Sau 3 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên ở Bắc Quang
HGĐT- Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cho vay vốn học sinh, sinh viên (HSSV). Chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Bà Hoàng Thị Hới, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Quang cho biết: khi có nguồn vốn phân bổ từ T.Ư, NHCSXH huyện đã tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên giải ngân chương trình cho vay HSSV, cố gắng không để em nào phải bỏ học do không nhận được tiền vay. Chương trình tín dụng HSSV ở Bắc Quang đã tạo cơ hội bình đẳng về học tập trong xã hội, giúp cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập. Kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện cho đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Quang đã giải ngân cho 1.233 HSSV được vay vốn với tổng dư nợ lên đến trên 18 tỷ đồng. Từ sự tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nhiều HSSV là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn bất thường về tài chính có nguy cơ phải bỏ học đã tiếp tục được học tập. Doanh số cho vay đến nay là 18.705 triệu đồng, trong đó năm học 2007 - 2008: 4.688 triệu đồng; năm học 2008 - 2009: 5.591 triệu đồng; năm học 2009 - 2010: 5.124 triệu đồng và năm học 2010 - 2011là 3.302 triệu đồng; tổng dư nợ là 18.041 triệu đồng/1.233 HSSV/1.211 hộ gia đình, chiếm 12,23%/tổng dư nợ các chương trình, do đó không có em nào phải bỏ học giữa chừng vì thiếu chi phí học tập. Trong đó, có 204 HSSV theo học đại học, 313 HSSV cao đẳng, 501 HSSV trung cấp và 215 HSSV học nghề (bao gồm cả cao đẳng và trung cấp nghề). Kết quả tiến hành kiểm tra, đánh giá cho vay HSSV cho thấy: các tổ chức Hội, đoàn thể chỉ đạo các Tổ TK&VV họp bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng; kiểm tra sau cho vay, việc sử dụng vốn vay được các hộ và các cháu HSSV đều sử dụng đúng mục đích. Một số gương điển hình vay vốn HSSV chi phí cho con em học tập như: hộ gia đình bà Lê Thị Nhiều, thị trấn Việt Quang, hộ nghèo vay vốn 56.500.000 đồng cho 2 HSSV theo học đại học, hiện nay 1 HSSV đã ra trường và có việc làm. Hộ gia đình ông Đỗ Văn Thịnh, thị trấn Việt Quang, hộ nghèo vay 24.000.000 đồng cho 1 HSSV học đại học và hộ Mã Thị Luận, thị trấn Vĩnh Tuy, hộ nghèo vay 48.000.000 đồng cho 2 HSSV theo học đại học, hiện nay 1 HSSV đã ra trường... Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như: công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng trong nhân dân hoặc đã có tuyên truyền nhưng trình độ nhận thức của người dân chưa được đầy đủ nội dung chính sách tín dụng ưu đãi đối với HSSV, đặc biệt là các xã, các thôn vùng sâu, vùng xa; việc họp bình xét ở một số cơ sở còn mang tính hình thức; một số trường, cơ sở đào tạo thực hiện việc xác nhận thiếu, sai sót về thông tin HSSV. Có thể khẳng định: Việc triển khai cho vay HSSV trong những năm qua trên địa bàn huyện Bắc Quang được thực hiện công khai dân chủ từ cơ sở, tạo được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Về thực hiện chương trình tín dụng đối vớiHSSV theo kế hoạch 3 năm tiếp theo (2011 - 2013), bà Hoàng Thị Hới cho biết: NHCSXH tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp tốt với các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn, triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng HSSV. Hàng năm, căn cứ nhu cầu vay vốn HSSV của các xã, thị trấn, tham mưu cho Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện xây dựng kế hoạh xin bổ sung nguồn vốn của T.Ư để cho vay, đồng thời thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng đối với thế hệ HSSV tiếp theo. Về kế hoạch thu hồi quay vòng dự kiến trong 3 năm (2011 - 2013) là 8.025 triệu đồng, trong đó năm 2011 là 2.161 triệu đồng; năm 2012 là 3.875 triệu đồng; năm 2013 là 1.989 triệu đồng. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng (2011 - 2013), dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm 25%, đến năm 2013 đạt 34.600 triệu đồng, trong đó cuối năm 2011 đạt 23.067 triệu đồng; năm 2012 đạt 28.833 triệu đồng. Giải pháp tổ chức thực hiện, căn cứ vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo được điều tra theo tiêu chí mới công bố tại địa phương để xác định và đưa vào danh sách xét duyệt cho vay. Đối với những hộ gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, UBND cấp xã xác nhận căn cứ vào 5 nguyên nhân cụ thể mà hộ gia đình đó khó khăn (do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh) để xác nhận đề nghị cho vay. Về quản lý sử dụng vốn vay: Các trường, cơ sở đào tạo, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV cùng có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, quản lý sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Về biện pháp thu hồi nợ: hàng tháng căn cứ danh sách, thông báo nợ đến hạn của NHCSXH các hội đoàn thể, Tổ TK&VV thông báo, đôn đốc hộ vay trả nợ; duy trì lịch giao dịch cố định, đồng thời nâng cao chất lượng giao dịch, giao ban tại điểm giao dịch phục vụ thuận lợi, nhanh chóng, chính xác cho các đối tượng được thụ hưởng. Phối hợp với hội, đoàn thể, chính quyền địa phương xử lý nghiêm túc đối với những hộ vay đến hạn, quá hạn có khả năng và điều kiện nhưng cố tình chây ỳ không chịu trả nợ. Tăng cường công tác kiểm tra của các cấp, các ngành, đặc biệt là các hội, đoàn thể chỉ đạo Tổ TK&VV kiểm tra sau mỗi đợt giải ngân và định kỳ. Tại các xã, thị trấn thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở trong chính sách tín dụng ưu đãi đối với HSSV, tạo kênh dẫn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chính sách, tiêu cực, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình thực hiện sai chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với chương trình này. Tuyên truyền để người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, tiện ích của việc giải ngân qua thẻ ATM, nhận thức về ý nghĩa của chương trình tín dụng đối với HSSV, trách nhiệm trả nợ khi đến hạn.
Để nguồn vốn thực sự phát huy hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro, tăng nhanh vòng quay vốn giúp cho nhiều thế hệ HSSV nghèo, hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Quang, rất cần sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, hộ gia đình và HSSV, người trực tiếp sử dụng tiền vay cũng như những người được hưởng lợi từ chương trình trong việc quản lý, giám sát, sử dụng vốn vay và đặc biệt là trách nhiệm trả nợ tiền vay đầy đủ, đúng hạn như đã cam kết.
Ý kiến bạn đọc