hết nỗi khổ đau. Họ nhẹ nhàng dùng chiếc bao tải dứa có tay cầm như chiếc băng ca luồn xuống phía dưới xác nạn nhân và khiêng lên thuyền. Tới bờ, việc đầu tiên là họ rải áo mưa ra bãi sông rồi đặt nạn nhân lên đó thắp hương khấn vái, tiếp sau là “khám nghiệm tử thi”. Rồi đem chôn. Rồi khóc. Rồi cười...
Họ sống với nhau theo cái cách rất riêng. Ông già luôn im lặng. Người phụ nữ gọi ông ta là cha, xưng con. Cậu thanh niên gọi là ông, xưng cháu. Ông già gọi hai người là chúng mày và xưng ta. Nhưng rất ít khi ông nói ra thành lời. Thân với họ được chừng một tháng thì tôi được nghe nhiều chuyện, chủ yếu là từ người phụ nữ và cậu thanh niên kia kể. Nhưng chỉ được nghe một cách lõm bõm. Để đỡ mất thì giờ của bạn đọc, tôi xin kể tóm tắt chuyện về những con người này. Trước hết là chuyện về người phụ nữ. Ngày trước chị cũng có một gia đình yên ấm như bao người khác, thế nhưng vào một hôm xấu trời chị mắc lỗi lớn. Khi ra bến sông giặt quần áo chị vớt được chiếc chậu thau to có một đứa bé trai kháu khỉnh bên trong. Trên ngực đứa bé có mảnh giấy ghi dòng chữ: “Nếu ai vớt được đứa bé này thì hãy làm ơn nuôi cháu và tha lỗi cho người mẹ dã tâm này!” Chị bế đứa bé lên định đem về nuôi, nhưng vì nghĩ cảnh nhà đông con, cái ăn lo cho chúng còn chưa đủ lấy gì nuôi thêm thằng bé này, thế là chị đặt thằng bé xuống chậu và đẩy ra giữa dòng nước, hi vọng nó sẽ đến tay người khá giả hơn và được nuôi dưỡng tốt hơn. Dòng sông chảy xiết, cái chậu bị lệch và nước tràn vào. Đứa bé oe lên vài tiếng thì chìm hẳn. Người phụ nữ đứng như trời trồng, như hoá đá và cuối cùng thì hoá điên. Ngày nào chị ta cũng ra bờ sông gọi “Con ơi!” và đem chậu thau ra tát dòng sông. Chị tát mãi, tát mãi cho đến khi bị chính dòng nước cuốn trôi về tới bến ông già đang kéo vó. Ông già vớt chị lên cứu chữa và chăm sóc. Từ đó chị chẳng biết mình là ai, chẳng nhớ cái gì. Riêng về ông già thì tôi được nghe kể rằng, cũng trong một ngày xấu trời, đang vớt củi trên sông thì ông nhìn thấy một xác chết trôi. Chẳng biết trời xui khiến thế nào mà cái xác ấy cứ luẩn quẩn quanh chiếc thuyền. Ông bơi thuyền đi chỗ khác nhưng chỉ được một lúc thì cái xác lại dạt đến gần. Ông bèn lấy dây buộc lại và kéo cái xác vào bờ chờ người nhà nạn nhân đến đem về. Cuối cùng thì người nhà nạn nhân cũng tìm đến thật. Họ đa tạ ông bằng tất cả những lời biết ơn nhất, bởi ông là người đã có công giúp họ vớt được thi thể của người thân xấu số. Duy chỉ một điều người nhà nạn nhân không biết, đó là ông đã kịp rút chiếc nhẫn vàng hai chỉ ở ngón tay người chết đuối. Ông đem chiếc nhẫn cất vào hộp sắt tây và chôn ngoài đầu nhà. Từ đó ông sinh ra chứng bệnh nói nhảm, bằng những lời chẳng ai hiểu được, kiểu như: “Này, ông thật tốt khi vớt tôi lên, nhưng ông cũng thật xấu khi lấy chiếc nhẫn cưới của tôi. Hãy trả lại cho tôi. Tôi xin ông đấy!”. Nghe những lời như vậy, người thì cho là ông bị ma làm, kẻ thì khẳng định ông bị điên. Và cuối cùng ông được người nhà cho về bệnh viện tâm thần chữa bệnh. Bệnh đỡ, ông về nhà, việc đầu tiên ông làm là đào chiếc hộp sắt tây đem vứt xuống sông, chính nơi mà trước đây ông buộc cái xác chết trôi. Khi nghe ông bảo trong hộp có cái nhẫn vàng hai chỉ thì ai cũng tiếc. Mấy thanh niên ở làng đã lặn xuống sông mò mấy ngày liền mà không thấy chiếc hộp. Từ đó ông cứ nửa điên nửa tỉnh và bảo con cái làm cho mình chiếc vó bè để ông ra bờ sông cất vó hàng ngày. Cậu thanh niên thì có một câu chuyện tình bi thảm. Hồi đi bộ đội trên vùng cao biên giới phía Bắc, cậu yêu một cô gái Tày xinh đẹp. Lẽ ra họ sẽ cưới nhau và xây tổ ấm, nhưng vì là con một nên gia đình cậu cứ bắt cô con dâu tương lai đang là giáo viên tiểu học phải bỏ nghề về quê làm ruộng. Nhưng cô gái không chịu vì tiếc cái nghề mà phải mất bao công sức mới có được, vả lại cô cũng không muốn xa bố mẹ đẻ và nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thoả thuận không thành, hai người đành phải chia tay nhau. Nhưng khốn nỗi, vì họ quá yêu nhau nên cô gái đã có thai. Chàng thanh niên khi biết được điều đó vào đúng ngày nhận quyết định ra quân đã lên cơn sốt vật vã. Cậu khuyên người yêu phá thai, nhưng cô gái kiên quyết: “Nếu phá thai thì thà em chết còn hơn!” Rồi cô gái khuyên chàng trai ở lại. Dù rất thương người yêu nhưng chàng trai không dám trái ý bố mẹ, đành dứt ruột bỏ người yêu và giọt máu của mình khoác ba lô về quê chăm sóc bố mẹ già. Và vào một ngày xấu trời, khi đang đánh dậm ngoài sông Lô, cậu ta bắt gặp một xác người chết trôi. Một phụ nữ trẻ nằm ngửa chềnh ềnh, đôi tay ôm chặt chiếc bụng chửa, mắt mở trừng trừng. Linh tính có điều khủng khiếp, chàng thanh niên ôm chiếc xác lên bờ. Trong giây lát mắt cậu tối lại khi nhận thấy những nét thân quên trên gương mặt và thân thể cô gái. Cậu không dám tin đó là người yêu của mình. Cậu lặng lẽ ôm chiếc xác về nhà đòi bố mẹ lo chôn cất như một người thân. Từ đó ngày nào cậu cũng ra nghĩa địa thắp hương và tạ lỗi với người nằm dưới mộ. Rồi vào một ngày đẹp trời cậu gặp người phụ nữ và ông già ở nghĩa địa khi họ đang lặng lẽ chôn một xác người chết trôi vừa vớt được. Cậu đi theo họ từ đó và hình thành một nhóm người dị biệt như bây giờ.
Xin bạn đọc hiểu cho, chuyện về những người này đến nay tôi cũng không dám chắc là có thật như vậy hay không, vì bản thân những người thuộc “cõi dị biệt” là những người không bình thường nên lúc họ nói thế này lúc lại nói thế khác. Thôi thì cứ coi như tôi tưởng tưởng ra cũng được, bởi trong việc viết truyện ngắn thì phải nêu được thân phận mỗi người. Chẳng biết có nhất thiết phải vậy không?
Bây giờ chuyện về những người dị biệt vớt xác người chết trôi và chôn cất không còn xa lạ gì với dân làng tôi. Nhưng trước đây vài năm thì đó là cả một chuyện dài. Chẳng là, một lần dân làng đang vớt củi trên sông, có một cái xác đàn ông trôi đến, dạt vào bờ. Đẩy thế nào cái xác cũng không trôi đi. Dân làng báo lên trưởng thôn. Trưởng thôn báo lên xã. Xã báo lên phòng lao động - thương binh và xã hội huyện. Phòng này bảo đó là việc của Hội chữ thập đỏ. Hội chữ thập đỏ lại bảo đó là việc của phòng lao động - thương binh và xã hội. Cứ thế cái xác ngày một thối rữa mà chẳng có ai lo chôn cất, cũng chẳng thấy người nhà nạn nhân đi tìm. Đang trong lúc khó xử ấy thì ông già kéo vó và chị phụ nữ chèo thuyền đến. Họ bảo để họ chôn. Nhưng sau khi họ chôn cất xong thì rắc rối xảy ra. Huyện, xã cho người về kiểm tra và kết luận: “Việc tự tiện chôn người chết trôi không lập biên bản là vi phạm pháp luật!” Ông già và người phụ nữ phải lên huyện giải trình về việc làm của mình. Sau ba ngày làm việc, huyện phải cho hai người này về vì khẳng định họ là những người điên! Thế là mọi chuyện cho qua không ai nhắc đến nữa. Thôn và xã thấy “nhẹ cả người” vì tránh được sự rắc rối trên địa bàn mình. Từ đó cứ hễ thấy có người chết trôi là dân làng lại gọi ông già và người phụ nữ kia đi vớt về chôn. Cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện báo cho thôn, cho xã và cho huyện. Huyện cũng chẳng bao giờ cho người về kiểm tra nữa.
Đọc đến đây chắc có người hỏi tôi: “Vậy những người thuộc cõi dị biệt họ sống bằng gì?” Vâng, đó chính là điều mà tôi sẽ kể sau đây. Hàng ngày ông già kéo vó, được cá thì đưa cho chị phụ nữ đem đichợ bán lấy tiền đong gạo. Chị phụ nữ giúp ông cơm nước và những việc vặt. Họ sống với nhau như cha con nhưng đã không ít lần chị bị những người con của ông già làm khó dễ. Các con ông bảo: “Ông già ngoài bảy mươi, dở tỉnh dở điên mà còn dại gái. Ra sức kéo vó kiếm cá chỉ béo cho con mẹ lăng loàn!” Vào những ngày nước ói, đoán ông già sẽ kéo được nhiều cá, các con ông sai người mang cơm nước cho bố, tỏ ý chăm sóc, nhưng thực chất là để liếc mắt xem trong giỏ có nhiều cá không để còn định liệu, mặc dù những ngày thường thì chúng quên rằng mình có một người cha điên điên, dại dại đang trần mình kéo vó ngoài sông. Hình như trời thương nên việc kéo vó của ông cũng kha khá, đủ để nuôi sống hai người và dành dụm được chút tiền để lo chôn cất những người chết trôi mà họ vớt được. Riêng chàng thanh niên thì vẫn ở với bố mẹ già. Mấy lần bố mẹ cậu đi hỏi vợ cho cậu nhưng cậu đều lắc đầu và bảo rằng mình đã có vợ có con nên không lấy ai nữa. Hàng ngày cậu giúp bố mẹ làm ruộng vườn, soi bãi, lúc rỗi việc thì đi bốc gạch thuê cho những chủ lò gạch trong làng. Khi nào thấy trẻ con réo có người chết trôi thì cậu ra bến sông để cùng ông già và người phụ nữ đi vớt về chôn.
Một biến cố lớn xảy ra với những người dị biệt. Họ vớt được xác một ông Tây. Nghe đâu ông này là Tây ba lô, đi du lịch mạo hiểm và bị tai nạn. Khi vớt được xác ông ta, ba người dị biệt cũng làm mọi thủ tục như những người khác. Họ cất đi một cây thánh giá mà người Tây xấu số đeo ở cổ, một đồng hồ đeo tay, một nhẫn vàng và toàn bộ giấy tờ. Chị phụ nữ vẽ hình ông Tây kỹ đến mức trông như ảnh chụp khi ông ta còn sống. Mọi thứ thu được họ đều ghi chép cẩn thận rồi cất vào một chiếc hộp nhựa, chờ trả lại cho người nhà nạn nhân. Chàng thanh niên khắc một bia đá to ghi dòng chữ: “Ông này không phải người ta”, đặt lên mộ người Tây.
Tưởng việc xong xuôi, nào ngờ cán bộ tỉnh, huyện, xã và trưởng thôn lại đến. Họ căn vặn tại sao vớt được xác ông Tây mà không báo cho chính quyền. Rồi họ hỏi tại sao trong ví ông Tây lại chỉ có bằng ấy đô la? Và rất nhiều những cái tại sao khác. Cuối cùng cả ba người dị biệt đều bị mời lên huyện để là rõ động cơ...chôn người!
Vừa được thả về đến cổng làng do bị kết luận là điên, cả ba nhân vật của câu chuyện này đã thấy đám đông dân chúng đón đầy đường. Họ kháo nhau bằng đủ mọi lời lẽ. Đại loại là, từ giờ thì những người dị biệt này tha hồ mà sướng nhá, gia đình ông Tây bị nạn đã đến trả ơn những người vớt được xác người thân của họ. Tây họ nhiều tiền lắm, số tiền họ trả sẽ tiêu suốt đời không hết... Ông giáo già tiên sinh nói nhẩn nha: “Nhân nào thì quả ấy”. Vợ tôi nói bóng gió: “Anh hay chơi với những người dị biệt chắc họ chẳng quên anh đâu nhỉ!” Mấy người con của ông già mang xe máy ra đón bố với thái độ kính trọng chưa từng có. Nhưng ông không đi xe máy mà cũng chẳng về nhà đứa con nào. Ông lặng lẽ cùng cô con gái vô gia cư xuống thẳng bè vó. Ở đó đã có mấy đứa cháu nội chờ ông về để được chia quà của Tây. Thấy ông không có gì chúng lại chạy thẳng lên bờ. Gặp chàng thanh niên người rừng đang xuống bè vó, chúng nhìn vẻ nghi ngờ, rồi bảo nhau: “Họ hẹn nhau đến đây bàn việc chia tiền Tây cho đấy. Khiếp chưa, con cháu thì chẳng cho lại đi chia cho người ngoài!”
Khi nhận lại những đồ vật và nhìn bức vẽ gương mặt nạn nhân, người nhà ông Tây ba lô nấc lên: “Đúng là Tô-ni rồi. Lạy Chúa. Cảm ơn...” Ông đòi gặp người đã vẽ bức chân dung này, nhưng cán bộ xã và trưởng thôn bảo không tìm thấy chị. Trong buổi tiếp người nhà ông Tây bị nạn tại Trụ sở xã, có cả đại diện Đại sứ quán của nước ông Tây. Cán bộ tỉnh giới thiệu cán bộ huyện và xã phát biểu. Với trạng thái cực kỳ xúc động, các cán bộ huyện và xã khẳng định rằng: Việc vớt xác người chết trôi được địa phương hết sức chú trọng. Huyện chỉ đạo các xã ven sông thành lập những đội cứu hộ thường xuyên túc trực để giúp những nạn nhân gặp rủi ro, bất trắc. Việc vớt được xác ông Tây là thôn, xã nhờ thực hiện tốt sự chỉ đạo đó. Cuối cùng cả cán bộ huyện và xã đều mong muốn những người Tây nên giúp đỡ địa phương các phương tiện cứu hộ trên sông vì xã huyện nghèo không có tiền mua sắm những thứ đó. Chẳng biết do xúc động hay sao mà cả cán bộ huyện và xã khi nói đến tiền đều lập cập đến nỗi phải nhắc đi nhắc lại mấy lần. Không chịu thua kém, trưởng thôn của “cõi nhân dị biệt” cũng giơ tay xin phát biểu. Anh ta ngỏ ý nếu người Tây bỏ tiền giúp thôn xây nghĩa địa thì tốt, vì nếu có nghĩa địa đàng hoàng thì mộ ông Tây bị nạn sẽ được chôn cất đẹp hơn. Kết thúc buổi tiếp, cán bộ tỉnh, người nhà và đại diện đại sứ quán của ông Tây cảm ơn dân làng đã vì tình nhân loại mà lo chu tất mồ mả cho người gặp nạn. Họ hẹn sau ba năm sẽ quay lại cất bốc hài cốt. Rồi họ hứa...
Chẳng biết những người thuộc “cõi dị biệt” được người Tây trả công nhiều hay ít, chỉ biết rằng bây giờ họ vẫn sống như trước. Nhưng dân làng lại đồn rằng họ giấu của vì sợ người ta cầu cạnh hay vay mượn. Tôi thì không tin vào những lời đồn đại, đơn giản chỉ vì khi làm việc phúc đức là vớt người chết trôi họ đâu có nghĩ rằng sẽ vớt được một ông Tây. Có lẽ đó chính là lời giải cho sự dị biệt của họ.
Ý kiến bạn đọc