Mô hình Trường nội trú dân nuôi ở Hà Giang kinh nghiệm và những yêu cầu đặt ra

17:26, 15/10/2010

HGĐT- Hà Giang là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, đời sống kinh tế - xã hội còn nhều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Đây là nguyên nhân gây cản trở đến phát triển giáo dục - đào tạo. Những với cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện kinh tế ở địa phương nên giáo dục Hà Giang trong những năm qua không ngừng phát triển, đó là việc áp dụng mô hình Trường nội trú dân nuôi.


Mô hình này khởi điểm được hình thành vào những năm thập kỷ 80 của thế kỷ XX, ở xã Sủng Thài, huyện Yên Minh, nhờ thể hiện rõ ưu điểm nên mô hình này đã được đưa vào Nghị quyết và trở thành chủ trương, chính sách lớn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.


Để có đủ trường lớp, thiết bị dạy học cũng như là chỗ ăn, ở của học sinh, Đảng bộ tỉnh chủ trương xã hội hóa mô hình trường nội trú dân nuôi, tức chính quyền và nhân dân cùng tham gia: Một mặt, một số nơi, tỉnh đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho học sinh, nhà ăn, bể nước, sân chơi, khu vệ sinh bằng ngân sách của địa phương và bằng nguồn vốn đầu tư của các dự án trong và ngoài nước (dự án 134, 135, HPM), mỗi học sinh nội trú dân nuôi được tỉnh hỗ trợ 100.000đ/học sinh/tháng và đồ dụng học tập (sách giáo khoa, vở và bút viết); mặt khác chính quyền địa phương, nhân dân tự nguyện đóng góp lương thực, thực phẩm và chất đốt để nuôi con em mình. Một số nơi, đặc biệt như ở một số xã của huyện Đồng Văn, hình thức lớp học nội trú dân nuôi còn được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã. Theo đó mỗi hộ gia đình, bất kể có con em đi học hay không đều phải đóng góp một khoản lương thực quy ra ngô, nguồn sống chủ yếu của cư dân Cao nguyên đá. Ở những Trường nội trú dân nuôi ở các cụm xã bậc THCS có đông học sinh, tỉnh đã cho phép hợp đồng cấp dưỡng nấu cơm cho các em với mức lương từ 300.000đ đến 400.000đ/ người/ tháng. Bên cạnh đó, để có những bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng, một số trường ở huyện đã huy động cán bộ giáo viên hỗ trợ tiền, xây dựng chuồng lợn, vườn rau để cải thiện bữa ăn cho các em.


Nhờ áp dụng mô hình Trường nội trú dân nuôi nên tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ học sinh đến lớp ngày càng tăng, chất lượng ở những nơi áp dụng mô hình này ngày càng được nâng cao. Nếu năm 1998 chỉ có 24 xã có Trường nội trú dân nuôi với 878 học sinh, thì đến năm 2000 toàn tỉnh có 41 xã, 96 lớp với hơn 1717 học sinh theo học. Tính đến năm 2009, toàn tỉnh có 11/11 huyện, thị, 137/195 xã và 24 trường phổ thông có học sinh nội trú dân nuôi với hơn 17.481 học sinh, trong đó học sinh tiểu học là 6.202, học sinh THCS là 11.279. Bên cạnh đó chất lượng giáo dục trong các trường này cũng ngày càng được nâng cao. Nếu năm 2006-2007, tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi chiếm 5,17%, rèn luyện đạt loại tốt và khá chiếm 75,9%, thì đến năm 2008-2009 tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi là 9,79%, rèn luyện loại tốt và khá là 79,3%. Cùng với việc tăng nhanh tỷ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi, tỷ lệ học sinh có học lực và rèn luyện loại yếu ngày càng giảm dần. Đặc biệt, thực hiện mô hình này mà tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập Giáo dục tiểu học và xóa mù chữ vào năm 1999, phổ cập THCS năm 2007 và đang tiến hành phổ cập THPT.


Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì mô hình này còn có những hạn chế nhất định: Điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp thiếu thốn, đặc biệt là nhà lưu trú cho học sinh, nhà ăn, nhà bếp...Chính vì vậy để phát huy tốt mô hình này, trong thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền tỉnh cần phải có những chủ trương, chính sách phù hợp hơn như:


Học sinh nội trú hầu hết là tự quản, phải tự giải quyết các nhu cầu sinh hoạt của bản thân, hàng ngày thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ và gia đình. Đây là những băn khoăn lo lắng của hầu hết các bậc phụ huynh. Vì vậy, việc hợp đồng cô nuôi (do ngân sách địa phương chi trả) để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nội trú là yêu cầu có tính cấp thiết. Cô nuôi hàng ngày giúp học sinh nấu cơm, hướng dẫn học sinh tự chăm sóc, phục vụ bản thân, chăn nuôi, tăng gia để tự túc một phần thực phẩm, để học sinh có thể đảm bảo sức khỏe và thời gian học tập. Bên cạnh đó tỉnh cần phải tăng cường mức hỗ trợ để làm sao đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của các em học sinh.


Chất lượng học tập và nền nếp tự quản của học sinh nội trú cũng là vấn đề cần được quan tâm: Học sinh nội trú phải chăm chỉ và học giỏi hơn, nền nếp kỷ luật phải tốt hơn, khả năng giao tiếp tự tin hơn. Bởi lẽ số học sinh này có nhiều cơ hội thuận lợi được giao lưu với các bạn, thầy cô giáo. Cho nên mỗi Trường nội trú dân nuôi cần phải cử một đại diện Ban giám hiệu và một số giáo viên trực tiếp phụ trách nội trú, hàng ngày giúp học sinh tổ chức sinh hoạt và học tập (tự học, học nhóm, học có sự hướng dẫn của giáo viên; sinh hoạt tập thể), giúp các em xây dựng nền nếp, phương pháp học tập có hiệu quả.


Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất trường, lớp tạo điều kiện để các em có đủ chỗ sinh hoạt, học tập và rèn luyện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các Trường nội trú dân nuôi. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trong các trường này góp phần làm cho hệ thống trường, lớp này ngày càng phát triển.


LÊ QUANG HÙNG (Trường CĐSPHG)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc: Tổng kết 10 năm thực hiện các mục tiêu phổ cập GDTHCS, giai đoạn 2001-2010
HGĐT- Vừa qua, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục (PCGD) huyện Mèo Vạc tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục THCS, giai đoạn 2001-2010.
27/09/2010
Sở GD - ĐT thành phố Hải Phòng trao tặng 400 triệu đồng cho Sở GD - ĐT Hà Giang
HGĐT - Ngày 23.9, Sở GD - ĐT, Công đoàn Giáo dục thành phố Hải Phòng đã trao số tiền 400 triệu cho Sở GD - ĐT tỉnh nhằm ủng hộ các em học sinh nghèo 6 huyện đặc biệt khó khăn tại tỉnh ta có điều kiện tốt hơn trong học tập.
25/09/2010
Trao học bổng khuyến học “VNPT chắp cánh tài năng Việt”
HGĐT- Sáng 20.9, tại trường THPT huyện Hoàng Su Phì, trước sự chứng kiến của các thầy, cô giáo và toàn thểhọc sinh trường THPT huyện, lãnh đạo Bưu điện tỉnh đại diện cho Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, đã trao tận tay các em học sinh nghèo vượt khó của trường 2 suất học bổng khuyến học “VNPT chắp cánh tài năng Việt”, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.
21/09/2010
Bồi dưỡng Hiệu trưởng trường Phổ thông theo chương trình liên kết Việt Nam - Singapore
HGĐT- Ngày 20.9, tại trường CĐSP tỉnh đã khai mạc lớp bồi dưỡng Hiệu trưởng trường phổ thông theo chương trình liên kết Việt Nam - Singapore năm 2010. Tham gia lớp bồi dưỡng có 285 học viên là Hiệu trưởng các trường Tiểu học và THCS trong toàn tỉnh.
21/09/2010