Chuyển biến cơ bản trong giáo dục ở Xín Mần
HGĐT- Một con số thật bất ngờ khi kết thúc năm học 2009 – 2010 ở Xín Mần có 331 học sinh tốt nghiệp PTTH. Trong số đó có 105 học sinh đỗ thẳng đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Lại có học sinh đoạt giải thi Toán trên mạng tầm Quốc gia và đoạt giải Đồng. Kết quả đáng trân trọng trên có lẽ còn bất ngờ đối với cả nhiều người quan tâm đến giáo dục tại huyện nghèo đang nằm trong sự bảo trợ của Chính phủ (62 huyện nghèo nhất nước). Song kết quả trên cũng cho thấy, giáo dục và đào tạo con người ở Xín Mần đã chuyển biến căn bản.
Xín Mần có 15 dân tộc anh em. 19 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã biên giới với chiều dài trên 32km. Địa hình các xã chia cắt thành 4 cụm từ Đông sông Chảy sang Tây sông Chảy, từ Bắc biên giới Việt - Trung, xuống phía Nam Đèo Gió. Nền kinh tế thuần nông của huyện có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sản xuất hàng hóa còn chậm phát triển. Toàn huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 37% vào năm 2008 và giảm xuống còn 21% năm 2010 nhờ sự nỗ lực phấn đấu chung của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc. Tuy còn nghèo, song Xín Mần đã tập trung đầu tư cho giáo dục và hoàn thành PCGD đạt chuẩn Quốc gia vào trước năm 2000. Đến nay, ngành GD – ĐT huyện đã từng bước vươn lên đáp ứng ngày càng cao trong việc đào tạo nguồn lực, nguồn lao động tri thức cho quá trình hội nhập để phát triển. Giáo dục là loại hình “sản xuất đặc biệt”, bắt nguồn từ chính đội ngũ thầy, cô giáo giảng dạy nên việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên được đặt lên hàng đầu. Coi trọng chất lượng thầy cô để tạo ra chất lượng học trò là bước đi kiên trì trong những năm qua. Kết quả trên phản ánh rõ nét trong các đợt thi giáo viên giỏi, giáo viên sáng tạo các cấp; năm học mới đây có 54 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 6 giáo viên giỏi cấp tỉnh. Cơ sở trên tạo ra nền tảng làm chuyển biến tích cực phong trào “Dạy tốt – học tốt” trong toàn ngành Giáo dục Xín Mần. Đội ngũ cán bộ, giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm thông qua giải pháp “thầy bám trường – trò bám lớp” và từng bước “xã hội hóa” công tác chăm lo, bồi dưỡng, đầu tư cho giáo dục. Năm học này, Xín Mần đạt tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi trên 97%, cùng hệ thống trường lớp phủ kín các thôn bản với 60 đơn vị trường học, trên 15 ngàn học sinh trong độ tuổi đến trường. Là huyện duy nhất trong 11 huyện, thành phố có 2 trường nội trú tập trung và gần 2.000 học sinh nội trú dân nuôi.
Tiếp tục cải tiến phương pháp dạy và học, nhằm tạo ra những chuyển biến “về chất” trong giáo dục; trong nửa năm học mới, toàn ngành giáo dục huyện nhà đã chủ động và chuẩn bị tốt công tác tuyển sinh từ đầu cùng cơ sở vật chất, sách giáo khoa; có kế hoạch thăm, dự giờ chu đáo; các công tác sổ sách, giáo án, hoàn thiện hồ sơ nghiêm túc, cùng giải pháp giảng dạy khoa học... đã tạo ra môi trường học tập tốt mà trong đó cả thầy và trò đều phấn đấu hết mình: Cô thầy đức độ – học trò chăm ngoan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Xín Mần Hoàng Tiến Chủ cho rằng: Kết quả dạy và học trên trước hết là công sức của cả thầy và trò đã kiên trì đổi mới, phấn đấu trong nhiều năm qua. Song sự quan tâm, đầu tư, chăm lo cho giáo dục – đào tạo phát triển là Đảng bộ, chính quyền đã định hướng tốt, chăm lo tốt. Cạnh đó là sự “xã hội hóa” mà công lao to lớn thuộc về đồng bào các dân tộc trong huyện đã chắt chiu, dành dụm, đùm bọc, kê đỡ hỗ trợ giáo dục phát triển. Phải có đầu tư, nuôi dưỡng mới có thu hái, đó là quy luật tất yếu của mọi sự đi lên, trong đó giáo dục và đào tạo Xín Mần cũng được gắn kết như thế.
Ý kiến bạn đọc