Một trường đạt chuẩn Quốc gia ở Mèo Vạc

17:28, 15/01/2010

HGĐT- Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến vùng đất Mèo Vạc. Những cơn gió từ phương Bắc càng làm cho miền đá xám này càng trở nên lạnh, đồng nghĩa với việc đời sống của người dân nơi đây sẽ khó khăn hơn. Mặc dù vậy, khi được nghe tiếng học trò tíu tít, những bài hát đồng ca vang lên từ những mái trường khang trang trong lòng thị trấn Mèo Vạc xinh đẹp, lòng tôi giường như được ấm lại.


Từ sự cố gắng không ngừng, với những thành tích dẫn đầu trong các phong trào thi đua của ngành GD-ĐT huyện, được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc xứng đáng trở thành ngôi trường đầu tiên đạt chuẩn Quốc gia trên vùng đá. Con em của 14 dân tộc trong thị trấn giờ đã có thêm một địa chỉ tin cậy trong sự nghiệp “Trồng người”, một ngôi trường mà biết bao thế hệ nơi đây từng mong ước.


Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, ngay từ năm học 1956 – 1957, trên địa bàn xã Mèo Vạc, nay là thị trấn Mèo Vạc đã có một ngôi trường ra đời với tên gọi trường cấp I xã Mèo Vạc. Qua quá trình phát triển, để đáp ứng với nhu cầu thực tế, trường cấp I xã Mèo Vạc được nâng cấp lên thành trường cấp I – II. Ngày 29.9.2000, UBND huyện Mèo Vạc đã ra Quyết định đổi tên trường thành trường THCS thị trấn Mèo Vạc. Đến ngày 25.7.2001, trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc được tách ra từ trường THCS. Trải qua các giai đoạn lịch sử, biết bao thế hệ thầy và trò đã gắn bó và trưởng thành từ mái trường này; đồng thời, góp công sức vun đắp cho ngôi trường phát triển từ những lớp học tạm bợ đến những lớp học kiểu mẫu khang trang. Đến nay, cơ sở vật chất của trường đã có 100% phòng học kiên cố, có bảng từ, hệ thống điện, quạt, bàn ghế học sinh, giáo viên đúng theo quy cách; diện tích phòng học đảm bảo 10m2/học sinh. Trường có đủ các phòng chức năng, được trang bị đầy đủ các thiết bị giáo dục theo danh mục tối thiểu mà Bộ quy định. Cảnh quan môi trường, vệ sinh của nhà trường được đảm bảo theo tiêu chí của một trường chuẩn…


Qua hơn 53 năm, đã có trên 6.000 học trò được vun đắp từ đây. Từ chỗ học sinh phải đi bộ hàng giờ đồng hồ để đến được trường thì nay, trường đã bố trí được các lớp học tại 4 xóm xa nhất, tạo điều kiện cho con em đồng bào thuận lợi đến lớp. Với truyền thống “Dạy tốt, học tốt”, đã hun đúc nên những thế hệ học trò trưởng thành, đóng góp tích cực cho quê hương ở nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội. Trường cũng tự hào khi có những học trò xuất sắc đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của huyện, của tỉnh…


Không phụ lòng mong mỏi của đồng bào các dân tộc trong huyện nói chung, thị trấn Mèo Vạc nói riêng, của các thế hệ thầy và trò; đến năm học 2008 – 2009, 5 tiêu chí của một trường chuẩn Quốc gia đã được hoàn thành. Tổ chức bộ máy từ Ban giám hiệu đến các Tổ chuyên môn đảm bảo tốt nhiệm vụ quản lí chuyên môn, cơ sở vật chất... Nhà trường có một chi bộ với 23 đảng viên, chiếm tới 85% tổng số cán bộ, giáo viên, nhiều năm qua chi bộ luôn đạt trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức đoàn thể và Hội đồng nhà trường hoạt động hiệu quả, phát huy tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật, xây dựng tập thể ngày càng vững mạnh, toàn diện.


Cùng với việc làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất nghề nghiệp, nhà trường luôn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên, tạo điều kiện cho anh chị em được tham gia các lớp tập huấn, đi học nâng cao trình độ. Nếu như từ năm học 2002 – 2003, toàn trường mới có duy nhất 1 đồng chí có trình độ đại học thì đến năm học này đã có 15 cán bộ, giáo viên có trình độ đại học, cao đẳng, đạt 83,3%. Toàn trường có 14 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh và quốc gia.


Đóng chân tại trung tâm huyện, nhưng không phải vì vậy mà trường tiểu học thị trấn không có những khó khăn. Toàn thị trấn hiện có 7 thôn bản và 5 tổ khu phố, địa bàn phân bố khá rộng, với 4.531 khẩu, thuộc 14 dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Mông chiếm 81%. Mặc dù những năm qua đã được đầu tư mạnh, nhưng ở các xóm, bản xa trung tâm, đời sống kinh tế của nhân dân còn không ít khó khăn, vì thế việc học hành của các em những nơi đó cũng còn nhiều vất vả. Nhưng, với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, từ công tác vận động, tuyên truyền đến sự phối kết hợp tốt với cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể địa phương của nhà trường đã từng bước thay đổi tư duy của người dân, tạo ra phong trào học tập sôI nổi. Do đó, hàng năm việc huy động trẻ vào lớp 1 luôn đạt từ 98% - 100%, trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 99% trở lên.


Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, từ năm học 2002 – 2003, nhà trường đã thực hiện mô hình học 2 buổi/ngày cho 100% các lớp tại trường chính theo hình thức sáng học chính, chiều ôn tập lại kiến thức. Bắt đầu từ năm học 2005 – 2006, việc học 2 buổi/ngày được chính thức áp dụng theo chương trình của Bộ, qua đó, chất lượng giáo dục đã được nâng lên rõ rệt. Nhà trường cũng đã tích cực thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Hai không” của ngành, thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, làm tốt công tác kiểm tra dạy và học... Tổ chức tốt việc lựa chọn, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi cũng như học sinh còn yếu. Nếu như năm học 2005 – 2006, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chỉ đạt 36,7% thì đến năm học 2008 – 2009, đã có 55,6% học sinh khá, giỏi. Tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm từ 9% xuống còn 4,3%.


Với chủ trương xã hội hoá giáo dục, thông qua sự kêu gọi của nhà trường cùng với Ban đại diện cha mẹ học sinh đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ, động viên từ các tổ chức, cá nhân, đoàn thể cho việc tu sửa cơ sở vật chất, xây dựng Quỹ khuyến học, giúp đỡ cho nhiều học sinh nghèo hiếu học… Đồng thời, thông qua hoạt động xã hội hoá cũng thúc đẩy triển khai các hoạt động giáo dục phong phú, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh…


Trải qua hơn nửa thế kỷ, trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc đã khẳng định được vai trò của mình trên vùng khó khăn nhất của tỉnh. Những kết quả đạt được hôm nay khẳng định sự đầu tư đúng và có trọng điểm của huyện, sự nỗ lực của các thế hệ thầy và trò nhà trường. Tại buổi Lễ công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia ngày 17.11.2009, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô nhấn mạnh, để giữ vững những thành quả đã đạt được, thầy và trò nhà trường cần phải nỗ lực hơn, không ngừng nghiên cứu, trau dồi kinh nghiệm, phấn đấu thi đua dạy tốt, học tốt để xứng đáng với danh hiệu Lá cờ đầu của ngành giáo dục huyện nhà.


Giao Thư

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sau 3 năm thực hiện CVĐ “Hai không” ở Mèo Vạc
HGĐT- Sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Hai không” là: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, chất lượng giáo dục cũng từng bước được cải thiện, nâng cao và đạt kết quả khả quan trong các kỳ thi chuyển lớp.
31/12/2009
Hội nghị giao ban toàn ngành Giáo dục - Đào tạo
HGĐT- Sáng 30.11, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) tổ chức Hội nghị giao ban toàn ngành tháng 11.2009, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 11 về công tác GD - ĐT, đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12.2009.
30/11/2009
Trường Mầm non Lũng Chinh (Mèo Vạc): Tổ chức hội thi kể chuyện, đọc thơ cô và trẻ
HGĐT- Vừa qua, trường Mầm non xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) đã tổ chức Hội thi kể chuyện, đọc thơ cô và trẻ lần thứ nhất.
28/12/2009
Hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11
HGĐT- Sáng 19.11, trường Chính trị tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Dự có đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; các đồng chí nguyên là lãnh đạo nhà trường, cùng đông đảo cán bộ, giáo viên và học viên trong trường…
23/11/2009