Ngày hội ở Nàn Ma

09:11, 17/12/2006

Nằm cách trung tâm xã Cốc Pài- “thủ phủ” của huyện Xín Mần có 8 km, nằm ở trên độ cao hơn 1200 mét so với mực nước biển, nên mặc dù là mảnh đất có cây mận hậu nổi tiếng đã đi vào thơ ca nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Nàn Ma vẫn hết sức khó khăn.


Do kinh tế chậm phát triển, muốncó một cái chợ của riêng mình là điều mà bấy lâu nay Nàn Ma chưa làm được. Cũng vì thế mà trong không khí phấn khởi hướng về đại hội đảng toàn quốc lần thứ 10, với nhân dân các dân tộc xã Nàn Ma, niềm vui càng nhân lên khi được khai trương chợ của riêng mình hôm thứ bảy 15. 4 vừa qua. Ngày khai trương mặc dù rất lầy lội vì trời mưa suốt đêm hôm trước nhưng không vì thế mà chợ kém vui, còn thực sự trở thành ngày hội của xã, của huyện... Từ rất sớm, bà con từ các thôn đã nô nức kéo nhau về chợ. Nàn Ma có 7 thôn, trong đó có thôn cách chợ tới 20 km nhưng đồng bào vẫn tề tựu đông đủ với những sản phẩm đặc trưng của thôn mình, nhà mình để khoe với thôn bạn, nhà bạn.

Là xã thuần nông nên những sản phẩm mang tới hội chợ của nhân dân cũng mang đậm chất nông nghiệp. Đó là những loại cây, con do đồng bào tự tăng gia, sản xuất,chủ yếu là con gà, quả trứng hay các loại rau cải. Những mặt hàng nông sản đã qua chế biến rất ít,hoặc nếu có cũng chỉ mang tính chất đơn giản, thủ công. Nhìn vào cơ cấu các mặt hàng ở chợ cũng có thể thấy rõkinh tế của xã tuy đã có bước phát triển nhưng vẫn chưa cao và chưa đồng đều giữa các hộ. Tuy nhiên để tạo không khí ban đầu cho ngày khai trương, công tác chuẩn bị đã được chỉ đạo rất cụ thể từ trước đó hàng tháng.

Điểm ghi nhận từ hội chợ xã Nàn Ma và cũng là công thức chung cho cách thức mở chợ nông thôn của huyện Xín Mần, đó là nơi thể hiện rất rõ chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trứơc hết để tạo mặt bằng xây dựng chợ, chính quyền huyện đã họp bàn với dân, thống nhất lựa chọn địa điểm, làm sao để thuận tiện cho sinh hoạt của nhân dân và Nhà nước cũng ít phải đền bù nhất. Sau đó, mỗi hộ dân đóng góp15 - 20 nghìn đồng đểgóp san ủi mặt bằng. Trên diện tích đất được san ủi đó, mỗi thôn đều được quy hoạch địa điểm để bán hàng của thôn mình. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch mà tại các chợ nông thôn của Xín Mần nói chung, Nàn Ma nói riêng, các hộ dân đều có nơi, có chốn để trao đổi giao lưu hàng hoá. Các ngôi nhà chung do mỗi thôn tự dựng lên thì trở thành gian hàng ẩm thực để thể hiện với thôn bạn và với khách từ nơi khác đến nét văn hoá ăn uống đặc trưng riêng của thôn mình. Càng về trưa, mưa cũng ngớt dần, đồng bào đến với chợ Nàn Ma lại càng đông. Hàng hoá đem bán và người có nhu cầu đi mua không nhiều, nhưng họ đến với chợvui là chính nên tính chất hội được thể hiện có phần đậm nét hơn. Trong các gian hàng ẩm thực, bên những chảo thắng cố dê, bò nghi nghút khói, đầy ắp tiếng nói cười và những gương mặt đỏ hồng vì men rượu. Đã lâu rồi người dân nơi đây mới lại có ngày vui đến như vậy. Vui đấy để rồi tan chợ lại về, bảo ban nhau tích cực trồng trọt, chăn nuôi, cuối tuần lại có cơ hội đến với chợ.

Ngày khai trương có mưa, đã được đồng bào kỳ vọng là may mắn, mát mẻ và có lộc. Ai đến với chợ cũng tin tưởng rằng Chợ Nàn Ma đã và sẽ trở thành địa chỉ kinh tế văn hoá,phản ánh trung thực và sinh động đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc nơi đây./.

Phương Liên- Đăng Sáu


PHƯƠNG LIÊN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Văn nghệ chào mừng 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Toàn quốc khánh chiến (19.12.1946-2006); tối 14.12, tại Quảng trường 26.3 (TXHG),
16/12/2006
Hà Giang: Lễ tổ chức long trọng kỷ niệm 115 năm ngày thành lập tỉnh
Là một tỉnh miền núi, biên giới địa đầu Tổ quốc với 22 dân tộc anh em cùng chung sống, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Hà Giang đã trở thành "phên giậu", bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc Việt Nam; đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách khắc nghiệt của xã hội và thiên nhiên đề tồn tại và phát triển như ngày hôm nay.
16/12/2006
Văn hoá chợ vùng cao Hà Giang
Hà Giang cũng như nhiều vùng núi khác thường có các chợ phiên, nơi đây không chỉ là trung tâm thương mại, nơi trao đổi hàng hoá của các dân tộc lân cận mà còn là trung tâm văn hoá, nơi in đậm dấu ấn của cộng đồng các dân tộc Hà Giang.
15/12/2006
Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở Hà Giang
Cùng là người Dao Dỏ nhưng ở mỗi vùng thuộc Hà Giang người Dao Đỏ lại có những trang phục riêng mang đặc trưng văn hoá của dân tộc mình. Sự khác biệt giữa trang phục của người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì và người Dao Đỏ ở Quản Bạ...càng làm phong phú thêm sắc màu văn hoá trang phục của các dân tộc ở Hà Giang.
15/12/2006