Thiết kế biên soạn mô hình giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường THCS tỉnh
HGĐT- Dạy lịch sử là “Dạy chữ để dạy người “, đây là một công việc có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt. Giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ luôn là mục tiêu chiến lược của Đảng ta. Trong đó, truyền thống yêu nước lại được bắt nguồn từ tình yêu quê hương, làng xóm, nơi chôn nhau, cắt rốn. Chính vì thế, học lịch sử dân tộc mà không hiểu về lịch sử vùng đất địa phương, về con người và các hình tượng gần gũi như: làng, bản, thôn xóm... thì chưa gọi là đã hoàn thiện mục tiêu giáo dục bộ môn .
Hiện nay, theo chỉ đạo chung của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Giang, ở hai cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) thực hiện giảng dạy phần lịch sử địa phương(LSĐP) thông qua tài liệu “ Những sự kiện lịch sử tiêu biểu tỉnh Hà Giang”. Cuốn sách đã đáp ứng những yêu cầu nhất định đối với giáo viên và học sinh trong hoạt động dạy và học LSĐP từ năm học 2000 tới nay, học sinh Hà Giang được biết về lịch sử quê hương, thay vì cả một thời kì trước đó học sinh chỉ biết về những vấn đề rộng lớn của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện chương trình, đã nảy sinh nhiều vấn đề từ phía người dạy và người học, như:
Các tài liệu hiện có đều chưa đáp ứng đủ yêu cầu đặt ra của nhiệm vụ bộ môn. Nhiều giáo viên lịch sử còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng khi thực hiện chương trình. Lý do chính do thiếu tài liệu để biên soạn bài giảng và quan trọng hơn là thiếu một chương trình chỉ đạo thống nhất chung cho các khối cấp về nội dung chương trình đối với mỗi lớp, nguyên tắc tổ chức thực hiện chương trình và phương pháp dạy học lịch sử địa phương.
Tháng 5. 2008, trường CĐSP tỉnh, được Hội đồng Khoa học tỉnh cho phép thực hiện nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu biên soạn và thiết kế mô hình giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường THCS tỉnh Hà Giang”, do Thạc sỹ Nguyễn Minh Nguyệt, là Chủ nhiệm đề tài. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 5. 2008 đến tháng 5. 2010. Đề tài có sự phối hợp thực hiện của Sở Giáo dục & Đào tạo, Ban Tuyên giáo tỉnh, Sở Văn Hóa Thể thao & Du lịch.
Cuối tháng 4. 2010, công việc cuối cùng của đề tài cần tiến hành là thực nghiệm sư phạm đã hoàn thành. Sản phẩm của đề tài được giảng dạy thực nghiệm trên 3 vùng (thị trấn, thị xã; nông thôn; vùng sâu vùng xa) và đã giành được sự hưởng ứng nhiệt tình của Ban giám hiệu các trường, giáo viên và học sinh. Một lần nữa, các trường THCS lại bày tỏ tính cấp thiết cần đưa tài liệu LSĐP vào giảng dạy cùng như đánh giá cao sản phẩm nghiên cứu của đề tài.
Trên cơ sở các công trình nghiên cứu về lịch sử Hà Giang, xuất phát từ thực tiễn giảng dạy LSĐP ở trường phổ thông tỉnh Hà Giang, trước hết đề tài nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết hiện nay về dạy học Lịch sử địa phương ở trường THCS tỉnh. Sau khi đề tài hoàn thành, tổ đề tài sẽ có hướng biên soạn tài liệu kế tiếp đối với cấp THPT.
Sản phẩm của đề tài hoàn thành gồm có :
1.Tài liệu lịch sử địa phương, được biên soạn dưới dạng sách giáo khoa dùng trong các trường THCS tỉnh Hà Giang,
2. Hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên
3.Thiết kế các mô hình dạy học tích cực lịch sử địa phương thông qua tài liệu đã được biên soạn, kèm theo những phần mềm lược đồ động, các sơ đồ tư duy sinh động nhằm mô hình hóa kiến thức trong dạy học.
Đề tài thành công, sẽ góp phần mang lại lợi ích thiết thực đối với ngành giáo dục Hà Giang, tạo nên sự thống nhất đồng bộ về mục tiêu, nội dung, nguyên tắc biên soạn chương trình, phương pháp giảng dạy LSĐP trong nhà trường. Sau khi đề tài được nghiệm thu, việc triển khai nhân rộng cho các giáo viên giảng dạy lịch sử THCS và học sinh sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, kinh phí... Đặc biệt giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ thông qua dạy học lịch sử địa phương, góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn lịch sử trong nhà trường phổ thông ở Hà Giang hiện nay.
Ý kiến bạn đọc