Tết ở quê núi

09:25, 29/01/2007

(HGĐT)- Quẹo phải nơi cây gạo cổ thụ tôi men theo rìa làng thôn Then mà đi. Sau cánh rừng, là những ngôi nhà sàn xinh xắn. Dọc bìa rừng, từng đàn trâu thong rong gặm cỏ. Làng quê thanh bình hiện lên trong câu hát ru của mẹ. Một dòng suối cuối mùa khô sâu chặn ngang dòng suy tưởng. Bên túp lều ven suối, cụ già ngoài 70 tuổi, tóc bạc, áo chàm, chỉ cho tôi chiếc cầu khỉ... “Đi Hương Sơn hả, cứ đường to mà đi... cháu nhá”.


Chủ tịch UBND xã, Hoàng Ngọc Linh kéo tôi lên trụ sở vừa giải thích: Đã 44 mùa xuân kể từ năm 1962 xã Hương Sơn được thành lập sau chia tách xã Tiên Kiều, đến nay cơ sở xã vẫn coi như là chiếc “nhà tạm”. Trước mắt tôi, một ngôi nhà rất “quê núi” chỉ có điều nó được làm bằng gỗ tạp. Tôi đùa “Nhà sàn bây giờ được xem là mốt thời thượng đó”, rồi vào chuyện với chủ nhà. Anh Linh cho biết: Tuy chưa “giàu”, nhưng quê này tết cũng vui đáo để. Trước tết, cả xã dồn công, góp sức, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã xóa xong 28 nhà tạm, giao cho bà con nghèo vào ăn tết trong nhà mới. Theo ghi nhận, Hương Sơn có diện tích tự nhiên 3.669 ha. Trong đó, rừng, đất rừng chiếm 2.360,2 ha, đất ruộng và đất nông nghiệp chỉ có 186,3 ha. Toàn xã có 449 hộ, 2.217 khẩu, 8 dân tộc anh em chung sống, dân tộc Tày, Dao, chiếm đa số, còn lại là dân tộc Mông, Nùng, Phù Lá... Điều làm Hương Sơn phấn khởi nhất là xã được công nhận thoát khỏi diện “bảo trợ” của Chính phủ vào tháng 8.2006 sau một chặng đường 44 năm phấn đấu của toàn Đảng bộ, nhân dân.

 

Thế mạnh lớn nhất để dân tận dụng làm kinh tế trong những năm qua là rừng và cam, quýt, kèm theo chăn nuôi trâu, cá. Phó Chủ tịch xã, Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ở xã có rất nhiều “triệu phú” từ trồng cam quýt. Điển hình là ông Nông Đức Toản ở thôn Sơn Thành có trên 5.000 cây cam cho thu hoạch, mỗi năm thu tiền trăm triệu nhẹ như “lông hồng”. Còn người thanh niên trẻ bị “khuyết” một tay do ảnh hưởng chất độc màu da cam Hoàng Văn Đường, ở thôn Nghè, cũng thu vài chục triệu mỗi năm về trồng cam là chuyện “thường” tại xã... Số liệu mà tôi ghi nhận, năm 2006, mức thu nhập bình quân đầu người ở Hương Sơn là 4,5 triệu đồng/người/năm. Mức ăn đầu người là 393 kg thóc. Cả xã có 120 hộ khá, 176 hộ trung bình (tiêu chí mới). Nhìn chung, nhà tạm là hết, đặc biệt hơn nữa, đất núi này có tới 90% dân số, số hộ, có và ở “nhà sàn”. Và không có hiện tượng “bán nhà sàn” để đòi được hưởng “134 CP” như ở một số xã. Trong cái không khí ấm áp ấy, cô cán bộ văn hóa trẻ xinh xắn người dân tộc Dao áo dài tên Luân bật nói: “Tối nay, anh cứ ở xã đi hát cọi, hát lượn, sáng ngày 3 tết, ở trung tâm này sẽ có Hội tung Còn, hát “bè” nữa”. Câu chuyện cô Luân kể là cả một truyền thuyết của tình yêu đôi lứa ngày Xuân. Trong hội, từng đám trai, gái kết thành 2 phe, vừa tung còn, vừa hát đối. Hát đối, hay còn xem như một lối hát “nói” mang tính “đố” và “giải đố”. Hai bên cứ hát, cứ đối, cứ ra vế đối, rồi cứ hát, hát cho vế bên kia không đối được nữa là thua đối. Trong các buổi hát như thế thường có các bậc cha, mẹ đi cùng để mách đường, chỉ lối cho các vế đối. Và cũng đồngnghĩa với việc dạy bảo con cháu gìn giữ bản sắc của cha ông để lại là những nét gia phong mẫu mực, cần gìn giữ, bảo tồn cho con, cháu muôn đời những nét tương thân, tương ái, nếp sống tình làng, nghĩa xóm, lúc vui cũng như lúc buồn.

 

Đang vui chuyện, tôi hỏi Luân: “Bây giờ lấy vợ người Dao, anh phải mất bao nhiêu bạc trắng”? Cô cười, đưa tôi chén trà đặc “không lấy bạc nữa đâu, lạc hậu lắm rồi. Bây giờ, Hương Sơn đã thực hiện theo quy ước nếp sống mới”. Đưa vào tay tôi chiếc bánh 6 cạnh làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, gói bằng lá rừng, Luân giải thích: “Những cạnh vuông của bánh lá tượng trưng cho sự vuông tròn, thanh bình. Màu xanh của bánh lá tượng trưng cho sự yên lành. Màu hồng, là màu của cuộc sống hạnh phúc. Màu đỏ, là màu của khát vọng vươn tới cuộc đời ấm no...”. Dừng lại đôi chút, dúi vào tay tôi chén rượu nồng... “Muốn lấy vợ người Dao hả, thì ở lại đây, tối nay cùng em đi... hát cọi”. Nói rồi, cái dáng thanh thoát và đôi má ửng hồng của Luân lẫn vào trong cái đám hội đông đúc, rạo rực sắc màu, trong đám hội ấy, già trẻ, trai gái, ai nấy đền vui. Tôi nhìn theo cô gái trẻ mỉm cười, tết ở quê núi, năm nay thật là ấn tượng.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
(HGĐT)- Năm qua, với nhiều chủ trương hoạt động lớn, công tác xây dựng tổ chức Đoàn - Hội và các hoạt động nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương trên địa bàn thị xã Hà Giang thực sự là những đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, có sức lan toả đến mọi đoàn viên thanh niên (ĐVTN), đặc biệt là các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng đã được triển
29/01/2007
Khai mạc đợt phim mừng đảng, mừng xuân
(HGĐT)- Tối 25.1 tại Trung tâm Văn hoá, Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp với Cục Điện ảnh Việt Nam tổ chức khai mạc đợt chiếu phim mừng Đảng, mừng Xuân, được trình chiếu từ ngày 25.1 - 20.2.2007, với những bộ phim đạt giải các kỳ liên hoan phim trong nước và quốc tế.
29/01/2007
Tổng kết công tác DS-GĐ và TE năm 2006
Ngày 26.12, tại Hội trường LĐ LĐ tỉnh, Ủy Ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (DS-GĐ và TE) Hà Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác DS-GĐ và TE năm 2006, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2007. Đến dự có đồng chí Vương Mí Vàng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
28/12/2006
Ngọc Hà với phong trào văn nghệ quần chúng
Phường Ngọc Hà (thị xã Hà Giang) mới được thành lập hơn 1 năm, với địa bàn nửa nông thôn, nửa thành thị. Toàn phường có trên 900 hộ và trên 3.000
28/12/2006
Công ty quà tặng tết Grand Cru - Wine & Gift