Văn hoá chợ vùng cao Hà Giang

22:01, 15/12/2006

Hà Giang cũng như nhiều vùng núi khác thường có các chợ phiên, nơi đây không chỉ là trung tâm thương mại, nơi trao đổi hàng hoá của các dân tộc lân cận mà còn là trung tâm văn hoá, nơi in đậm dấu ấn của cộng đồng các dân tộc Hà Giang.


Ai đã một lần ghé thăm chợ phiên ở Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần…của Hà Giang hẳn không thể nào quên những đặc sắc của các chợ phiên nơi đây. Được hình thành lâu đời và sầm uất vào bậc nhất, tuy nhiên khác với ở miền xuôi, chợ ở Hà Giang thường họp một tuần một lần vào chủ nhật, có nơi xa xôi còn cả tháng chợ mới họp. Những mặt hàng mà họ mang ra chợ bán cũng khá phong phú nhưng chủ yếu là những sản vật của núi rừng hay là những mặt hàng do chính họ làm ra như: ngô, thóc, đậu tương, các loại rau, mật o­ng, nấm hương, mộc nhĩ, vải…cũng vì vậy mà những thứ họ mua về chủ yếu là những mặt hàng họ không tự sản xuất được như dầu hoả, muối, kim chỉ, mì chính, đèn, pin…Khi mua những mặt hàng này, họ thường tính theo các đơn vị đo lường đặc trưng của vùng họ như tính quả (trứng), tính con (gà) tính ống (ngô)…ngày nay họ đang dần học theo người Kinh dùng đơn vị do lường là kilôgam. Nhiều chợ ở Hà Giang người dân tộc không dùng tiền để trao đổi mà họ thường trao đổi bằng các hiện vật. Họ thường mang xuống chợ con gà, hay chục trứng để đổi lấy cái cuốc hay đôi thùng gánh nước…Những vật dụng cần thiết trong gia đình. Nhiều vùng, dân tộc xa xôi hẻo lánh chợ thuần nhất chỉ có những người dân tộc họ đến để trao đổi mua bán qua việc thoả thuận đổi hiện vật lấy hiện vật nên không hề có sự gian lận, lừa đảo.

Chợ vùng cao tuy còn nghèo nàn, đơn giản nhưng nó thực sự thấm đượm tình người, nơi có những người dân tộc thật thà mang đến đây những sản vật do chính bàn tay cần mẫn của họ làm ra, mỗi nơi một sản vật đặc trưng đó cũng là đặc sản của từng vùng.

Đặc biệt hơn, ở các dân tộc họ đi chợ không đơn thuần chỉ để mua bán mà còn là để đi chơi. Có khi chỉ một con gà hay một chục trứng cắp nách mà họ có thể đi nửa ngày đường để xuống chợ. Họ tới đây để giao lưu, trò chuyện để gặp gỡ bạn bè, trao đổi tâm tình. Chợ còn là nơi hò hẹn của nhiều đôi trai gái. Tiêu biểu cho kiểu chợ này là chợ tình Khâu Vai, hay còn gọi là chợ Tình Phong Lưu, một năm chỉ họp một lần vào 27/3 âm lịch. Gọi là chợ nhưng chẳng có người mua, cũng chẳng có kẻ bán, trai gái kéo nhau đến đây mỗi năm một lần chỉ để gặp gỡ và nói lời yêu. Già thì đến gặp bạn tình xưa, trẻ đến tìm người tình mới. Ai cũng háo hức, nghẹn ngào. Đàn ông ngồi thổi đàn môi, khèn bè, kèn lá; phụ nữ bên bếp lửa hát ví hát đối những điệu Sli, lượn... cứ ngân nga thâu đêm. Vì vậy chợ Tình Phong Lưu không còn đơn thuần là nơi trao đổi hàng hoá, phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà quan trọng nó là điểm du lịch, là trung tâm văn hoá, nơi biểu hiện đậm nét nhất những bản sắc văn hoá của các dân tộc vùng cao Hà Giang.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở Hà Giang
Cùng là người Dao Dỏ nhưng ở mỗi vùng thuộc Hà Giang người Dao Đỏ lại có những trang phục riêng mang đặc trưng văn hoá của dân tộc mình. Sự khác biệt giữa trang phục của người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì và người Dao Đỏ ở Quản Bạ...càng làm phong phú thêm sắc màu văn hoá trang phục của các dân tộc ở Hà Giang.
15/12/2006
"Gặp nhau cuối tuần" sẽ dừng phát sóng
Ngày 30/12/2006, "Gặp nhau cuối tuần" sẽ chính thức nói lời chia tay sau 7 năm lên sóng bằng Gala Gặp nhau cuối năm. Gala này sẽ có một vở kịch đặc biệt với sự góp mặt của những gương mặt hài danh tiếng...
15/12/2006
Liên hoan đưa thông tin về cơ sở lần thứ 14 năm 2006
Liên hoan đưa thông tin về cơ sở lần thứ 14 của tỉnh Hà Giang được tổ chức tại huyện Quản Bạ, với 11 đội thông tin lưu động (TTLĐ) của 11 huyện, thị trong tỉnh tham gia.
14/12/2006