Triển lãm ảnh về dân tộc Pà Thẻn

23:14, 19/12/2006
“Họ chỉ có 4.300 người, trang phục của họ rất đẹp, sống ở vùng núi cao Hà Giang… cuộc sống của họ đang ngày một thay đổi và di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một” - Nhà nhiếp ảnh người Pháp Sebastien Laval giới thiệu triển lãm ảnh tại Hà Nội về người Pà Thẻn.

Gần 80 bức ảnh mầu và đen trắng của anh đang được triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Những bức ảnh đặc tả chân dung, trang phục, cảnh sinh hoạt, phong tục tập quán, quang cảnh làng, bản, nương rẫy, chợ búa… thể hiện bản sắc của cộng đồng dân tộc này.

Cộng đồng Pà Thẻn chủ yếu sinh sống ở một số xã của Hà Giang và một số ở Tuyên Quang. Họ thường làm nhà sàn hoặc nhà nền đất, các bản làng tụ họp bên sườn núi thấp hoặc thung lũng, sinh sống bằng nghề làm nương rẫy. Sinh hoạt văn hóa dân gian của dân tộc Pà Thẻn khá phong phú, thể hiện qua những truyện cổ tích, các làn điệu dân ca, hát ru, các điệu nhảy múa, các loại nhạc cụ (khèn bè, đàn tầy nhậy, sáo trúc...).

"Nét bản sắc độc đáo nhất của người Pà Thẻn có lẽ là trang phục. Đặc biệt là trang phục nữ. Đó là những chiếc áo dài, mầu sắc sặc sỡ và hoa văn dệt bằng tay hết sức tinh tế. Đi kèm những chiếc áo này là rất nhiều đồ trang sức, bao gồm vòng cổ, vòng tay. Vậy nhưng bây giờ những người phụ nữ Pà Thẻn ít mặc trang phục truyền thống mà thay vào đó là quần áo bình thường bán ở dưới xuôi”- Sebastien nhận xét.

Anh kể, anh đã đến Hà Giang hai đợt dài ngày, vào tháng 3-2005 và tháng 10-2006, qua các bản Nậm Bó, My Bắc, Đồng Tiến, Mai Thượng, Nậm Sú của huyện Quang Bình, cùng ăn cùng ở, sinh hoạt với những người Pà Thẻn ở đó. Chuyến đi đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm đẹp.

“Ấn tượng nhất là sự tiếp đón chân tình và nồng hậu của người dân ở đây. Khi chúng tôi đến, họ mổ lợn, giết gà, và ngay buổi tối đầu tiên chúng tôi đã thức thâu đêm uống rượu, ca hát nhảy múa bên đống lửa cùng họ. Thực sự, những người Pà  Thẻn đã lôi cuốn tôi”.

Ước tính họ chỉ có 4.300 người - quá ít đối với một cộng đồng dân tộc thiểu số, hơn thế nữa cuộc sống của người Pà Thẻn đã có những thay đổi đáng kể, chuyển từ du canh du cư đến định cư. Cùng với những thay đổi đó, bản sắc văn hóa của họ cũng đang dần mất đi. Với triển lãm này, Sebastien mong muốn lưu giữ lại những hình ảnh, những vốn quý cần được bảo tồn, gìn giữ, đồng thời cũng “thức tỉnh” chính người Pà  Thẻn, để họ nhận biết và tự hào về bản sắc của dân tộc mình.

Triển lãm này là kết quả của một dự án hợp tác giữa Hiệp hội các dân tộc Á châu và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nghiên cứu khảo sát về hiện trạng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, mà bắt đầu là Pà Thẻn.

Ông Daniel Roussel, một thành viên của dự án này cho biết, cùng với triển lãm ảnh của Sebastien Laval, Hiệp hội các dân tộc Á châu đang biên soạn một cuốn sách giới thiệu các món ăn của người Pà Thẻn và chuẩn bị cho ra mắt một cuốn phim tài liệu về cuộc sống, sinh hoạt cùng những nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc này.

Và sau Pà Thẻn, họ sẽ tiếp tục tìm hiểu, khảo sát và giới thiệu những đặc trưng văn hóa của các dân tộc khác ở Việt Nam.


(Theo nhandan.com.vn)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Một số lễ hội chính của 10 tỉnh đông-bắc
Đoàn dân tộc Pà Thẻn tại ngày hội. Nhân dịp Ngày hội Văn hoá các dân tộc vùng đông-bắc vừa diễn ra mới đây ở Hà Giang, chúng tôi xin được giới thiệu một số lễ hội đặc sắc của 10 tỉnh trong vùng.
17/12/2006
Ngày hội ở Nàn Ma
Nằm cách trung tâm xã Cốc Pài- “thủ phủ” của huyện Xín Mần có 8 km, nằm ở trên độ cao hơn 1200 mét so với mực nước biển, nên mặc dù là mảnh đất có cây mận hậu nổi tiếng đã đi vào thơ ca nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Nàn Ma vẫn hết sức khó khăn.
17/12/2006
Văn nghệ chào mừng 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Toàn quốc khánh chiến (19.12.1946-2006); tối 14.12, tại Quảng trường 26.3 (TXHG),
16/12/2006
Hà Giang: Lễ tổ chức long trọng kỷ niệm 115 năm ngày thành lập tỉnh
Là một tỉnh miền núi, biên giới địa đầu Tổ quốc với 22 dân tộc anh em cùng chung sống, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Hà Giang đã trở thành "phên giậu", bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc Việt Nam; đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách khắc nghiệt của xã hội và thiên nhiên đề tồn tại và phát triển như ngày hôm nay.
16/12/2006