Các huyện chuẩn bị cho năm học mới
HGĐT- Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Đỗ Tấn Sơn cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Hoàng Su Phì đã chuẩn bị chu đáo cho năm học mới 2010 – 2011.
Theo con số chưa thật đầy đủ, năm học này, toàn huyện có trên 16 ngàn học sinh theo học ở các ngành học, bậc học. Trong đó, ngành học Mầm non trên 4.000 cháu, ngành giáo dục phổ thông gồm Tiểu học và THCS, THPT và GDTX trên 11.000 học sinh. Mức phấn đấu huy động trẻ đến trường đạt trên 98%. Theo kế hoạch của ngành Giáo dục đề ra là phấn đấu năm học này sẽ là năm GD – ĐT Hoàng Su Phì đưa vào áp dụng dạng 2 buổi/ngày đối với bậc Tiểu học nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo cho học sinh, duy trì sĩ số lớp học và thực hiện từng bước công tác xã hội hóa để trợ và nâng cao chất lượng đối với các lớp học bán trú dân nuôi ở 24 xã, thị trấn. Hiện nay, công tác chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cũng đã được cung ứng tới tất cả các đơn vị trường học ở cơ sở. Trên cơ sở cân đối sách cũ, bổ sung sách giáo khoa mới, cùng các trang thiết bị đáp ứng đủ cho nhu cầu năm học đề ra. Đội ngũ giáo viên, cán bộ chuyên trách cũng đã được tập huấn hè chu đáo để bổ sung kiến thức, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Toàn bộ hệ thống trường lớp bảng đen, bàn ghế đã được tu bổ.
Năm học này, ngoài sự hỗ trợ của đồng bào cơ sở, ngành học còn được bổ sung một loạt các phòng học mới được xây dựng từ chương trình kiên cố hóa giải đoạn II đầu tư cho năm học mới. Trong gần 3 năm, chương trình kiên cố hóa đã đầu tư ở Hoàng Su Phì là 56 công trình. Đã có 140 phòng học mới và 160 phòng lưu trú cho giáo viên được đầu tư xây dựng góp phần quan trọng bổ sung cho công tác giảng dạy. Đến đầu năm học 2010 – 2011, toàn huyện có 866 phòng học, trong đó số phòng kiên cố trên 300 phòng, phòng học cấp 4 là 353. Còn 94 phòng tạm và 115 phòng học phải học nhờ trụ sở thôn bản. Song thực tế cũng cho thấy, chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn II cũng còn nhiều chỗ cần chỉnh sửa để phù hợp thực tiễn áp dụng trong xây dựng. Bởi lẽ, Hoàng Su Phì là huyện vùng cao núi đất có độ dốc lớn, góc chia cắt phức tạp, kết cầu nền đất yếu dễ bị lũ ống, lũ quét và bị sói lở trong mùa mưa. Việc chọn mặt bằng hoặc san ủi mặt bằng hết sức khó khăn bởi địa hình, đất đai, thổ nhưỡng.
* Hiện tại cả huyện Bắc Mê có tổng số 40 trường học các cấp. Để chuẩn bị tốt nhất những điều kiện thiết yếu phục vụ năm học mới, phòng Giáo dục huyện đã khẩn tu sửa trường lớp và mua các thiết bị giáo dục, kết hợp với nguồn vốn đầu tư từ các chơng trình hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức kinh tế... Hệ thống trường lớp tại huyện Bắc Mê đang dần kiên cố hoá, phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học. 14/14 xã đã thống kê đầy đủ số lượng học sinh, theo đó cấp Mầm non có tổng số học sinh là 2.858 cháu, cấp Tiểu học có 5.399 học sinh, cấp THCS có 3.460 học sinh...
Song song với công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, công tác tư tưởng cho đội ngũ giáo viên ở các bậc học cũng được phòng Giáo dục huyện quán triệt. Theo đó bắt đầu từ ngày 2/8 các giáo viên ở các bậc học sẽ tham gia học chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, tham gia cùng học sinh tu sửa lại trường lớp, các giáo viên có trách nhiệm rà soát, vận động học sinh chuẩn bị tích cực mọi điều kiện cho khai giảng năm học mới dự kiến vào ngày 16/8. Để hỗ trợ kịp thời cho công tác giáo dục huyện nhà, động viên tinh thần đoàn kết phấn đấu trong toàn thể đội ngũ giáo viên các bậc học, khối Công đoàn Giáo dục huyện đã tổ chức nhiều chương trình thiết thực như sửa nhà cho giáo viên, bố trí sinh hoạt nội trú, tăng mức hỗ trợ về sinh hoạt để các giáo viên có thể yên tâm với cuộc sống và tận tâm với nghề nghiệp. Phòng Giáo dục huyện đã kết hợp với các ban, ngành trong huyện tổ chức nhiều buổi toạ đàm, trưng cầu ý kiến của tập thể giáo viên tại các xã, các điểm trường, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
* Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2010 – 2011, với chủ đề năm học là “ năm học tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” đây mạnh phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cho đến thời điểm này ngành Giáo dục - đào tạo của huyện Mèo Vạc đã tham mưu tốt với cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện chỉ đạo việc tu sửa cơ sở vật chất trường lớp học, thành lập các trung tâm học tập cộng đồng mới, và huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường. Đồng thời cử cán bộ quản lý, giáo viên tập huấn hè tại tỉnh, xây dựng kế hoạch năm học 2010 – 2011 và chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện. Bên cạnh đó, chuẩn bị nhận sách giáo khoa đề cấp phát cho các trường học. Vận động cán bộ giáo viên toàn ngành ủng hộ mỗi người 50.000 đồng để mua vở cho con em học sinh nghèo thuộc các xã đã thoát khỏi Chương trình 135 và không được hưởng theo Chương trình 30a của Chính phủ. Cho đến nay, toàn bộ công tác chuẩn bị cho năm học mới của huyện Mèo Vạc đã cơ bản hoàn tất. Theo báo cáo của ngành Giáo dục huyện, năm học 2010 – 2011, toàn huyện có khoảng gần 1.300 giáo viên các cấp, với 57 đơn vị trường học và gần 20.000 học sinh các cấp.
Ý kiến bạn đọc