Giáo dục - đào tạo ở Vị Xuyên
HGĐT- Trong năm qua, mặc dù trong điều kiện của một huyện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự chăm lo của các ban, ngành, đoàn thể, các bậc cha mẹ học sinh cùng với sự nỗ lực của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục-đào tạo của huyện Vị Xuyên tiếp tục có nhiều đổi mới và đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng, thực hiện được phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra.
Học sinh trường PTCS Lý Tự Trọng (trường chất lượng cao của huyệnVị Xuyên) trong giờ học. |
Là một huyện vùng thấp của tỉnh, Vị Xuyên có phong trào giáo dục, đào tạo phát triển tương đối tốt, tỷ lệ huy động học sinh các cấp bậc học hàng năm đều ổn định so với mục tiêu chung của cả nước. Đến nay, mạng lưới trường lớp từ ngành học Mầm non đến Trung học phổ thông đều được củng cố và phát triển. Năm học 2011-2012, toàn huyện có 83 đơn vị trường học (trong đó có 25 trường Mầm non; 6 trường Tiểu học kể cả 3 trường phổ thông Dân tộc bán trú; 5 trường PTCS; 18 trường THCS; 1 trường PTDT Nội trú; 2 trường cấp II-III và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên). Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành... ngành Giáo dục của huyện Vị Xuyên đã từng bước phát triển, đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí chung và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.
Bước vào năm học 2011-2012, Vị Xuyên hiện có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là 2.222 người, trong đó số cán bộ, giáo viên là nữ chiếm trên 82%; người dân tộc chiếm 36,7%. Hiện tại cơ bản đội ngũ cán bộ, giáo viên đã đủ và ổn định, hầu hết số cán bộ, giáo viên đã được bồi dưỡng, đào tạo, chuẩn hoá và trên chuẩn hoá về trình độ, nhiều giáo viên đã có ý thức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng về chuyên môn, kiến thức Tin học, tiếng Anh giao tiếp, sử dụng mạng Intenet, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được công tác giảng dạy và giáo dục trong các nhà trường. Do đó trong năm học vừa qua, số lượng giáo viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi được xếp loại từ cấp Quốc gia đến cấp huyện đạt tỷ lệ khá cao, đồng thời tỷ lệ học sinh khá, giỏi cũng tăng lên so với nhũng năm trước. Số lượng học sinh bậc Tiểu học chuyển lớp, chuyển cấp đạt trên 98,8%; bậc THCS chuyển cấp đạt 98,1%, chuyển cấp đạt 97,74%; tỷ lệ học sinh bậc THCS khá giỏi đạt 22,66%; bậc THPT tỷ lệ chuyển lớp đạt 97,3%, học sinh đạt khá giỏi 13,75%. Trong đó có các lớp chất lượng cao tại trường THPT Vị Xuyên, THPT Việt Lâm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm 53,3%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt trên77%. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, Vị Xuyên đã xây dựng thành công mô hình lớp học chất lượng cao. Qua đánh giá cho thấy hầu hết số học sinh đều đạt học lực khá, giỏi, 100% học sinh đạt hạnh kiểm khá trở lên. Việc tổ chức mô hình các lớp học chất lượng cao đã được đông đảo phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ, thu hút ngày càng nhiều học sinh.
Đối với mô hình nội trú dân nuôi, trong thời gian qua cũng được thực hiện tốt, góp phần tích cực trong việc huy động học sinh đến trường và duy trì sỹ số học sinh hàng ngày thông qua những chủ trương lớn như: Cấp phát sách giáo khoa cho học sinh vùng cao; xây dựng hệ thống trường Dân tộc nội trú; hỗ trợ kinh phí cho học sinh nội trú dân nuôi; hỗ trợ nước sinh hoạt... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em các dân tộc đến trường. Theo đó, hệ thống các trường phổ thông có học sinh nội trú dân nuôi ngày càng được nhân rộng. Đặc biệt là có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và các cấp, cácban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc tập trung thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục hệ Mầm non và Đề án lớp chất lượng cao, mô hình nội trú dân nuôi đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, cùng với nhận thức của nhân dân về giáo dục đã được nâng lên, đã góp phần tích cực trong việc chăm lo cho con em đến trường, làm nên bức tranh toàn cảnh của ngành Giáo dục-đào tạo Vị Xuyên hôm nay.
Công tác xã hội hoá giáo dục phát triển mạnh và có hiệu quả, huy động ngày càng nhiều nguồn lực đóng góp cho giáo dục-đào tạo, thể hiện qua xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật. Tính đến nay, toàn huyện có 1.160 phòng học, trong đó có 633 phòng học kiên cố; 323 phòng học cấp IV và 204 phòng học tạm; có 35 phòng học bộ môn, 8 phòng học tin họcvà 58 phòng thư viện; 100% các đơn vị trường học cơ bản đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp cho học sinh học tập, nhiều điểm trường có nhà lưu trú của giáo viên, nhiều đơn vị trường học thuộc vùng II, vùng III được đầu tư nhà công vụ giáo viên, nhà lưu trú cho học sinh… Kết quả giáo dục-đào tạo đạt được ngày hôm nay của huyện Vị Xuyên thật đáng trân trọng,cơ bản đạt được mục đích là đào tạo nguồn nhân lực, con người mới từ nhà trường để phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển của đất nước và của địa phương.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vị Xuyên Lê Thị Tuyết Vân cho biết: Tuy nhiên, công tác giáo dục, đạo tạo ở Vị Xuyên hiện nay cũng còn những bất cập dẫn đến hạn chế như: Chất lượng giáo dục đại trà ở vùng cao, vùng sâu so với trung tâm huyện lỵ còn nhiều chênh lệch; chất lượng giảng dạy của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được với yêu cầu đổi mới, nhất là nội dung, phương pháp dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, đi học không chuyên cần còn xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa... đó là những yếu kém, tồn tạiđã và đang được ngành Giáo dục huyện tích cực tập trung tháo gỡ. Bước vào năm học mới, năm học 2011-2012, công tác tổ chức cán bộ, phân bổ giáo viên đã được thực hiện và hoàn thành từ cuối tháng 7, các trường đã bước vào giảng dạy và học tập từ ngày 8.8 và sẽ chính thức khai giảng vào ngày 5.9. Trên cơ sở thực trạng công tác giáo dục, đào tạo hiện nay, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành huyện Vị Xuyên sẽ quyết tâm thực hiện tốt chủ đề năm học mới được Bộ GD-ĐT xác định: “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Toàn thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh đã sẵn sàng đón chào ngày khai giảng cùng với hy vọng thu được nhiều kết quả tốt đẹp trong năm học 2011-2012.
Ý kiến bạn đọc