Nhìn lại năm 2006
Ðời sống văn hóa ở cơ sở phát triển có chiều sâu
15:14, 25/12/2006
Năm qua, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục phát triển rộng khắp trong cả nước. Ðời sống văn hóa ở cơ sở phong phú đa dạng và bước đầu đi vào chiều sâu. Văn hóa đã là động lực phát triển, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.
Trong năm 2006, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được duy trì và phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Các địa phương đã xây dựng thành công 34.870 điển hình tiên tiến là các làng văn hóa, khu phố văn hóa xuất sắc, các cơ quan, đơn vị... có đời sống văn hóa tốt và các xã, phường đạt tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Ðặc biệt, các mô hình cộng đồng tự quản hoạt động có hiệu quả; có cách làm hay trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào, nhất là thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa. Công tác xây dựng gia đình văn hóa được chính quyền ở nhiều địa phương quan tâm, đã chỉ đạo và tiến hành thực hiện tốt việc bình xét gia đình văn hóa công khai, dân chủ, chất lượng phong trào đi vào thực chất, không chạy theo thành tích.
Các địa phương đã bình xét và biểu dương 2.138.630 gia đình văn hóa tiêu biểu. Phong trào xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa phát triển đồng đều ở các địa phương, vùng miền. Phong trào này là kết quả tổng hợp của nhiều phong trào cụ thể trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thu hút được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp nhân dân.
Qua đó, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức tự quản, huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, thiết chế văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn, phát huy thuần phong mỹ tục đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Chính vì vậy, lễ đón bằng công nhận Làng văn hóa, Khu phố văn hóa đã trở thành ngày hội, là niềm vinh dự tự hào của nhân dân ở các cộng đồng dân cư.
Xây dựng nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là công tác quản lý và tổ chức lễ hội dần dần đi vào nền nếp. Nước ta có hàng trăm lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội lớn như: Hội chùa Hương (Hà Tây), hội Ðền Trần, Phủ Giầy (Nam Ðịnh), Yên Tử (Quảng Ninh)...
Nhiều lễ hội đã khôi phục được các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc, tôn trọng các giá trị văn hóa lịch sử, thể hiện vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân. Việc tổ chức lễ hội ngày càng thể hiện vai trò tích cực trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, như ở các lễ hội Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh), lễ hội Ðập Trống (Quảng Bình), lễ hội Cổ Loa (Hà Nội), lễ hội Vua Mai (Nghệ An).
Một số lễ hội lớn dần dần đi vào nền nếp, ổn định như lễ hội Ðền Hùng, Giỗ Tổ Hùng Vương (Phú Thọ), lễ hội đền Lũng Sen (Nghệ An), lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang... là những mô hình tốt về tổ chức, quản lý lễ hội. Nạn thương mại hóa lễ hội ở nhiều nơi đã từng bước bị đẩy lùi. Việc tổ chức quản lý lễ hội có tác động quan trọng trong việc bảo vệ gìn giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhất là từ khi có Luật Di sản văn hóa, nhận thức của cán bộ và nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhiều vụ vi phạm di tích ở Hà Tây (chùa Trầm, chùa Tây Phương), ở Hải Dương (động Kính Chủ), ở Hà Nội (đình, đền, chùa Lệ Mật)... đã được nhân dân phản ánh kịp thời để các cơ quan quản lý Nhà nước về di sản có biện pháp ngăn chặn và xử lý, giải quyết.
Việc đầu tư tu bổ di tích được thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách Nhà nước đầu tư cho mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích ổn định và tăng dần theo từng năm, nhiều di tích đã được tu bổ, thu hút khách tham quan trong nước và ngoài nước như: Vịnh Hạ Long, quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, địa đạo Củ Chi, thắng cảnh Hương Sơn, Yên Tử, núi Bà Ðen (Tây Ninh), đền Bà Chúa Xứ (An Giang)...
Bên cạnh kinh phí đầu tư của Nhà nước còn có sự đóng góp của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã phục hồi, tôn tạo được nhiều di sản văn hóa. Cũng với phương châm này, việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã phát triển rộng khắp ở các địa phương trong cả nước. Nhân dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng xây dựng mới và nâng cấp các công trình văn hóa.
Ở Tây Nguyên 374 nhà rông văn hóa được xây mới và nâng cấp, khôi phục 530 đội cồng chiêng. Nhiều địa phương đã dành đất đai, kinh phí xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí...
Cả nước đã xây dựng 36.390/91.424 nhà văn hóa làng. Nhiều nhà văn hóa đã hoạt động tốt, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng tác động tích cực đến việc xây dựng môi trường văn hóa. Các hoạt động văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ ở nông thôn, đô thị với 29.840 tổ, đội văn nghệ quần chúng hoạt động đều đặn. Những chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn" chiếm được cảm tình của nhân dân đã góp phần giáo dục, xây dựng con người, nếp sống và điều chỉnh hành vi văn hóa của khu dân cư.
Ðể đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng phát triển sâu rộng trong tình hình mới cần giải quyết tốt những vấn đề lớn như sau:
Khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hội nhập kinh tế quốc tế, lĩnh vực văn hóa cũng đứng trước cơ hội và thách thức mới. Nét nổi bật nhất là phải giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế. Như vậy, nội dung, tiêu chí xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa cần được chỉ ra những trọng tâm, những yêu cầu cụ thể.
Khi những sản phẩm văn hóa xấu độc tràn vào ngày càng nhiều, thì việc gìn giữ thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong của gia đình truyền thống, tình làng nghĩa xóm... phải được nhấn mạnh trong nội dung xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Việc xét các danh hiệu Làng văn hóa, Gia đình văn hóa, Ðơn vị văn hóa ngày càng chặt chẽ hơn, chuẩn mực hơn, sẽ có tác dụng lớn trong việc phát triển phong trào có chiều sâu, tránh rơi vào hình thức.
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Mỗi khu dân cư phải có công trình văn hóa như: nhà văn hóa, thư viện, nơi vui chơi giải trí...
Các công trình ấy muốn tồn tại và phát huy tác dụng phải có nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, lôi cuốn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ðã từng xảy ra tình trạng xây nhà văn hóa nhưng không có hoạt động gì, thường xuyên đóng cửa, gây lãng phí tốn kém. Từ hoạt động của các thiết chế điển hình tiêu biểu có thể xây dựng nội dung chương trình hoạt động cụ thể cho mỗi thiết chế văn hóa ở từng làng, xã, vùng, miền, làm sao cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở của cả nước hoạt động sinh động gắn bó với mọi tầng lớp nhân dân.
Cho đến nay, đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở vừa thiếu vừa yếu. Ðội ngũ này chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chính sách đào tạo và đãi ngộ ổn định, rõ ràng. Ðội ngũ này có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, vì hằng ngày họ phải tư vấn cho lãnh đạo địa phương và trực tiếp xử lý, giải quyết những vấn đề rất cụ thể về văn hóa ở khu dân cư, họ cũng chính là người tổ chức và nuôi dưỡng các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Trong thời gian tới, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở là việc làm cần thiết.
Phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở chính là làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình, để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội.
(Theo nhandan.com.vn)
Ý kiến bạn đọc