Huyện Vị Xuyên Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm
HGĐT- Bước vào thời kỳ kinh tế tri thức, thời kỳ hội nhập, việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao là một thách thức rất lớn đối với huyện Vị Xuyên. Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là việc làm tất yếu, khách quan, góp phần tích cực đưa Vị Xuyên nhanh chóng thoát khỏi huyện nghèo, đặc biệt khó khăn.
Một tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội Hội Khuyến học tỉnh. |
Cơ sở tích cực để thực hiện có hiệu quả “Dự án xây dựng xã hội học tập” là việc tích cực xây dựng các Trung tâm Học tập cộng đồng (HTCĐ). Trung tâm HTCĐ là cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là trung tâm học tập tự chủ của cấp xã, có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời phát huy mạnh mẽ sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong cộng đồng dân cư để xây dựng và phát triển các trung tâm theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chức năng của Trung tâm HTCĐ là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời với phương châm cần gì học nấy; được phổ biến kiến thức và sáng kiến, kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng; là nơi thực hiện phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật đến với mọi người dân. Hệ thống giáo dục chính quy từ Mầm non đến Đại học của huyện mới đáp ứng được 22% số dân của huyện được học, 78% số dân của huyện còn lại sẽ được học trong hệ thống giáo dục không chính quy (hệ thống giáo dục thường xuyên), ở cấp xã đó là các Trung tâm HTCĐ.
Đảng bộ và nhân dân huyện Vị Xuyên xác định “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm HTCĐ là góp phần tích cực thực hiện thành công Dự án Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở”.
Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”; Công văn số 675/UBND-VX ngày 29.3.2011 của UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm HTCĐ, huyện Vị Xuyên đã bố trí 24 giáo viên chuyên trách làm việc tại Trung tâm HTCĐ. Tháng 5.2011, các giáo viên chuyên trách và Ban Giám đốc các Trung tâm HTCĐ của huyện đã được bồi dưỡng nghiệp vụ.
Tuy các Trung tâm HTCĐ ở các xã mới thành lập nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự phối kết hợp lãnh, chỉ đạo về mặt tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ của Hội Khuyến học, phòng GD-ĐT, sự giúp đỡ của Trung tâm GDTX, Trung tâm Chính trị, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến lâm, Khuyến ngư, Trung tâm Dạy nghề, các phòng, ban chuyên môn của huyện, được sự hỗ trợ của tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV). Sau khi được thành lập, các Trung tâm HTCĐ đã triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch hoạt động hằng tháng, hằng quý, thành lập các nhóm, các Câu lạc bộ, kết quả: Thành lập 16 Câu lạc bộ “Cùng chia sẻ” với 650 thành viên, 13 Câu lạc bộ “Nam nông dân” với 72 thành viên, 8 Câu lạc bộ “Tìm hiểu pháp luật” với 78 hội viên, 9 Câu lạc bộ “Gia đình chăn nuôi giỏi” với 180 hội viên, 34 nhóm “Phát triển cộng đồng” với 1.020 hội viên, 16 nhóm “Gia đình bền vững” 345 hội viên cùng nhiều Câu lạc bộ, nhóm cộng đồng sinh hoạt và hoạt động phù hợp với đặc điểm của từng xã, từng thôn. Nhìn chung, các Trung HTCĐ đang đi vào hoạt động thiết thực, có chất lượng và hiệu quả, bước đầu đã tạo điều kiện cho trên 31% số người lao động trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, lao động phổ thông, cán bộ hưu trí được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết về thời sự, chính trị, kỹ thuật, tiếng Việt, khả năng lao động, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm, các Trung tâm HTCĐ, các Câu lạc bộ, các nhóm cộng đồng ở các xã đã mở được 918 lớp học với trên 12.000 lượt người tham gia, trong đó nghe thời sự, học chính trị, tìm hiểu pháp luật, BTVH 274 lớp; khoa học, kỹ thuật (chăn nuôi, trồng trọt, trồng cây công nghiệp, thủy sản, nghề thủ công...): 289 lớp; văn hoá, xã hội: 193 lớp; sức khoẻ cộng đồng: 162 lớp.
Có thể khẳng định trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2008 đến nay, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Vị Xuyên đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng phát triển sự nghiệp GD- ĐT của huyện. Năm 2007, huyện Vị Xuyên đã đạt chuẩn Quốc gia về Phổ cập bậc THCS, đang từng bước thực hiện Phổ cập bậc Trung học ở những nơi có điều kiện. Từ năm 2008 đến nay, huyện luôn giữ tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi đạt trên 97%, hạn chế tình trạng tái mù chữ; trên 25% số người trong độ tuổi lao động không được học lên cao đẳng, đại học, được đào tạo, bồi dưỡng nghề; trên 75% cán bộ xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về văn hoá, kỹ thuật, lý luận chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội; trên 35% số người lao động trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, lao động phổ thông, cán bộ hưu trí được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết về thời sự, chính trị, kỹ thuật, tiếng Việt, khả năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kết quả hoạt động của các Trung tâm HTCĐ đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Xây dựng xã hội học tập là thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hoa, xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, phấn đấu trong tương lai gần Vị Xuyên thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn và góp phần tích cực thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ý kiến bạn đọc