Một số lễ hội chính của 10 tỉnh đông-bắc

13:50, 17/12/2006

Đoàn dân tộc Pà Thẻn tại ngày hội. Nhân dịp Ngày hội Văn hoá các dân tộc vùng đông-bắc vừa diễn ra mới đây ở Hà Giang, chúng tôi xin được giới thiệu một số lễ hội đặc sắc của 10 tỉnh trong vùng.


Đoàn dân tộc Pà Thẻn tại ngày hội. Nhân dịp Ngày hội Văn hoá các dân tộc vùng đông-bắc vừa diễn ra mới đây ở Hà Giang, chúng tôi xin được giới thiệu một số lễ hội đặc sắc của 10 tỉnh trong vùng.

Hà Giang có Lễ hội mùa xuân của dân tộc Mông, dân tộc Dao. Lễ hội cầu thời tiết thuận hòa, làm ăn phát đạt. Trò chơi thì có hát giao duyên, thi bắn cung nỏ...

Lễ mừng nhà mới của dân tộc Lô Lô. Cả bản tham dự mừng chủ nhà; có ăn tiệc, ca hát hai ngày đêm.

Cao Bằng có lễ hội Hát mời mẹ trăng của người Tày. Mẹ trăng tiêu biểu cho tấm lòng đôn hậu, làm nhiều điều tốt, điều hay và giúp bà con dân bản ăn lên làm ra.


Thiếu nữ Hà Nhì.

Lễ hội Lồng Tồng (hội xuống đồng) bắt đầu một năm mới chăm lo cấy cày, để ấm no luôn luôn thóc đầy bồ, gà lợn đầy chuồng.

Bắc Cạn có Hội xuân hồ Ba Bể với nhiều trò vui độc đáo như đua thuyền độc mộc, múa khèn, đấu bò, thi võ dân tộc.

Lễ hội thị trấn Phủ Thông, với nhiều trò chơi dân gian, như ném còn, hát sli, hát lượn.

Hội chùa Thạch Long (xã Cao Kỳ) có trò vui thi leo núi để xem ai khỏe, sau đó thăm các hang động đẹp.

Lạng Sơn có Hội chùa Tà Và (xã Chi Lăng) nhằm cầu mùa màng tươi tốt. Dân làng trống rong cờ mở, rước kiệu từ chùa ra đồng cúng lễ mong thịnh vượng. Các trò chơi cũng diễn ra trong làng ngoài xóm rất vui.

Tuyên Quang có Hội Giếng Tanh của đồng bào Cao Lan, Tày, Dao. Các cô gái, chàng trai với trang phục đẹp nhất, tham gia các trò vui ném còn, ca hát và đặc biệt trò đi cà kheo nhộn nhịp vui.

Lễ hội Quá tang của người Dao dành riêng cho nam giới, đặc biệt các chàng trai vừa sang tuổi 18 khi bước vào thời kỳ trưởng thành. Sau lễ, hội vui kéo dài, các dàn cồng chiêng, chũm chọe, khèn hòa tấu tưng bừng. Mọi người hát dân ca cổ truyền và mở vũ hội suốt đêm.


Thiếu nữ Nùng trảy hội.

Thái Nguyên có Hội Ðền Ðuổm (xã Ðộng Ðạt), để tưởng nhớ phò mã Dương Tự Minh và vợ đã có công đánh thắng giặc ngoại xâm. Hội diễn ra nhiều trò vui, trong đó có đọc thơ, hát kể sự tích các anh hùng và hát giao duyên của đồng bào Sán Dìu và Nùng. Hội diễn ra nhiều trò vui dân tộc và suốt đêm hát dân ca.

Phú Thọ có Lễ hội lớn nhất diễn ra ở đền Hùng, ngày nay trở thành quốc lễ. Ngày hội nhằm tưởng nhớ đến tổ tiên có công dựng nước.


Hát xoan, ghẹo dân ca
Phú Thọ.

Hội Bạch Hạc có đi thuyền qua sông Lô giữa hai làng kết nghĩa và đặc sắc nhiều trò vui quanh quả còn, như thi tung còn, lễ tiến còn, ngâm thơ còn, cúng cơm còn, hạ lễ còn và cướp còn cầu may.

Hội đánh cá của dân tộc Mường ở Thanh Sơn. Cả làng ra sông, dùng gậy gộc khua động sóng nước, dồn cá vào rọ, vào lưới.

Hội hát xoan ở Kẻ Xoan, Hương Nhạ, Tam Nông tưởng nhớ đến Xuân Nương, nữ tướng của Bà Trưng. Hội diễn ra rất vui, đặc biệt những màn hát xoan thắm thiết kể về lịch sử, đất nước, tình yêu.

Vĩnh Phúc có Hội đình Tích Sơn. Vui nhất là trò thổi cơm thi. Cả làng hò reo động viên những cô gái đảm gánh gồng, nổi lửa nấu những nồi cơm dẻo thơm trong ngày hội.

Hội Rùng ở huyện Vĩnh Tường, với nhiều trò chơi dân gian như đua thuyền, đấu gậy, thổi cơm và trò bắt chạch trong chum, vừa vui vừa tươi trẻ  với trò chơi hóm hỉnh đã có từ lâu đời.

Bắc Giang có Lễ hội Yên Thế tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và các nghĩa quân. Các trò vui khỏe như võ dân tộc, thi bắn cung nỏ, diễn tuồng cổ tưng bừng suốt trong dịp lễ hội trên vùng đất cụ Ðề Thám.


Phiên chợ thổ cẩm vùng cao.

Hội trám rụng ở xã Ðồng Vương. Vào mùa trám rụng tháng Tám. Trám bùi được tôn vinh là món quà quý, rất ngon do thiên nhiên ban tặng. Dân làng làm lễ tạ ơn, và chia các phần trám cho mọi nhà, để mong năm sau được mùa to.

Quảng Ninh có Lễ hội Bạch Ðằng giang. Các trò vui mang tinh thần thượng võ gợi nhớ dòng sông oai hùng thời Ngô Quyền và Trần Hưng Ðạo. Bơi trải là trò diễn với sự tham gia đông đảo của cư dân đôi bờ sông. Tiếng trống thúc, tiếng chiêng vang. Cờ phấp phới. Những con thuyền lá tre vun vút vượt sóng nước, tưởng như quân sĩ Ðại Việt ra trận. Và đấu võ truyền thống, bắn cung tên, thi cờ người, thi chọi gà, là những trò quân sĩ thời trước đã tổ chức trong ngày thắng trận.

Hội đền Cửa Ông và Lễ hội Thập cửu Tiên công cũng là dịp tưởng nhớ các anh hùng và những người có công với nước ở vùng biển đông bắc Tổ quốc. Ngoài ra, Quảng Ninh còn có các lễ hội chùa Long Tiên, hội làng Trà Cổ, hội đình Quan Lạn, hội chùa Yên Tử, lôi cuốn du khách vừa tham quan cảnh đẹp, vừa dự các nghi thức và trò chơi lễ hội đặc sắc.

(Theo nhandan.com.vn)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngày hội ở Nàn Ma
Nằm cách trung tâm xã Cốc Pài- “thủ phủ” của huyện Xín Mần có 8 km, nằm ở trên độ cao hơn 1200 mét so với mực nước biển, nên mặc dù là mảnh đất có cây mận hậu nổi tiếng đã đi vào thơ ca nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Nàn Ma vẫn hết sức khó khăn.
17/12/2006
Văn nghệ chào mừng 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Toàn quốc khánh chiến (19.12.1946-2006); tối 14.12, tại Quảng trường 26.3 (TXHG),
16/12/2006
Hà Giang: Lễ tổ chức long trọng kỷ niệm 115 năm ngày thành lập tỉnh
Là một tỉnh miền núi, biên giới địa đầu Tổ quốc với 22 dân tộc anh em cùng chung sống, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Hà Giang đã trở thành "phên giậu", bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc Việt Nam; đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách khắc nghiệt của xã hội và thiên nhiên đề tồn tại và phát triển như ngày hôm nay.
16/12/2006
Văn hoá chợ vùng cao Hà Giang
Hà Giang cũng như nhiều vùng núi khác thường có các chợ phiên, nơi đây không chỉ là trung tâm thương mại, nơi trao đổi hàng hoá của các dân tộc lân cận mà còn là trung tâm văn hoá, nơi in đậm dấu ấn của cộng đồng các dân tộc Hà Giang.
15/12/2006