Những người “gieo” chữ trên xứ sở ngàn xanh

17:30, 22/10/2010

HGĐT- Khác với những tỉnh miền xuôi, học sinh bỏ học nhiều sẽ bị phạt, bị đuổi học, nhưng ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh ta nói chung, có những thầy, cô giáo phải đi chăn trâu cho học trò để các em đến lớp, có những giáo viên lại cần mẫn đi tới tận nhà cách điểm trường hàng cây số để cho kẹo, vận động các em đến trường.


 
 Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên cắm bản thôn Thèn Ván trong một buổi đi vận động học sinh đến lớp.

Vào những ngày đầu năm học mới 2010 - 2011, tôi có dịp lên với xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ), đó là một trong những xã nằm trên tuyến biên giới Việt - Trung, có độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, ở đó có những cánh rừng xanh thẳm còn nguyên vẻ hoang sơ, đến với trường Tiểu học Cao Mã Pờ để được chứng kiến, đi cùng với những thầy, cô giáo có nhiều tâm huyết, đang ra sức ươm những mầm xanh cho nền giáo dục tỉnh nhà.

 

Từ thị trấn huyện lỵ Tam Sơn (Quản Bạ), đi chừng hơn 1 giờ đồng hồ bằng xe máy qua dốc, qua đèo thì đến Trung tâm xã Cao Mã Pờ. Tôi may mắn được đi nhờ xe của một anh giáo viên đã có thâm niên làm công tác giảng dạy ở vùng cao và được hỏi chuyện về cuộc sống của những thầy, cô giáo như anh. Anh là Phạm Như Ý, sinh ra và lớn lên ở Nga Sơn (Thanh Hóa), năm 1996 anh lên công tác tại xã Cao Mã Pờ và hiện là Hiệu trưởng trường Tiểu học Cao Mã Pờ. Anh Ýbảo: “Lâu nắm rồi mới có nhà báo lên thăm xã, đến với trường Tiểu học Cao Mã Pờ, có công vào đến xã, mời anh ở lại lâu lâu, tìm hiểu cho kỹ tình hình đời sống người dân, cũng như cuộc sống của giáo viên”. Tôi được anh Ý- người gắn bó với vùng đất Cao Mã Pờ lâu năm giới thiệu khái quát về nhữngđổi thay và những tồn tại hạn chế của Cao Mã Pờ. Tôi muốn ngỏ ý cùng một số giáo viên đến tận điểm trường trong thôn để chứng kiến công việc các thầy, cô giáo. Cô Nguyễn Thị Minh Huệ nhanh nhảu bảo, nếu nhà báo không ngại khó, ngại khổ cùng tôi đi vận động học trò đến lớp nhé?. Không ngần ngại tôi đồng ý. Mất chừng nửa giờ đi bộ, chúng tôi đến thôn Thèn Ván và Chín Sang nơi có đông đồng bào là người dân tộc Dao, Hoa Hán sinh sống.


Cô Huệ quê gốc ở Thanh Ba (Phú Thọ), năm 1995 sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Hà Giang đã tình nguyện lên Quản Bạ công tác, gắn bó với vùng sâu của huyện là xã Cao Mã Pờ suốt hơn 10 năm qua. Chị Huệ bảo: “Vận động học trò thì cũng phải có cách, nói phải củ cải cũng nghe, tùy người mà hành sự. Quan trọng là nghệ thuật thuyết phục như thế nào”. Để dạy học trò vùng cao được tốt thì phải biết “ngoại ngữ”, tức là ngôn ngữ của dân tộc mà mình định dạy học trò mình. Nếu cô nói trò không hiểu, hoặc trò thưa cô cũng lắc đầu thì rào cản của ngôn ngữ xảy ra sẽ là rất khó để mình hoàn thành được nhiệm vụ. Chị Huệ đã phải học đến 3 “ngoại ngữ” là tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Hán. Từ năm 1995, tôi xung phong lên ở Vàng Trá Phìn, rồi đến Thèn Ván, phải đi bộ từ điểm trường chính lên đó mất 8 cây số. Sau rồi tôi gắn bó với Cao Mã Pờ và giờ lấy chồng, sinh con ở đây. Giờ gắn bó với bà con, với trường lớp cũng quen và thấy yêu mảnh đất này rồi. Các trưởng bản, già làng vẫn nói với tôi rằng: “Cô giáo ở dân thương, đi dân nhớ”. Chị Huệ tâm sự: Hơn 10 năm biết bao nhiêu nỗi niềm, nỗi vất vả, nhưng mỗi khi có ai nói đến việc đó, chị lại tỏ ra như chẳng có chuyện gì. Chị bảo, học trò vùng cao vất vả, hơn nữa do trình độ dân trí nên một số bộ phận người dân chẳng quan tâm đến việc học hành của con cái. Trẻ em thì vừa ngại đường xa, không mặn mà với cái chữ vì càng học càng thấy khó hơn là vào rừng lấy củi, lớn lên là dựng vợ gả chồng. Với chị vì niềm đam mê và cũng nhận thấy trách nhiệm của một cô giáo cắm bản vùng cao nên đã không quản ngại khó, ngại khổ, luôn nhiệt tình, tận tâm tận lực dạy học cho các em. Chị luôn nghĩ ra những trò chơi sáng tạo tổ chức cho các em vào mỗi giờ ra chơi, làm cho các em cảm thấy yêu trường lớp, yêu thầy, cô giáo và chăm đi học chữ hơn. Nhờ biết tiếng dân tộc, nên chị Huệ dễ dàng chia sẻ, tâm sự với các em, giúp nhiều em yêu, biết cái chữ hơn.


Với cô giáo trẻ Diệp Lan Hương, sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang, thời gian dạy học ở Cao Mã Pờ không nhiều, nhưng những tình cảm của dân bản với những người giáo viên như cô thì rất đỗi thân quen, gắn bó. Hương bảo, bánh kẹo mua để dụ dỗ học trò đến lớp là một phần, phần khác phải dụ rỗ bằng tình thương và lòng nhiệt tình của những người làm công việc “gõ đầu trẻ”. Trong lòng Hương vẫn giữ mãi hình ảnh đẹp của người thầy giáo Hiệu trưởng Phạm Như Ý, một lần phải tháo giầy, xắn quần vượt qua suối lớn đi dỗ học trò đến lớp. Bản thân Hương mỗi tháng dành không ít lần đi xuống tận thôn bản, đến từng hộ gia đình nói chuyện với cha mẹ học sinh để động viên, dỗ con em họ đến lớp cho biết cái chữ. Cô bảo, làm sao để mỗi người dân và học sinh thấy cái sự học nó thực sự mùi mẫn, có ích thì hiệu quả sẽ rất cao. Vì biết cái chữ rất có lợi, sẽ biết tiếp thu các chủ trương, đường lối của Đảng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi sẽ kiếm được tiền, làm được nhiều việc và có khả năng đi làm cán bộ. Điều này thật trái ngược với ở miền xuôi, nếu học sinh không đến lớp sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị đuổi học. Còn ở vùng sâu, vùng xa là vậy, các thầy, cô giáo phải ân cần dỗ học trò, mong học trò mình đến lớp thường xuyên, đầy đủ.


Ở Cao Mã Pờ ít ngày nhưng tôi hiểu được công việc của những người thầy, cô giáo nơi đây. Họ đang từng ngày cùng với chính quyền xã Cao Mã Pờ mang ánh sáng văn hóa về với bản làng. Cái khó của những người thầy, cô giáo ở Cao Mã Pờ là phải đối mặt với những khó khăn khách quan: Thôn Vàng Trá Phìn, Chín Chù Lìn thì xa xôi. Lại có Vả Thàng, Chín Sang, Thèn Ván hoàn toàn là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế. Bản thân một số người dân thôn Chín Sangmới di cư từ vùng sạt lở, vùng biên giới về gần trung tâm xã, nên việc học hành của họ còn bị chểnh mảng; tình trạng bỏ học, lười học lại đè nặng lên vai những thầy, cô giáo cắm bản. Tạm biệt Cao Mã Pờ, tạm biệt Thèn Ván, Chín Sang trong tôi đọng lại hình ảnh đẹp và niềm cảm phục về những thầy, cô giáo cắm bản - những người đang nỗ lực, gieo những con chữ trên xứ sở ngàn xanh.


HOÀNG NGỌC

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc: Tổng kết 10 năm thực hiện các mục tiêu phổ cập GDTHCS, giai đoạn 2001-2010
HGĐT- Vừa qua, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục (PCGD) huyện Mèo Vạc tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục THCS, giai đoạn 2001-2010.
27/09/2010
Sở GD - ĐT thành phố Hải Phòng trao tặng 400 triệu đồng cho Sở GD - ĐT Hà Giang
HGĐT - Ngày 23.9, Sở GD - ĐT, Công đoàn Giáo dục thành phố Hải Phòng đã trao số tiền 400 triệu cho Sở GD - ĐT tỉnh nhằm ủng hộ các em học sinh nghèo 6 huyện đặc biệt khó khăn tại tỉnh ta có điều kiện tốt hơn trong học tập.
25/09/2010
Hội thi giáo viên giỏi
HGĐT- Trong các ngày 18 - 20.10, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Quản Bạ phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Vị Xuyên tổ chức Hội thi giáo viên giỏi theo phương pháp dạy học tích cực.
22/10/2010
Trao học bổng khuyến học “VNPT chắp cánh tài năng Việt”
HGĐT- Sáng 20.9, tại trường THPT huyện Hoàng Su Phì, trước sự chứng kiến của các thầy, cô giáo và toàn thểhọc sinh trường THPT huyện, lãnh đạo Bưu điện tỉnh đại diện cho Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, đã trao tận tay các em học sinh nghèo vượt khó của trường 2 suất học bổng khuyến học “VNPT chắp cánh tài năng Việt”, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.
21/09/2010