Bước tiến mới trong sự nghiệp giáo dục và y tế
HGĐT- Trải qua 45 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, phát huy truyền thống đoàn kết, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần luôn tin tưởng và đi theo con đường cách mạng; vượt qua khó khăn của một huyện vùng cao biên giới giành được những thắng lợi hết sức quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó đã tạo ra bước tiến mới trong sự nghiệp giáo dục - y tế, góp phần tạo nên diện mạo mới để Xín Mần vững bước trên con đường phát triển.
Người dân Xín Mần ngày càng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. |
Nhớ lại những năm đầu thành lập huyện với những khó khăn chồng chất về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ phần lớn chưa qua đào tạo, tỷ lệ mù chữ chiếm trên 50%; 2/3 số xã của huyện không có trạm y tế…Xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần từng bước vượt qua khó khăn, cùng nhiệm vụ phát triển KT - XH, gắn với AN-QP, Xín Mần luôn đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp giáo dục, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Mạng lưới trường, lớp học không ngừng được củng cố, mở rộng, đến nay Xín Mần đã có tổng số 58 trường học, trong đó bậc THCS có 16 trường, tiểu học 18 trường, mầm non 19 trường, còn lại là trường nội trú, PTCS với trên 14.134 học sinh; 1.400 cán bộ, giáo viên. Chất lượng giáo dục của huyện trong những năm qua có sự chuyển biến rõ nét ở tất cả các ngành, bậc học. Đối với chăm sóc, giáo dục trẻ bậc học Mầm non được đầu tư chăm lo, có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Hiện toàn huyện có 19 trường Mầm non ở 19 xã, thị trấn với 254 nhóm, lớp. Nămhọc qua, tỷ lệ trẻ từ 0 - 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng giáo dục ở các bậc học phổ thông có nhiều tiến bộ theo yêu cầu giáo dục toàn diện, hiệu quả đào tạo tương đối khá so với mặt bằng chung của tỉnh. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp tiếp tục được chăm lo và đạt kết quả khả quan; nếu như năm 2005 tỷ lệ học sinh giỏi các cấp chỉ khiêm tốn dưới 10% thì đến năm học 2009 con số này đã tăng lên gần 30%. Đặc biệt, trong năm học 2008 - 2009, giáo dục ở vùng dân tộc ít người trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển, duy trì được sự ổn định về quy mô trường lớp; hệ thống trường dân tộc nội trú, nội trú dân nuôi được chăm lo, đầu tư, củng cố; chế độ chính sách cho cán bộ giáo viên, học sinh được thực hiện đầy đủ, kịp thời, điều kiện sinh hoạt của giáo viên ở một số địa bàn vùng sâu, xa đang từng bước được cải thiện. Công tác xây dựng đội ngũ được tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ và đạt kết quả tốt, đảm bảo nhu cầu giáo viên cho phát triển giáo dục; thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để nâng dần cả về tư tưởng cũng như chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng chuẩn hoá đội ngũ giáo viên; có chế độ thu hút, chính sách ưu đãi giáo viên vùng sâu, vùng khó khăn. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho giáo viên và công tác phát triển đảng trong ngành ngày cần thực hiện tốt. Từ năm 2005 - 2009, toàn ngành giáo dục đã kết nạp được gần 300 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong ngành giáo dục của huyện hiện nay lên 581 đảng viên, chiếm tỷ lệ 45,77%.
Cùng với sự nghiệp giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được huyện chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả; cơ sở vật chất khám, chữa bệnh được huyện nâng cấp, xây dựng khang trang nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đến năm 2009, có 18/19 xã có trạm y tế 2 tầng. 100% số xã đạt 10 chuẩn Quốc gia về y tế xã; việc khám, chữa bệnh cho người nghèo theo quyết định 139 của Chính phủ được thực hiện tốt. Cùng với sự đóng góp của nhân dân, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn, vận động các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo. Tích cực triển khai thực hiện các chương trình về dân số, đưa các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản tới những vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ sinh con cao, đã góp phần giảm tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,84%, đây là điều kiện tốt để huyện từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, huyện đã không ngừng mở các lớp tập huấn, có hướng đào tạo tại chỗ, phân cử cán bộ đi học các lớp chuyên tu, chuyên khoa định hướng về phục vụ nhân dân, đến nay trung bình có 4,18 bác sỹ/10.000 dân; có 43,4 cán bộ y tế/10.000 dân, có 4,7 cán bộ y tế/trạm y tế. Với mạng lưới y tế cùng đội ngũ y, bác sỹ rải đều từ huyện đến các xã, thôn bản đã giúp cho công tác kiểm soát, khám, chữa bệnh cho nhân dân được thuận tiện, qua đó tạo được sự đồng thuận, lòng tin của nhân dân vớiĐảng, chính quyền địa phương.
Có thể khẳng định, sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân của Xín Mần trong những năm qua đã có bước tiến mới tích cực, mạnh mẽ, gắn liền với mỗi giai đoạn xây dựng, phát triển của huyện. Đây là niềm động viên, khích lệ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần tiếp bước, từng bước xây dựng quê hương Xín Mần ngày một giàu mạnh, văn minh.
Ý kiến bạn đọc