Nỗi niềm từ ngôi trường... “tạm”

17:51, 28/11/2011

HGĐT - Do hậu quả của một thời kỳ đầu tư dàn trải, doanh nghiệp không đủ năng lực, nên ngót 9 năm kể từ ngày khởi công đến nay, công trình nhà lớp học 2 tầng của trường Tiểu học Lê Lợi, xã Vô Điếm (Bắc Quang) vẫn chưa được hoàn thành.


Ngần ấy năm, công trình dở dang đứng trơ giữa mưa nắng thấm dột. Hai đời hiệu trưởng đã qua và nay lại thêm một người hiệu trưởng nữa, biết bao thầy cô chuyển đến rồi đi, có người đã về hưu tại đây, nhưng tất cả sự chờ đợi vẫn chỉ là hình ảnh của một ngôi trường "tạm" với bao nỗi niềm day dứt...

Vào dịp 20.11 năm nay, đến thăm các thầy cô trường tiểu học Lê Lợi, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước hình ảnh một ngôi trường tranh tre nứa lá cùng với một dãy nhà cấp IV vài phòng lọt thỏm trong một ngõ đất nhỏ. Khung cảnh của ngôi trường hiện lên chẳng khác gì trường học của những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Tại vị trí đẹp nhất của ngôi trường là công trình nhà lớp học 2 tầng bị bỏ dở gần chục năm qua, nay đang được bạt vữa, phủ hồ, gắng gượng hoàn thành.

  Cây, cọc sẵn sàng dùng để chống và giữ lớp khi có mưa gió.


Là một trong hai trường tiểu học của xã Vô Điếm, trường Lê Lợi hiện có 200 học sinh và 23 cán bộ giáo viên. Những năm qua, việc dạy và học ở ngôi trường này gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đóng chân trên một địa bàn KT – XH không đến nỗi nào, nhưng dường như cùng với thời điểm công trình nhà 2 tầng bị bỏ dở thì ngôi trường này hình như cũng ít được biết tới. Bởi vậy, vào đến ngôi trường này, nhiều người không khỏi bất ngờ khi được thấy những lớp học tranh tre nứa lá, có những phòng học phải dùng cây chống để phòng mưa gió. Khung cảnh ngôi trường trông giống như một điểm trường ở những xã vùng đặc biệt khó khăn trước đây.


Một cô giáo có thâm niên tâm sự, đi đến một số trường khác về, nhìn thấy trường mình mà nghĩ tủi thân với nghề các anh ạ. Vừa rồi nghe một báo cáo về kết quả kiên cố hóa trường lớp học của tỉnh trong những năm qua, chúng em cảm thấy hình như mọi người không nghĩ trường em là trường “tạm”. Hàng năm, mỗi cán bộ, giáo viên trong trường đều phải tham gia đóng góp ủng hộ các loại quỹ: Xóa nhà tạm, vì người nghèo, phòng chống thiên tai..., nhưng trường mình thì bao năm vẫn là trường “tạm”.


   Tận dụng thời gian “nghỉ” của các tốp thợ, một luống rau cải đã được trồng trước dãy nhà xây dở.


Do thiếu phòng học và phòng làm việc nên rất nhiều trang thiết bị giáo dục do Nhà nước đầu tư đều phải nhồi vào một hai phòng khá chật hẹp, không đảm bảo về bảo quản và an toàn... Đặc biệt, có lẽ chỉ duy nhất trường Lê Lợi của xã Vô Điếm là có chuyện thầy Hiệu trưởng, cô Hiệu phó và bảo vệ đều phải bố trí chung một phòng. Ban ngày, phòng dành cho hiệu trưởng, hiệu phó làm việc, ban đêm lại dành cho... bảo vệ. Trao đổi với thầy Đỗ Trung Quyết, Hiệu trưởng nhà trường, thầy cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở một ngôi trường còn vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất như thế này quả thực rất khó. Trong khi với nhiều trường trong huyện đã được đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất thì thầy trò nơi đây bao năm qua vẫn mòn mỏi chờ đợi công trình nhà 2 tầng hoàn thành để xóa đi những lớp học tranh tre nứa lá. Cơ sở vật chất như vậy cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý dạy và học. Mùa mưa thì sợ lốc bão rung giật mất an toàn, mùa rét thì cô trò phải ngồi trong các lớp học quá phong phanh. Khó khăn như vậy thì cũng rất khó để ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy và học. Việc xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng lại càng khó. Trước thực trạng như vậy, chẳng trách khi rất khó để có thể thu hút, giữ chân được những thầy cô có chuyên môn giảng dạy tốt...


Được biết, để khắc phục hậu quả của một thời kỳ đầu tư dàn trải, (trên địa bàn huyện Bắc Quang có đến 8 trường học từ mầm non đến cấp II được một doanh nghiệp nhận thầu xây dựng và để dở dang, trong đó có trường tiểu học Lê Lợi), vừa qua tỉnh đã cấp số vốn khoảng 4 tỷ đồng để thúc đẩy hoàn thành 8 công trình. Gần 10 năm chờ đợi, nhưng nếu xây dựng xong công trình nhà 2 tầngtrường Lê Lợi thì cũng chỉ có thể giải quyết cơ bản tình trạng thiếu phòng học, phòng làm việc và bảo quản thiết bị cho trường. Còn rất nhiều cái thiếu sẽ đặt ra như các công trình phụ trợ gồm sân trường, nhà vệ sinh, tường rào, nhà để xe, đường vào trường... Một số thầy cô băn khoăn, không biết công trình sau nhiều năm dãi dầu, liệu khi hoàn thiện có đảm bảo chất lượng và sự an toàn hay không. Giá như, trong sự đầu tư những công trình giáo dục như thế này, cơ quan chức năng cần xem xét, lựa chọn những công trình trọng tâm, trọng điểm, chỗ nào cần đầu tư nhất để từ đó giúp cho bao thầy và trò nơi đây không phải đợi chờ một một điều không đáng có.


Bài, ảnh: HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị phối hợp quản lý, giáo dục học sinh - sinh viên trường CĐSP Hà Giang
HGĐT- Ngày 27.10, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang tổ chức Hội nghị phối hợp quản lý, giáo dục học sinh - sinh viên (HSSV) năm học 2011 - 2012.
31/10/2011
Ghi nhận từ mô hình Giáo dục chất lượng cao của Vị Xuyên
HGĐT - Mới được ra đời và bước sang năm học thứ 2, nhưng những kết quả bước đầu mà thầy và trò trường THCS Lý Tự Trọng làm được đang khẳng định hướng đi đúng trong việc xây dựng một mô hình giáo dục chất lượng cao tại huyện Vị Xuyên.
25/11/2011
“Con chữ” lớn dần trên đá núi Mèo Vạc
HGĐT- "Để học sinh tới trường, được ăn, học và ngủ, nghỉ tại trường... thì quả thật rất "nhọc" không chỉ với học sinh mà đối với cả phụ huynh, thầy, cô và các cấp lãnh đạo địa phương..!". Đây là lời tâm sự rất thật của không chỉriêng thầy, cô giáo mà cả phụ huynh học sinh nội trú dân nuôi khi nói đến việc cho con em mình xa nhà đi học.
24/10/2011
Trường Trung cấp Y tế: Tổ chức lễ kỷ niệm ngày nhà giáo việt nam 20-11 và khai giảng năm học mới
HGĐT- Ngày 18/11, Trường trung cấp Y Tếlong trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 và khai giảng năm học mới.
23/11/2011