Đổi mới quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục ở Vị Xuyên
HGĐT- Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện uỷ, HĐND và UBND huyện, Sở GD&ĐT Hà Giang, sự cộng đồng trách nhiệm của các ban, ngành huyện, tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực của các thày cô giáo, các em học sinh, sự nghiệpgiáo dục - đào tạo của huyện Vị Xuyên đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi, thực hiện tốt công tác đổi mới quản lý, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.
Giờ học của cô trò trường TH 1.5 Vị Xuyên. |
Theo kết quả khảo sát, đánh giá năm học 2010 – 2011 cho thấy, quy mô trường, lớp của huyện ngày càng được mở rộng, toàn huyện có 78 trường học, trong đó có 25 trường mầm non, 28 trường TH, 6 trường PTCS, 17 trường THCS, 1 trường PTDT NT và 1 trường TTGDTX. Hệ thống mạng lưới trường, lớp với cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, đảm bảo cho học sinh có môi trường học tập tốt. Toàn huyện hiện có 1.232 lớp học, trong đó có 651 phòng học kiên cố, 287 phòng học cấp IV, 294 phòng học tạm; ngoài ra còn có 52 phòng thư viện, 9 phòng thí nghiệm, 8 phòng học tin học, 172 gian nhà lưu trú học sinh và 290 phòng lưu trú giáo viên. Bàn ghế dành cho giáo viên, học sinh cũng được đầu tư đầy đủ và đúng qui cách với 998 bộ bàn ghế giáo viên, 9.044 bộ bàn ghế học sinh. Sách giáo khoa, vở viết và trang thiết bị dạy học cũng được cấp đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Tổng số cán bộ quản lí, giáo viên hiện có 2.214 người, về cơ bản đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên. Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và được tạo điều kiện học tập ngày càng nâng cao về chất lượng, trình độ chuyên môn, tay nghề.
Thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành Giáo dục huyện Vị Xuyên đã nghiêm túc tiếp thu, triển khai và thực hiện tốt chủ đề năm học 2010 - 2011 “năm học tiếp tục đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” trên nhiều lĩnh vực; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ngày càng được nâng lên, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao; thực hiện tương đối tốt công tác duy trì sĩ số, hạn chế được số học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn; tổ chức và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động như phong trào “3 đủ”, Cuộc vận động “Hai không”, phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” , cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.... Bước đầu việc ứng dụng CNTT trong dạy học và trong quản lí giáo dục đạt được kết quả tốt; thực hiện đúng tiến độ phổ cập GD THCS, duy trì tốt kết quả phổ cập GDTHCS; từng bước hoàn thiện kế hoạch xây dựng lớp chất lượng cao và trường chuẩn Quốc gia; chất lượng giáo dục toàn diện được củng cố và nâng cao hơn năm học trước; tinh thần thái độ học tập của học sinh được chấn chỉnh, kỷ cương trường lớp được củng cố làm cơ sở cho những năm tiếp theo từng bước có giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng một cách vững chắc; tổ chức thành công các kì thi chọn giáo viên giỏi, học sinh giỏi; phong trào xã hội hoá giáo dục tiếp tục phát triển sâu rộng, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học được xây dựng và củng cố góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường, các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, đoàn- đội, xã hội từ thiện được duy trì và phát triển. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và ngành Giáo dục, trường chất lượng cao Lí Tự Trọng ra đời, đây sẽ là môi trường tốt nhất để đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho huyện nhà, cho tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế đặt ra đòi hỏi ngành Giáo dục Vị Xuyên cần khắc phục, đó là: Cấp uỷ, chính quyền một số xã nhận thức chưa sâu sắc và đầy đủ nên lãnh đạo thực hiện công tác giáo dục chưa thường xuyên và hiệu quả; tư tưởng còn trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước ở một số xã còn khá nặng nề, vì vậy không huy động được sức mạnh nội lực để cùng các nguồn đầu tư của nhà nước củng cố và xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu nhất là các phòng chức năng, phòng bộ môn, trang thiết bị hiện đại; đội ngũ giáo viên cơ cấu không đồng bộ, chất lượng giảng dạy của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; việc kiểm tra đánh, giá kết quả học tập của HS, đánh giá chất lượng giờ dạy chưa thực chất, chưa chặt chẽ, còn mang tính hình thức nên chất lượng giáo dục của nhiều trường vùng đặc biệt khó khăn cao hơn vùng thuận lợi; chất lượng giáo dục đào tạo có những nơi còn thấp, tỷ lệ học sinh khá giỏi, học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi chưa cao; công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia tiến độ còn chậm; chưa thường xuyên quan tâm đến việc duy trì sĩ số học sinh, nên vẫn còn hiện tượng học sinh bỏ học; học sinh chưa chuyên cần học tập, nhận thức một bộ phận học sinh còn yếu kém.
Ý kiến bạn đọc