Vài suy nghĩ về giáo dục dân tộc

16:51, 22/01/2010

HGĐT- Giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một bộ phận cấu thành trong nền giáo dục nước nhà. Nói đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi là nói đến 3/4 diện tích đất nước, ở đó không chỉ các dân tộc thiểu số sinh sống, có đường biên giới đất liền với các nước láng giềng, có tài nguyên khoáng sản, có rừng vàng là nơi chi phối lưu lượng các dòng sông… mà còn là nói đến vùng địa lý – chính trị – kinh tế – quốc phòng, an ninh có vị trí chiến lược đầy tiềm năng mà chúng ta đã và đang khai thác phục vụ cho công cuộc CNH – HĐH đất nước.


Trong quá trình phát triển của đất nước, nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển KT – XH ở vùng dân tộc ít người và miền núi là ai? Liệu các dân tộc ít người có được thụ hưởng thành tựu phát triển KT – XH ở vùng dân tộc ít người và miền núi không?… Câu trả lời cho những câu hỏi đó, theo tôi, trước hết phải nói tới điều kiện dân trí ở vùng dân tộc ít người và miền núi. Trình độ dân trí là tiêu chí của sự phát triển xã hội nói chung, sựphát triển KT – XH ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Đồng thời, trình độ dân trí là một phương tiện và điều kiện tiên quyết để mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng tham gia đóng góp và thụ hưởng sự phát triển của KT – XH. Phát triển giáo dục vùng dân tộc ít người và miền núi là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao trình độ dân trí cho vùng dân tộc ít người và miền núi. Bài viết này xin trình bày vài suy nghĩ về giáo dục vùng dân tộc ít người và miền núi, trước hết là loại trường phổ thông có nội trú dân nuôi và trường PTDT nội trú.


Trường phổ thông có nội trú dân nuôi (trường phổ thông dân tộc bán trú) được hình thành ở các xã thuộc địa bàn vùng 3 (những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn) nhằm tạo điều kiện cho những học sinh ở xa trường đi học. Năm học 2005 – 2006, cả nước có 24 tỉnh đã tổ chức trường phổ thông có nội trú dân nuôi cấp tiểu học; năm học 2006 – 2007 có 240 trường trung học tổ chức nội trú cho học sinh với 66.717 học sinh THCS và 21.153 học sinh THPT (*nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo). Quá trình hình thành trường phổ thông có nội trú dân nuôi có thể tóm lược như sau: ở miền xuôi cũng như những vùng kinh tế phát triển, hiện tượng học sinh phải ở trọ gần trường để học tập, chỉ về nhà vài lần trong tháng chủ yếu về lấy lương thực và vật dụng cần thiết phục vụ đời sống hàng ngày là điều ai cũng cho là bình thường. ở những xã đặc biệt khó khăn, do không có nhà trọ và các dịch vụ phục vụ cho việc ăn ở của học sinh, loại trường phổ thông có nội trú dân nuôi ra đời để đáp ứng nhu cầu ăn ở để giúp học sinh có thể đến trường học tập dù nhà ở xa trường. Buổi sơ khai ra đời loại trường này là được sự cưu mang của các thầy giáo kết hợp với cha mẹ học sinh tự làm những “nhà chòi” cho học sinh ở. Khi số lượng học sinh tăng lên, điều kiện đất đai hạn hẹp và những phát sinh về ô nhiễm môi trường do đông người sinh hoạt trên một không gian chật hẹp thì sự tồn tại của những “nhà chòi” theo cách tự phát không còn phù hợp với cảnh quan trường học nữa. Trước tình hình đó, Đảng ủy và chính quyền xã đã đứng ra tổ chức trường phổ thông có nội trú dân nuôi theo mô hình: Nhân dân làm nhà cho học sinh ở, đóng góp lương thực và cử người nấu cơm cho học sinh ăn; động viên các thầy giáo quản lý sinh hoạt tập thể và học tập của học sinh (đối với các trường tiểu học và THCS). Đây là bước phát triển tiếp theo của trường phổ thông có nội trú dân nuôi có bước nhảy vọt về chất, đặc biệt là sự vào cuộc của Đảng ủy, chính quyền xã và người dân. Nhờ vậy đã góp phần tích cực trong việc huy động học sinh đến trường học, từng bước nâng cao chất lượng GDDT. Nhờ ở lại trường nên các em học sinh được học đầy đủ ngày học, có điều kiện học 2 buổi/ngày nên chất lượng học tập nhờ đó được cải thiện. Ví dụ điển hình mô hình này là trường phổ thông có nội trú dân nuôi ở xã Sủng Thài, Yên Minh, trong những năm thập kỷ 70 và 80 của thể kỷ 20. Tuy nhiên, khi quy mô trường, lớp tăng lên thì nguồn lực “xã hội hóa” nghèo nàn sẽ không đủ sức để thúc đẩy trường phổ thông có nội trú dân nuôi tiếp tục phát triển để tồn tại. Hiện nay, nhiều địa phương trong đó có Hà Giang đã ban hành một số chính sách như hỗ trợ kinh phí làm nhà cho học sinh ở, mỗi tháng hỗ trợ 100.000đ/học sinh, lồng ghép các chương trình đầu tư phát triển KT – XH… nhằm tăng cường cơ sở vật chất, từng bước tháo gỡ khó khăn nhằm duy trì sự phát triển của loại trường phổ thông có nội trú dân nuôi. Chúng ta đã bước sang thế kỷ 21, loại trường phổ thông có nội trú dân nuôi sẽ vẫn còn tồn tại lâu dài và là một trong những giải pháp phát triển GDDT có hiệu quả. Vì vậy, muốn GDDT phát triển, thiết nghĩ Đảng và nhà nước nên có kế hoạch phát triển loại trường phổ thông có nội trú dân nuôi cho các xã vùng 3, vùng 2 nằm trong chiến lược phát triển KT – XH ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.


Trường phổ thông dân tộc nội trú (TPTDTNT) đã phát triển thành một hệ thống hoàn chỉnh từ huyện, tỉnh đến T.Ư đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn đào tạo đội ngũ cán bộ cho các dân tộc thiểu số có trình độ cao, phát triển KT- XH ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đến năm học 2006 – 2007, số lượng và mạng lưới TPTDTNT là 225 trường huyện và cụm xã, 47 trường tỉnh, 7 trường T.Ư đã mở rộng tới 49 tỉnh/62 tỉnh thành với 85.744 học sinh (*nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo). Chất lượng và hiệu quả đào tạo của TPTDTNT đã được khẳng định trong thực tiễn luôn là cơ sở giáo dục có chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập của vùng dân tộc ít người và miền núi, đồng thời là nơi cung cấp nguồn đào tạo đội ngũ cán bộ cho các dân tộc thiểu số có trình độ cao. TPTDTNT là nơi đào tạo con em ưu tú của các dân tộc, cái nôi đào tạo tài năng cho đồng bào các dân tộc ít người để trở thành nguồn nhân lực chủ chốt trong tương lai, trở thành những cán bộ phục vụ sự nghiệp phát triển KT – XH ở vùng dân tộc ít người và miền núi.


Tuy nhiên, TPTDTNT vẫn còn một số vấn đề phải tập trung tháo gỡ. Thứ nhất là chất lượng đầu vào (lớp 6 và lớp 10) so với chất lượng chung của giáo dục phổ thông còn thấp. Điều này là hệ quả tất yếu của chất lượng GDĐT ở bậc tiểu học và THCS còn thấp. Giải quyết vấn đề chất lượng đầu vào là một quá trình từng bước nâng cao chất lượng GDĐT ở bậc học tiểu học và THCS không phải một sớm một chiều có thể làm xong. Trước mắt cần biên soạn một chương trình bồi dưỡng có trọng tâm cho những học sinh mới vào lớp 6 và lớp 10 với thời lượng khoảng 2 tháng ngay từ đầu năm học và khi kết thúc thời gian chương trình bồi dưỡng mới bắt đầu học chương trình mới, như vậy thời lượng học lớp 6 và lớp 10 sẽ sẽ tăng thêm nhưng thời lượng cho bậc học không thay đổi. Đồng thời chú trọng phát triển giáo dục mầm non, một trong những nhân tố thúc đẩy chất lượng lớp 1.


Thứ hai là học sinh TPTDTNT khi học xong bậc học THPT nếu không được học tiếp ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học giải quyết cho về địa phương là một lãng phí lớn và làm giảm vai trò của TPTDTNT trong xã hội. Đề xuất giải quyết vấn đề này theo hướng: Tiếp tục đào tạo nghề cho những học sinh này để họ sống được bằng nghề được đào tạo. Còn đào tạo nghề gì, theo tôi, nên giao việc đó cho UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở căn cứ nhiệm vụ phát triển KT – XH của địa phương. Tuyệt đối không để học sinh trở về quê hương “tay không” sau một thời gian học tập tại TPTDTNT.


Thứ ba là cần chỉnh sửa chế độ nuôi dưỡng học sinh và chế độ cho cán bộ, giáo viên công tác trong TPTDTNT. Do là một trường “chuyên biệt”, nên chế độ cho người học và người dạy, phục vụ cũng phải “chuyên biệt” xuất phát từ vai trò của TPTDTNT.


Thứ tư là có nên duy trì sự tồn tại của các trường TPTDTNT do T.Ư quản lý (Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản) hay không? Trước đây khi các tỉnh chưa có điều kiện phát triển TPTDTNT bậc THPT thì sự tồn tại của các TPTDTNT ở cấp T.Ư là cần thiết. Hiện nay tình hình đã khác, các tỉnh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nào cũng có ít nhất một TPTDTNT bậc THPT. Có thể nói các TPTDTNT ở T.Ư đã hoàn thành sứ mệnh của mình theo giai đoạn lịch sử, theo tôi, việc duy trì các trường này là không cần thiết.


Vừ Mí Vư (Phó Hiệu trưởng trường CĐSP Hà Giang)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sau 3 năm thực hiện CVĐ “Hai không” ở Mèo Vạc
HGĐT- Sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Hai không” là: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, chất lượng giáo dục cũng từng bước được cải thiện, nâng cao và đạt kết quả khả quan trong các kỳ thi chuyển lớp.
31/12/2009
Hội nghị giao ban toàn ngành Giáo dục - Đào tạo
HGĐT- Sáng 30.11, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) tổ chức Hội nghị giao ban toàn ngành tháng 11.2009, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 11 về công tác GD - ĐT, đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12.2009.
30/11/2009
Trường Mầm non Lũng Chinh (Mèo Vạc): Tổ chức hội thi kể chuyện, đọc thơ cô và trẻ
HGĐT- Vừa qua, trường Mầm non xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) đã tổ chức Hội thi kể chuyện, đọc thơ cô và trẻ lần thứ nhất.
28/12/2009
Hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11
HGĐT- Sáng 19.11, trường Chính trị tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Dự có đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; các đồng chí nguyên là lãnh đạo nhà trường, cùng đông đảo cán bộ, giáo viên và học viên trong trường…
23/11/2009