Bà nhỡ

08:55, 30/03/2007

Tôi lớn lên đã thấy ở làng mình có bà Nhỡ rồi. Nói chung, dưới con mắt mọi người, bà Nhỡ là một phụ nữ chẳng ra gì. Bởi bà hay nói tục, thóc mách, chua ngoa.


Bà mà chửi ai thì từ đầu làng đến cuối xóm đều nghe thấy. Bà chửi có bài bản, có vần điệu hẳn hoi. Thậm chí có người còn thích nghe những câu chửi ấy của bà (tất nhiên số này không nhiều). Đối với những người này, lâu lâu không nghe thấy bà Nhỡ chửi họ lại thấy văng vắng như thiếu một cái gì đó! Có lẽ vậy àm mấy thanh niên ở làng tôi thỉnh thoảng lại trêu cho bà chửi. Nhiều lúc tức lên bà cho cả họ hàng nhà ai đó “ăn” toàn những thứ con người không thể ăn được; cho họ “rúc” vào những chỗ không ai thích rúc; gọi họ là mặt nọ, mặt kia hết sức gớm ghiếc! Ngày trước, khi mới nghe bà chửi, dân làng ai cũng thấy khó chịu. Có người phải lấy bông nhét vào lỗ tai trẻ con. Mẹ tôi cũng thường gọi chúng tôi về, lấy những cục bông gòn to như hạt nhãn nút lỗ tai chúng tôi lại. Nhưng nghe nhiều hình như thành quen nên chả thấy ai chấp bà. Chính quyền, đoàn thể địa phương cũng chẳng có hơi đâu mà gọi bà lên trụ sở để doạ nạt, xử phạt và tuyên truyền, giáo dục nữa. Người lớn cũng không còn tìm trẻ con để nút lỗ tai, bởi hầu như chẳng mấy ngày không nghe thấy tiếng bà Nhỡ chửi. Dưới con mắt nhiều người, bà Nhỡ đã trở thành “một người điên” không hơn không kém.

 

Cuộc đời bà Nhỡ kể ra cũng khổ. Bà ngoại tôi kể rằng, bà Nhỡ cũng chạc tuổi ngoại. Bà là người dưới xuôi theo chồng lưu lạc lên đây từ những năm khai hoang. Lúc mới lên cả gia tài của hai vợ chồng và một đứa con chỉ gọn trong đôi quang gánh. Chủ nhiệm hợp tác xã lúc ấy là ông nội tôi đã đồng ý cho vợ chồng bà vào hợp tác xã, cấp cho họ một suất ruộng khoán và đề xã, huyện nhập khẩu cho gia đình bà. Ông còn đứng ra vận động bà con trong hợp tác xã giúp đỡ cây que, công sức dựng cho vợ chồng bà Nhỡ mấy gian nhà ở trên đất gò. (Việc làm ấy của ông tôi sau này bị một số người quy tội là “rước voi về rày...”). Tưởng rằng như vậy là cuộc sống gia đình bà sẽ bớt khổ, nào ngờ tai hoạ bất ngờ lại giáng xuống đầu vợ chồng bà. Đứa con bà địu lên quê tôi hồi ấy cứ ốm ngặt nghẽo. Người nó gầy như cái mõ, lại hay lên cơn giật. Vợ chồng bà làm đủ thứ việc, quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mà cũng chẳng kiếm đủ tiền để chữa bệnh cho con. Bà con dân làng phần vì nể lời vận động của ông tôi, phần vì thật lòng thương gia cảnh nhà bà đã bớt ăn, bớt mặc để san sẻ giúp đỡ những lúc thằng bé ốm nặng phải đi trạm xá cấp cứu, hoặc khi gia đình bà Nhỡ chẳng có gì ăn. Nhưng dân làng tôi cũng chẳng khá giả gì, vì cái làng quê ven sông của tôi ngày xưa là vùng đất giầu có, màu mỡ, đầy rẫy lúa gạo, cá tôm... nhưng gần đây thiên nhiên khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh liên tục diễn ra khiến mùa màng thất bát, đời sống dân làng khó khăn, phải đổ sô vào rừng kiếm củi bán, phát nương làm rẫy; ào ạt xuống sông bắt cá tôm bằng đủ mọi thứ dụng cụ, trong đó tệ hại nhất là nổ mìn và kích điện, làm cho nhiều loài thuỷ sản bị tuyệt diệt. Cuối cùng thì thằng con bệnh tật của bà Nhỡ cũng bỏ bố mẹ mà đi! Mất con, ông Nhỡ buồn chán lao vào rượu chè say khướt suốt ngày. Rồi ông bỏ đi lang thang dăm bữa, nửa tháng mới về nhà một lần. Mỗi lần về, chẳng những ông không giúp gì được bà mà còn gây sự, thậm chí đánh đập bà, rồi lại bỏ đi lang thang. Hồi đầu, khi nghe người ta mách gặp ông say rượu nằm vật vã ở đâu đó là bà lại nhờ người đi tìm khiêng ông về rồi chăm sóc tận tình. Lúc ấy ông tỏ ra hối hận, tỏ ra thương bà và hứa sẽ tu tỉnh làm ăn, cùng vợ gây dựng cơ nghiệp và sinh ra những đứa con. Nhưng hầu hết những kẻ nát rượu chỉ giỏi hứa suông và “ăn tục nói phét”. Chỉ được vài ngày tỉnh táo, ông Nhỡ lại say mèm, lại bỏ nhà đi lang thang, lại nằm vật vã ở đầu đường xó chợ, bà lại phải nhờ người đi khiêng về! Song sự kiên nhẫn chịu đựng của con người có hạn, bà bắt đầu nổi xung lên mỗi khi ông say rượu hành tội bà. Dân làng bắt đầu nghe tiếng bà chửi tục từ cái hôm ông lấy trộm ổ trứng gà đang ấp dở luộc nhắm rượu. Khi bà cằn nhằn, ông cầm chiếc điếu cày làm bằng ngọn tre gai đập mạnh vào cột nhà, chẳng may chiếc nõ điếu văng đúng vào đầu bà làm máu chảy lênh láng. Vừa tiếc của, vừa đau, vừa phẫn uất, bà Nhỡ nhảy lên đành đạch rồi bắt đầu chửi. Bà chửi đúng một buổi chiều cho đến khi không nói ra tiếng nữa mới chịu thôi. Bà chửi chồng, chửi đời, chửi kẻ nào dụ dỗ chồng bà uống rượu, chửi cả đứa con xấu số đã trốn bố mẹ mà đi...

 

Bà ngoại tôi bảo, nghe bà Nhỡ chửi vừa thấy ác khẩu, cay nghiệt lại vừa thấy thương cho đời bà ấy! Nhiều người bảo bà Nhỡ là người xấu, người không ra gì, có người còn ác tâm kết tội bà là nguyên nhân làm cho đứa con ốm chết, làm cho chồng bỏ đi lang thang. Nhưng bà ngoại tôi nghĩ khác. Bà bảo có ai ở vào hoàn cảnh như bà Nhỡ thì mới thông cảm được cho bà ấy.

 

Bà Nhỡ đỡ đẻ rất giỏi. Lúc đầu chẳng ai ở làng tôi biết bà có khả năng này. Tình cờ một hôm ở xóm Ghềnh có người đẻ ngược, không kịp đưa đi trạm xá. Trong lúc nguy kịch ấy bà Nhỡ đã ra tay cứu giúp được “mẹ tròn, con vuông”. Lần khác, dì Mai tôi đẻ bọc. Bà ngoại tôi kể, khi thấy dì Mai đẻ ra cái bọc tròn như cục thịt ai cũng bảo là quái thai. Giữa lúc mọi người còn đang hết hồn khi thấy “cục thịt” ấy giãy giãy thì bà Nhỡ xông vào, nhào đến “cục thịt” bóc vội lớp màng bên ngoài. Hoá ra trong lớp vỏ bọc ấy là thằng bé con rất kháu. Nó chính là thằng Toàn con dì Mai bây giờ. Bà Nhỡ bảo đã có người để con chết oan vì đẻ bọc. Tôi nghĩ, hôm ấy mà bà Nhỡ không đến kịp thì thằng Toàn chắc cũng chết ngạt trong cái bọc kỳ lạ, hiếm hoi ấy.

 

Mặc dù được mọi người quý mến, nhất là những người được bà giúp đỡ đẻ, nhưng bà Nhỡ không bỏ được cái tính ngoa ngắt và hay chửi đổng nay đã trở thành thói quen. Tính khí bà rất lạ, có khi bỏ cả buổi đi đỡ đẻ, vất vả mấy cũng không kêu ca, phàn nàn, đỡ xong không lấy công, nhưng nhiều khi chẳng đâu vào đâu lại chửi. Chửi mất mặn, mất nhạt những ai sơ ý làm bà bực mình. Luc trẻ con chúng tôi sợ bà một vành, cứ nhìn thấy bóng dáng bà bước xăm xăm trên đường là phải bỏ chạy. Thấy chúng tôi bỏ chạy bà cũng chửi. Chúng tôi đã từng bị bố mẹ đánh oan vì nghe tiếng bà chửi cứ ngỡ con mình đã hỗn láo hoặc trêu chọc bà.

 

Ngoài đỡ đẻ gỏi, bà Nhỡ còn có nghề tráng bánh đa. Bà sống chủ yếu bằng nghề này kể từ khi ông Nhỡ bỏ đi biệt tích. Bánh đa bà tráng vừa mỏng, vừa dai, nấu ăn mềm mà không nát. Bà làm đến đâu bán hết đến đó, vì loại bánh cắt của bà khi nấu canh ăn cứ ngon như bánh phở tươi trên thị xã. Đặc biệt banh của bà rất sạch và rẻ. Mẹ tôi thường mua về để nấu ăn sáng, gần như bữa nào cũng ăn mà tôi không thấy chán. Bánh đa nướng cùa bà thì ngon không chê vào đâu được. Giữa hai lớp bành đa trong vắt là lớp vừng đen hoặc vừng vàng, nướng than phồng đều ăn giòn tan, thơm đẫm. Mẹ tôi đi chợ về thường qua chỗ bà Nhỡ mua cho chúng tôi mấy chiếc bánh đa nướng, ăn vừa lành, vừa ngon lại rẻ tiền.

 

Gần Tết làng tối bỗng xuất hiện một người điên. Ông ta gầy gò, đen đúa và rách rưới, nhưng lại rất hiền. Ông ta thường ra bãi rác bờ sông bới nhặt những thứ ống bơ, giấy bóng, giầy dép và cả cặp sách hỏng về buộc quanh người. Ông đi đến đâu lũ trẻ con chạy theo đến đó. Người lớn thường dúi vào tay ông ta khi thì gói cơm, lúc thì của khoai, củ sắn. Cuộc đình đám nào ở quê tôi cũng thấy có mặt ông ta. Ông thường đến kiếm bát cơm, bữa thịt rồi lại về góc nhà kho cũ ngủ.

 

Đêm ba mươi Tết, bà Nhỡ đi đỡ đẻ về. Qua nhà kho cũ bà thấy ông điên đang nôn thốc nôn tháo ra cả máu. Bà vội vung bó đuốc gọi toáng lên, nhưng chẳng ai đến giúp cả. Không biết mọi người ở làng kiêng hay vì mải chuẩn bị đón giao thừa mà chẳng thấy một ai. Bà Nhỡ vươn cổ lên định chửi, nhưng chợt nhớ ra là đêm ba mươi Tết, bà đành thôi. Mặc dù cố tìm cách ghìm cơn tức chửi, nhưng miệng bà vẫn thoát ra câu “Chúng mày tịch hết rồi à?”.

 

Đỡ người điên vào trong góc nhà kho, bà Nhỡ cởi chiếc áo bông “hạt lựu” đã cũ của mình đắp cho ông ta rồi đốt đuốc ra dọn bãi nôn mửa của người điên. Thì ra không phải ông ta thổ huyết mà là uống rượu với tiết canh lợn. Bà lẩm bẩm: “Nhà nào còn cho lão điên này ăn tiết anh nữa chứ? Nhưng vậy thì cũng đỡ lo. Cứ tưởng thổ huyết thì khổ!” Đoạn bà về nhà cầm cặp bánh chưng, gói bích quy và mấy quả cam cùng thẻ hương đến lập cho ông điên một bàn thờ Tết. Xong xuôi, bà Nhỡ nhóm cho ông ta đống lửa, rồi dặn: “Nằm cẩn thận kẻo lăn ra đống lửa thì chết bỏng!”

 

Bà Nhỡ trở về nhà vào đúng lúc giao thừa đang đến.


Nguyễn Trần Bé

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên hoan văn hoá ẩm thực - Ngày hội của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc
Lần đầu tiên, những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc nhất, những món ăn độc đáo nhất của đồng bào các dân tộc Tây Bắc sẽ được giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước qua Liên hoan văn hoá ẩm thực làng quê khu vực Tây Bắc lần thứ nhất do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai tổ chức tại thị trấn Sa Pa - huyện Sa Pa - tỉnh Lào Cai từ ngày 14-17/4/20007.
30/03/2007
Festival Cầu vồng Italy tại Việt Nam
48 hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc sắc sẽ được tổ chức trong dịp Festival Cầu Vồng Italy từ tháng 4 đến tháng 10/2007 tại Việt Nam.
29/03/2007
Thi đua lập thành tích chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII
(HGĐT)- Với chức năng nhiệm vụ của mình là tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
28/03/2007
Bế giảng lớp tập huấn kỹ năng dẫn chương trình (MC)
(HGĐT)- Tối 27.3, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh đã diễn ra lễ bế giảng lớp tập huấn kỹ năng dẫn chương trình (MC).
28/03/2007