“Con chữ” lớn dần trên đá núi Mèo Vạc

16:26, 24/10/2011

HGĐT- "Để học sinh tới trường, được ăn, học và ngủ, nghỉ tại trường... thì quả thật rất "nhọc" không chỉ với học sinh mà đối với cả phụ huynh, thầy, cô và các cấp lãnh đạo địa phương..!". Đây là lời tâm sự rất thật của không chỉriêng thầy, cô giáo mà cả phụ huynh học sinh nội trú dân nuôi khi nói đến việc cho con em mình xa nhà đi học.


 

 Một bữa ăn của học sinh trường PTDTBT Sủng Trà.


Đúng như vậy! những ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, đều đang phải "gồng mình" duy trì sĩ số, chăm sóc cho "con chữ" dần lớn lên mạnh mẽ như chính những tấm lòng quả cảm, vượt khó vươn lên trên đá núi cao nguyên.

 

Dù mới chỉ chớm Đông, nhưng cái lạnh của vùng caoMèo Vạc đã thể hiện rõ rệt trong từng cơn gió rít quất lên khe đá tai mèo. Những cây sa mộc, thông rừng vốn khỏe là thế cũng cong mình để chống đỡ với từng cơn gió núi... Thế mà, chúng tôi vẫn bắt gặp những đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa trên đá, đứa có áo thì chẳng quần, có quần thì không áo. Chúng chẳng hay gì về cái gió và rét. Cái nghèo đã đeo bám từ bao đời. Việc lo cho lũ trẻ ăn no, mặc ấm, được đến trường đã vượt tầm lo của mỗi gia đình. Chính vì vậy, mô hình trường PTDTBT đã cho các em cơ hội đến trường.


 

 Nhờ sự năng động của thầy, cô giáo trường PTDTBT Khau Vai mà học sinh đã có chỗ ăn, nghỉ đoàng hoàng, thoải mái hơn…


Từ trung tâm huyện Mèo Vạc đến xã Khau Vai là con đường khúc khuỷu, nhiều cua, lắm dốc dài hơn 24km. Nơi đây, đời sống của bà con còn gặp vô vàn khó khăn, cây lương thực chính chủ yếu chỉ là cây ngô. Vì thế, mà trên 1.000 hộ dân của Khau Vai còn tới hơn 71% hộ nghèo. Nghèo là vậy, nhưng đồng bào vẫn dành những điều tốt đẹp nhất cho con em mình. Chính quyền địa phương cùng với bà con xây dựng thành công mô hình “Xã hội hóa giáo dục” bằng những bó củi, gánh rau, công lao động theo đúng phương châm “Nhường cơm, sẻ áo - tất cả vì học sinh thân yêu”. Đáp lại sự cố gắng, nỗ lực của cả cộng đồng, đó chính là kết quả về giáo dục của Khau Vai rất đáng mừng. Tỉ lệ huy động trẻ từ 6 - 14 tuổi đến trường luôn đạt trên 98%. Có tới xã mới thấy hết được sự năng động, sáng tạo của cấp lãnh đạo xã và nhà trường trong việc tận dụng mọi nguồn lực, cơ sở vật chất để đảm bảo cho hơn 400 học sinh bán trú có nơi ăn, chốn ở. Với điều kiện cơ sở vật chất hiện có thì không thể đủ chỗ cho học sinh ngủ nghỉ, dù là ngủ ghép. Trước thực tế đó, xã đã năng động dùng toàn bộ ngôi nhà sàn 5 gian rộng rãi, thoáng mát mà trước đây là nơi tiếp khách của xã để cho các em ngủ nghỉ. Tuy chưa đàng hoàng, thoải mái, nhưng đây cũng là một nguồn động viên không nhỏ đối với gia đình và bản thân các em cũng nhưduy trì ổn định sĩ số trẻ tới trường trong toàn xã...


Rời Khau Vai, chúng tôi quay về xã Sủng Trà, một xã cách trung tâm huyện không quá xa. Nơi đây có điều kiện khá lý tưởng, địa hình bằng phẳng, rộng rãi, trường lớp học khang trang, nhà lưu trú kiên cố sạch sẽ khác hẳn so với các trường học ở xã Lũng Pù hay như các xã vùng 3: Thượng Phùng, Sơn Vĩ, Xín Cái là những nơi chúng tôi đã từng đến. Hiện nay, nhiều thôn vẫn chưa có điện lưới, điểm trường vẫn học tạm nhà dân hay trụ sở thôn; cái đói luôn rình rập gia đình nên nhu cầu về lao động, sản xuất luôn níu chân em ở lại với gia đình thay vì tới trường. Dẫu biết rằng, những điều mong muốn sẽ không bao giờ là đủ và ngay tại ngôi trường PTDTBT Sủng Trà cũng vậy. Về cơ bản chỗ ăn, nghỉ, học tập và vui chơi của các em nếu đem so sánh cũng không kém phần so với các xã vùng thấp. Nhưng còn khu vực nhà ăn, bếp nấu thì dùng cụm từ “ngoài sức tưởng tượng” cũng không ngoa, khi mà khu vực ăn uống và nấu nướng đã, đang dần xuống cấp theo năm, tháng, tối tăm, ẩm ướt. Thêm nữa, sau những trận gió lốc vừa qua đã “gỡ” đi gần hết số tấm lợp Phi brô-xi măng vốn đã quá “già” để trụ lại trên mái. Và cách tránh mưa gió cho các em khi ăn cơm, thầy, cô giáo lại cùng nhau góp tiền mua vài tấm bạt dứa căng lên trong nhà ăn. Tâm sự trong tiếng thở dài khi Hiệu trưởng trường PTDTBT Sủng Trà, Nguyễn Phi Long đưa chúng tôi đi tham quan nhà ăn: “Xã khó khăn, trường cũng vậy, việc tu sửa thì kinh phí không đủ. Hiện tại, với sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, giáo viên chỉ khắc phục tạm thời cho các em không bị ướt lúc ăn cơm khi trời mưa nhỏ, mưa to thì... Ngay đến việc ăn uống, gần 300 học sinh bán trú cũng phải đứng vì không có ghế ngồi, còn bàn ăn được nhà trường tận dụng từ bàn học cũ đưa sang. Vất vả lắm, nhất là những lúc mưa thì đến bếp nấu ăn cũng bị ướt chứ nói gì đến chỗ đứng ăn...”.


Vẫn biết rằng: Theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg về: “Ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDT bán trú” do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký ngày 21.12.2010. Quy định đối với học sinh bán trú mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Còn đối với trường PTDTBT được hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành; hằng năm nhà trường được mua sắm, bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, ti vi, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao cho học sinh bán trú với mức 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học... Nhưng đó mới chỉ là Quyết định, còn trên thực tế hiện nay, đa phần các trường PTDTBT đều trong tình trạng “gồng mình” vượt qua khó khăn, tận dụng tất cả những gì có thể từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt, học tập đến nơi ăn, ở, ngủ nghỉ cho học sinh. Còn những hạng mục như: nước sạch, công trình phụ... đối với các trường vùng cao dù có nhưng vẫn rất thiếu. Tuy nhiên, trong bộn bề khó khăn đó, nhưng mô hình trường bán trú vẫn đã và đang phát huy được hiệu quả rõ rệt. Nếu không nhờ mô hình này thì thật khó để duy trì sĩ số học sinh. Vì có bao nhiêu là trở ngại ngăn bước chân các em tới trường... Nếu không có sự nỗ lực của các cấp, ngành, cán bộ địa phương cùng với sự hết mình vì học sinh của thầy, cô giáo đi bộ nhiều tiếng đồng hồ đến những thôn, bản, từng hộ gia đình để vận động thì chắc hẳn rằng tỉ lệ tái mù chữ sẽ luôn tăng dần theo thời gian. Để cho thế hệ trẻ, những con người sẽ xây dựng vùng cao giàu mạnh trong tương lai có đủ điều kiện ăn, học nếu chỉ trông chờ vào Nhà nước thì sẽ không đủ, cần có sự chung sức của cả cộng đồng và của toàn xã hội để xây dựng nền giáo dục vùng cao vững mạnh toàn diện...


NGUYỄN PHI ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Vị Xuyên Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm
HGĐT- Bước vào thời kỳ kinh tế tri thức, thời kỳ hội nhập, việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao là một thách thức rất lớn đối với huyện Vị Xuyên. Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là việc làm tất yếu, khách quan, góp phần tích cực đưa Vị Xuyên nhanh chóng thoát khỏi huyện nghèo, đặc biệt khó khăn.
28/09/2011
Góp phần tích cực vào sự nghiệp nâng cao dân trí
HGĐT- Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và 10 năm thành lập Hội Khuyến học tỉnh, phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Hạng Mí De, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang, hiện đang là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. Sau đây là toàn văn cuộc trao đổi:
28/09/2011
Trao phần thưởng, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, giáo viên và tổng phụ trách đội giỏi
HGĐT- Ngày 24.9, tại huyện Bắc Quang, Tỉnh đoàn Hà Giang phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức Lễ trao thưởng và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, giáo viên và tổng phụ trách đội (TPTĐ) giỏi của các huyện Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang. Đây là hoạt động nằm trong chương trình tài trợ của Quỹ Giáo dục Marubeni (Nhật Bản) tại Việt Nam.
26/09/2011
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sèn Chỉn Ly làm việc tại trường THPT Chuyên
HGĐT- Ngày 22.9, đồng chí Sèn Chỉn Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với trường THPT Chuyên của tỉnh. Tại buổi làm việc có lãnh đạo UBND thành phố Hà Giang; Sở Giáo dục - Đào tạo, các phòng chuyên môn của Sở Giáo dục - Đào tạo; Ban Giám hiệu nhà trường cùng đại diện các tổ bộ môn của trường.
23/09/2011