Ngọc Hà với phong trào văn nghệ quần chúng
Phường Ngọc Hà (thị xã Hà Giang) mới được thành lập hơn 1 năm, với địa bàn nửa nông thôn, nửa thành thị. Toàn phường có trên 900 hộ và trên 3.000
khẩu, nhiều dân tộc anh em chung sống, cũng đồng nghĩa với việc có hàng chục bản sắc văn hoá dân tộc khác nhau cần gìn giữ và phát triển.
Để thúc đẩy kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng phong trào trên toàn địa bàn phường, Ngọc Hà đã lấy phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng để xây dựng đời sống văn hoá ở các tổ dân phố, làm động lực cho các cá nhân, các tổ thi đua, giao lưu, học hỏi, kích thích tinh thần lao động của nhân dân toàn phường.
Qua đợt sinh hoạt “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” vừa qua, mới thấy phong trào văn nghệ quần chúng của phường Ngọc Hà đã có bước phát triển mạnh mẽ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhận thức của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn ngày một nhân lên, bên cạnh sự động viên, cổ vũ của Đảng bộ, chính quyền, của các hội, đoàn thể ở các tổ dân cư và đặc biệt là hoạt động chi bộ Đảng ở cơ sở, có sự đóng góp công sức, trí tuệ của đảng viên các cơ quan về sinh hoạt tại địa bàn. Trong Ngày hội Văn hoá được tiến hành tại 9 tổ khu phố văn hoá, trong đó có 7 tổ khu phố văn hoá đã được cấp thị xã công nhận cho thấy các tiết mục văn nghệ quần chúng đã gắn liền với truyền thống văn hoá của từng dân tộc, gắn liền với mục tiêu kinh tế của tổ, của phường và của mỗi gia đình. Có nhiều tiết mục văn nghệ, như thơ, ca, hò vè, tấu nói, hát giao duyên, hát then, lượn đã mang lại sự đa dạng của Ngày hội Văn hoá toàn dân. Nhiều tổ khu phố văn hoá, như tổ 1, 2, hay tổ 8, 9... các tiết mục văn nghệ được chính những người dân trong phường sáng tác, sưu tầm, biểu diễn tưởng như không bao giờ dứt, đêm công diễn phải kéo dài gấp 2 lần thời gian đã định. Không cần giới thiệu, dẫn chương trình, không cần nhạc công, những tiếng hát, điệu múa cứ thế “được người dân trong tổ, hát cho người dân trong tổ nghe, múa cho người dân trong tổ xem” làm bất ngờ nhiều khán giả và khách mời trong đêm hội.
Theo đánh giá của Đảng ủy phường Ngọc Hà thì chưa bao giờ phong trào văn nghệ quần chúng, tinh thần đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá của nhân dân lại được nâng cao đến như vậy. Đặc biệt như ở tổ 1, do ông Phạm Văn Thái làm tổ trưởng hay tổ 2 do ông Trương Văn Dần làm tổ trưởng, các tổ này đã tổ chức phong trào một cách “bài bản” hơn và cũng mang lại hiệu quả thiệt thực hơn. Ngay ông Nguyễn Quang Đảng, vừa là Bí thư Chi bộ 1, vừa là nhân tố văn nghệ quần chúng một cách nhiệt tình nhất, mang lại tinh thần văn hoá, văn nghệ ở cụm dân cư, thúc đẩy, động viên mỗi cán bộ, đảng viên tích cực sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của tổ, của cụm hay của phường. Đến nay 9 tổ dân cư, 3 trường học trên địa bàn đều có tổ văn nghệ quần chúng, có 8 đội bóng chuyền và 1 đội múa sư tử để phục vụ trong những ngày kỷ niệm, những ngày lễ tết của đất nước.
Để có được những tiết mục trong Ngày hội Văn hoá toàn dân, hay trong các cuộc họp tổ dân phố, Đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân, CCB... người dân phường Ngọc Hà luôn rèn luyện có những buổi tối sinh hoạt hay tập luyện cụ thể. Ông Tạ Đức Toán, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà có lần nói với tôi: Để có được phong trào văn nghệ quần chúng trong nhân dân như hiện nay, thì mỗi cán bộ, đảng viên của phường phải là một mũi nhọn và phải có trách nhiệm trước phong trào. Văn nghệ quần chúng là món ăn tinh thần, là hoạt động có tính đoàn kết cao và là động lực để nhân dân phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội. Điều còn thiếu quan trọng nhất hiện nay để cho phong trào văn nghệ quần chúng phát triển bền vững là Nhà văn hoá cho các cụm dân cư. vậy mà phường Ngọc Hà mới chỉ duy nhất có tổ khu phố 4 là có hội trường để hoạt động, còn lại 8 tổ dân cư khác chưa có nơi để sinh hoạt, hạn chế không nhỏ tới các hoạt động tinh thần của nhân dân.
Ý kiến bạn đọc