Những người “gieo mầm” trên đá
HGĐT- Chúng tôi vừa có dịp lên công tác tại huyện Quản Bạ. Được ngồi trò chuyện cùng với các thầy cô giáo của trường tiểu học xã Cán Tỷ, mặc dù mới quen nhưng chúng tôi nói chuyện khá thân thiết với nhau qua những câu chuyện kể, chúng tôi có cảm giác như đã từng quen lâu lắm rồi, các thầy cô nói từ chuyện đời đến chuyện nghề... vui có, buồn có thôi thì đủ thứ chuyện.
Dù có nói chuyện gì đi chăng nữa nhưng cứ mỗi lần có ai đó nhắc đến các điểm trường thuộc trường tiểu học xã cán Tỷ là đa số các thầy cô giáo ở đây đều lắc đầu ngán ngẩm, bởi đường đến các điểm trường duy nhất chỉ có một cách là đi bộ. Đến được điểm trường đã khó, việc vận động học sinh đến lớp còn khó khăn hơn và đó là kết cục của một bài toán còn chưa có lời giải. Vậy mà, ở những nơi khó khăn như thế vẫn có những thầy, cô giáo kiên cường bám trụ.
Nghe những câu chuyện kể về các điểm trường với những nỗi khó khăn vất vả mà các thầy cô giáo đang hàng ngày, hàng giờ phải vật lộn, chúng tôi quyết định lên đường để đến với một trong số những điểm trường đó. Trường tiểu học xã Cán Tỷ có 9 điểm trường, điểm trường mà chúng tôi đến là điểm trường Sủa Lùng Vái. Từ trường chính đến điểm trường này dài 11 km, vì không quen đường nên chúng tôi phải mất hơn 1giờ đồng hồ mới đi được đến nơi. Trên đường đi, đá gồ ghề, ghập ghềnh rất khó đi, những chiếc xe máy phải gầm rú liên hồi, với vận tốc chỉ từ 5 đến 10km/h. Trên suốt quãng đường đi, xe máy chỉ có thể cắm số 1 đếnsố 2 thì mới có lực để leo dốc.
Chúng tôi đến được trường khi đã gần cuối buổi học, điều đầu tiên chúng tôi nhận được đó là những ánh mắt nhìn đầy thiện cảm, hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của các em học sinh nơi đây đã dành cho chúng tôi. Điểm trường có hơn 50 học sinh, đa phần các em là con em của đồng bào dân tộc Mông.
Đi thăm một lượt quanh điểm trường Sủa Lùng Vái, chúng tôi vào nghỉ tại phòng của cô giáo trẻ Dương Thị Cảnh. Là giáo viên mới ra trường, cô giáo Dương Thị Cảnh được phân công lên đây công tác và đó cũng là ước nguyện để cô giáo trẻ thực hiện ước mơ từ thủa nhỏ của mình, đó là đưa cái chữ đến cho các em nhỏ vùng cao.
Rồi qua câu chuyện, cô cho biết lớp học của cô có hơn mười em học sinh, điều khó khăn đầu tiên mà cô gặp phải đó là việc bất đồng ngôn ngữ, chính vì vậy mà cả cô và trò đều phải học, cô thì học tiếng dân tộc của địa phương, trò thì học tiếng Việt.
Vì điểm trường ở xa xôi và đi lại khó khăn nên có khi 1 tuần đến chục ngày cô mới vượt quãng đường 11 km để đến chợ mua sắm phục vụ đủ cho việc sinh hoạt trong 1 tuần liền, cô mua đủ thứ từ gạo, mắm, muối, mì tôm còn thức ăn thì đa phần là đồ hộp, và đồ khô, những thứ có thể dự trữ được lâu ngày. Những khi trời mưa gió, rét mướt thì có khi cả tháng trời cô mới xuống huyện để mua sắm một lần.
Điểm qua một lượt trong căn phòng ở của các cô giáo, mọi vật dụng không có gì là đáng giá, cơ sở vật chất tuềnh toàng, mọi thông tin diễn ra bên ngoài xã hội hầu như các thầy cô giáo nơi đây không được cập nhật thường xuyên. Cũng may thời đại công nghệ thông tin bùng nổ các thầy cô vẫn còn có chiếc điện thoại để làm bầu bạn sớm hôm.
Thời điểm này thời tiết sang thu nhưng tại nơi vùng cao này, cái lạnh đã bắt đầu lẩn khuất, mỗi buổi chiều đến sương mù giăng kín. Bản làng sắp chìm trong cái lạnh giá của mùa đông. Ánh điện vẫn chưa về được với bản, các thầy cô giáo vẫn phải sống trong ánh sáng leo lắt của ngọn đèn dầu mỗi khi màn đêm buông xuống, và trước khi ánh hoàng hôn tắt dần ẩn sau những dãy núi là những lúc các thầy cô giáo nơi đây phải tranh thủ hoàn thành nốt những việc còn lại trong ngày để đến ngoài trời không còn một chút ánh sáng lúc ấy là lúc mà tất cả các thầy cô giáo cùng dành thời gian miệt mài bên trang giáo án.
Nghĩ lại những mùa Đông trước mà cô Dương Thị Cảnh không khỏi xót xa. Các em học sinh nơi đây nghèo lắm, mùa Đông nhiều em đến trường không có đủ áo ấm để mặc.
Không thể nói hết được những khó khăn vất vả mà các thầy cô giáo vùng cao, đặc biệt là giáo viên của các điểm trường đang hàng ngày phải đối mặt. Mặc dù vậy, hàng ngày dù trời mưa hay nắng các thầy cô giáo vẫn phải lặn lội để đem cái chữ đến cho các em học sinh, đến với các em bằng tình thương yêu, trách nhiệm nghề nghiệp và vì tương lai của những học trò nghèo vùng cao.
Đến các phân trường vùng cao mới hiểu hết nghĩa tình của các thầy cô giáo,mới hiểu hết những vất vả mà hàng ngày họ phải đối mặt. Những việc làm của họ luôn được mọi người khâm phục bởi tấm lòng họ luôn hướng về học sinh nghèo vùng nơi vùng cao xa xôi. Thật xúc động khi nghĩ đến những tấm lòng của các thầy cô giáo vùng cao, họ đang ngày ngày “gieo mầm” những con chữ, những cái nghĩa, cái tình đối với học sinh và càng hiểu càng thấm thía hơn nỗi vất vả, sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của những giáo viên nơi đây.
Tạm biệt các thầy cô giáo nơi các điểm trường vùng cao của huyện Quản Bạ, chúng tôi trở về thành phố Hà Giang nơi đô thị tấp nập và nhộn nhịp. Các thầy cô giáo ở lại sẽ tiếp tục công việc của mình, và cũng vì tình thương yêuhọc trò mà thêm gắn bó, để một ngày không xa Sủa Lùng Vái sẽ đẹp hơn, ấm no hơn. Chúng ta hãy cùng tin tưởng vào ngày mai ở đây như vậy, những con đường vào các thôn bản sẽ được trải nhựa khi đó nỗi cực nhọc của các thầy cô cũng sẽ vơi đi phần nào. Và từ đây những cái chữ được “gieo” sẽ sớm “cựa mình” thức dậy.
Ý kiến bạn đọc