Lễ hội - những điều mắt thấy tai nghe
14:02, 19/03/2007
Tới cửa Phật, người ta muốn rũ bỏ bụi trần, tuy nhiên, lắm người đi lễ lại cầu cho cái tôi của mình lớn hơn. Giữa chùa đông đúc, có người thuê thanh niên lực lưỡng đội mâm lễ rõ to để cầu buôn may, bán đắt, mua một bán mười. Có người cầu khấn lộc tài về tất nhà mình. Dịp này nhà chùa phải làm quen với từ ngữ mới, bởi có tín chủ đến cầu giá cổ phiếu lên.
Tại các đền, chùa và các lễ hội đang diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, bạn đọc phản ánh một số hiện tượng tiêu cực, lệch lạc, đề nghị các địa phương và ngành chức năng sớm chấn chỉnh.
Bạn đọc Sơn Trà (Bắc Ninh): Chỉ trong năm ngày Tết Ðinh Hợi, Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh đã nhận cấp cứu 69 ca tai nạn giao thông, trong đó các vụ tai nạn chủ yếu là do uống rượu, bia say. Uống rượu, bia say còn có trường hợp không làm chủ được tốc độ, đâm cả vào cột mốc ven đường, vỡ hộp sọ, tử vong. Tệ nạn chúc tụng nhau rượu trong ngày Tết và trong các dịp lễ hội đầu Xuân ở các vùng quê Kinh Bắc chẳng những làm gia tăng tai nạn giao thông mà uống rượu, bia say còn gây ra nhiều cuộc ẩu đả nhau trong thanh niên tại các lễ hội.
Bạn đọc Ðỗ Thông (TP Hồ Chí Minh): Trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm, phường 7 (quận 3, TP Hồ Chí Minh), trên đoạn đường Nguyễn Văn Trỗi, có rất nhiều người buôn bán đồ lễ và bán các lá số tử vi, các loại sách như "Lịch vạn sự 2007", "Bói bài", "Bí ẩn từ lá bài"... Họ tranh giành, níu kéo khách thập phương đến lễ, làm phiền hà du khách, làm mất trật tự và ách tắc giao thông.
Bạn đọc Hải Bình (Hải Phòng): Ði lễ hội đầu năm mọi người không khỏi lo lắng giá cả thức ăn, đồ uống tại các nơi cần đến. Có ai tin rằng, tại lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), giá một đĩa đậu phụ tới 50.000 đồng, thịt bò 150.000 đồng/đĩa. Chỗ thuê nhà và các dịch vụ khác cũng đều tăng giá. Nếu người thanh toán kêu đắt thì chủ hàng lập tức gây khó khăn, trong khi đó không một cơ quan nào đứng ra giải quyết. Tất cả khách hàng đều chép miệng cho xong để còn đi. Cho nên, trên thực tế, cơ quan nào mà tổ chức đi lễ hội cũng phải chuẩn bị đồ ăn uống rất lỉnh kỉnh. Nếu ai có dịp đi Cát Bà (Hải Phòng) cũng không khỏi bùi ngùi về giá tôm cua ghẹ còn đắt hơn cả trong nội thành. Ði tham quan, đi chơi, ai cũng muốn, nhưng mỗi khi nhớ lại sự tăng giá đó thì lại không muốn đi lần hai. Muốn mua cái gì cũng ngại vì túi tiền còn hạn chế. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm thành lập hiệp hội các nhà kinh doanh trên địa bàn thống nhất giá các loại mặt hàng để khách thập phương yên tâm khi đến.
Bạn đọc Minh Nguyễn (Hà Nội): Ngày rằm tháng giêng Ðinh Hợi vừa qua, ở khu vực chùa Quán Sứ, Phúc Khánh, chùa Hà, Phủ Tây Hồ, đền Trấn Quốc, đền Quán Thánh..., người xe đông nghịt suốt từ tờ mờ sáng đến tối khuya khiến không khí nơi đây thật xô bồ. Tới cửa Phật, người ta muốn rũ bỏ bụi trần, thấy cái tâm mình sáng hơn, muốn bỏ cái tôi vô thường đến với cái ta thánh thiện. Tuy nhiên, lắm người đi lễ lại cầu cho cái tôi của mình lớn hơn. Giữa chùa đông đúc, có người thuê thanh niên lực lưỡng đội mâm lễ rõ to để cầu buôn may, bán đắt, mua một bán mười. Có người cầu khấn lộc tài về tất nhà mình. Dịp này nhà chùa phải làm quen với từ ngữ mới, bởi có tín chủ đến cầu giá cổ phiếu lên. Chướng mắt nhất là nhiều cô ăn mặc không giống người đi chùa, hở lưng, hở rốn, váy ngắn, thậm chí leo cả lên bục cài tiền vào tay Phật, và chân Ðức Ông, Ðức Thánh. Có một số người vào chùa, xả rác ngay ra dưới chân, ra đường phố... Những chuyện như vậy nhiều lắm. Mùa lễ hội vẫn còn dài. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, nhất là ngành văn hóa các địa phương nơi có chùa, đền sớm tuyên truyền, vận động cho mọi người đến lễ bái biết những quy định mới trong việc thực hiện nếp sống văn minh nơi đền chùa. Bên cạnh việc quản lý giá cả trông xe đã đội lên quá trời, thắp hương quá nhiều, các dịch vụ ăn theo chèo kéo khách, nạn móc túi, trộm cắp tiền công đức xuất hiện ở một số nơi..., thì cần phổ biến cho mỗi người vào nơi cửa chùa có văn hóa đi chùa, dần trở thành thói quen.
Nhân dân
Ý kiến bạn đọc