Ban chỉ đạo cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH” tỉnh:
Tổng kết phong trào năm 2006 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2007 - 2010.
Ngày 23.12, tại hội trường Sở VH-TT, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) năm 2006
và triển khai kế hoạch tổ chức xây dựng phong trào giai đoạn 2007 - 2010. Đồng chí Vương Mí Vàng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào, chủ trì. Đến dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành; giám đốc, trưởng phòng VH-TT các huyện, thị.
Trong năm 2006, phong trào “TDĐKXDĐSVH” tiếp tục được đẩy mạnh trong toàn tỉnh. Các thành viên trong BCĐ phong trào từ tỉnh đến các huyện thường xuyên chỉ đạo tới cơ sở thực hiện kế hoạch chỉ tiêu giao về xây dựng Làng Văn hóa, Gia đình Văn hóa... Thường trực BCĐ triển khai chương trình phối hợp hoạt động với đơn vị như: LĐLĐ tỉnh, ủy ban MTTQ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và các LLVT trong việc đẩy mạnh hoạt động văn nghệ thường xuyên theo định kỳ, nhằm nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, góp phần thúc đẩy KT-VHXH ngày càng thêm khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.603 đội văn nghệ quần chúng, tổ chức hoạt động được 3.017 buổi, phục vụ trên 1 triệu lượt người xem. Riêng khối cơ quan, ban, ngành trong tỉnh có 60 đội văn nghệ, biểu diễn phục vụ thường xuyên vào tối thứ năm hàng tuần tại thị xã Hà Giang, mỗi buổi biểu diễn phục vụ trung bình từ 800 - 1.000 lượt người xem. Trong phong trào XĐGN, nhân dân trong tỉnh với tinh thần tự lực tự cường, nêu cao tinh thần tương thân tương ái hỗ trợ giúp đỡ nhau bằng nhiều hình thức: Mỗi cán bộ ủng hộ 1 ngày lương, ủng hộ quần áo ấm, chăn màn, sách vở cho đồng bào vùng cao, giúp đồng bào xóa nhà tạm... với tổng số tiền 770.614.900 đồng và hàng nghìn ngày công lao động, làm được 227 nhà Đại đoàn kết giúp đồng bào nghèo. Chính vì vậy, đã tạo tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Phong trào học tập, lao động sáng tạo luôn được chú trọng, hàng năm tỉnh mở trên 10 lớp tập huấn về chuyển giao KHCN, sản xuất nông - lâm nghiệp, tập huấn văn hóa thông tin. Qua hoạt động của phong trào “TDĐKXDĐSVH” cho thấy, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được nhân dân các dân tộc đồng tình ủng hộ và chấp hành tốt. Việc xây dựng quy ước, hương ước làng bản văn hóa đều được gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 27/CT-WT nên đã đẩy lùi được những thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tính đến nay, tỉnh ta có 90.845 Gia đình Văn hóa, 1.607 Làng Văn hóa, 653 cơ quan đơn vị văn hóa, có 1.560/1.993 thôn bản, tổ dân phố có trụ sở làm việc, sinh hoạt. Trong năm 2006 tổ chức công nhận được 31.995 Gia đình Văn hóa, 305 Làng Văn hóa, 200 cơ quan đơn vị văn hóa. Phong trào đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ổn định chính trị, giữ vững ANTT xã hội, tạo thành các đợt thi đua sôi nổi trong toàn dân và góp phần thúc đẩy của nền kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Lãnh đạo ủy ban MTTQ tỉnh điểm qua những kết quả đạt được của phong trào “TDĐKXDĐSVH” giai đoạn 2001 - 2006 và triển khai kế hoạch tổ chức xây dựng phong trào giai đoạn 2007 - 2010, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu: Phấn đấu từ nay đến năm 2010 tất cả các thôn, bản đều đăng ký xây dựng làng, bản văn hóa, các cơ quan trường học, gia đình đăng ký xây dựng cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa; chú trọng triển khai thực hiện phong trào ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đồng đều các nội dung của phong trào, xây dựng gương “Người tốt - việc tốt”...
Các đại biểu đã thông qua kế hoạch tổ chức Hội nghị biểu dương Gia đình Văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn tỉnh năm 2007, sẽ được tổ chức vào quý II năm 2007; thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của BCĐ phong trào “TDĐKXDĐSVH” gồm 4 chương với 21 điều.
Kết luận chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vương Mí Vàng yêu cầu: Thời gian tới, BCĐ phong trào từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của phong trào “TDĐKXDĐSVH” làm cho phong trào ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu chất lượng. Cần tạo được sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng đều của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt phong trào cần tạo ra sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh; phát huy sức mạnh của phong trào tạo sự chuyển biến về mọi mặt, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường lành mạnh, xây dựng làng bản văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa; quan tâm đưa các giá trị văn hóa truyền thống vào cuộc sống một cách có hiệu quả, mỗi địa phương cần xác định, chọn điểm để xây dựng Làng Văn hóa gắn với du lịch...
Ý kiến bạn đọc