Khát vọng “con chữ” vùng biên ải
08:27, 20/10/2009
HGĐT- Lù Seo Sính, 12 tuổi, học sinh lớp 7A, trường Nội trú xã Xín Mần bộc bạch: “...không có trường Nội trú xã Xín Mần thì cháu đã phải bỏ học cách đây vài năm rồi chú ạ”. Lý do bỏ học mà Sính đưa ra là: Xa nhà, xa trường và... rất khó khăn về cái ăn, cái mặc đối với cậu bé nhà có 5 anh chị em, đi bộ cả ngày mới tới trường...
Học sinh trường Nội trú xã Xín Mần trong giờ thể dục. |
Bạn Gì Seo Khánh, thôn Seo Pờ, xã Xín Mần cho biết: Nhà Sính ở mãi thôn Khấu Xỉn, xã Pà Vầy Sủ. Nơi Sính ở chỉ có học đến lớp 4 là phải đi cả ngày đường mới tới trường chính, hoặc trường nội trú huyện mới có lớp học... lớn hơn. Tôi cũng đã có dịp về thôn Khấu Xỉn nơi Sính ở, là 1 trong 4 thôn giáp biên giới Việt – Trung. Khấu Xỉn ở cheo leo trên dải núi đá tai mèo xám xịt quanh năm khô khát. Khấu Xỉn chỉ gần 50 hộ đồng bào Mông sống vất vả, nhưng kiên cường bám đất, giữ cho vùng biên giới bình yên ví như “phên dậu” che chắn cho hậu phương Xín Mần vững chắc. Bởi cuộc sống kinh tế khó khăn, đường xa, trường học có hạn, nên phần lớn học sinh trong thôn chỉ học hết tiểu học, thoát nạn mù chữ là ở nhà, lấy vợ, sinh con, lam lũ làm ăn. Sính tâm sự: ở tuổi cháu, nếu không còn học nữa ở nhà bố mẹ đã... dạm vợ trước cho rồi đấy. Học được “con chữ”... lớn hơn đối với Sính, các bạn đồng niên coi đấy là cả niềm mơ ước, khát khao. Thỏa niềm mơ ước ban đầu rồi về trường nội trú xã, Sính, các bạn làm gì trong mấy năm qua? Học chữ và rèn luyện. Theo Sính kể: Sáng mỗi ngày dậy trước 5 giờ tập thể dục, vệ sinh cá nhân, sau vào ăn sáng, ôn bài cũ rồi đến lớp. Sính bảo tôi “Bọn cháu về trường học chữ mà tác phong như lính... biên phòng”. Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng trường cho hay, trường Nội trú xã Xín Mần là nơi tụ hội các em của 4 xã biên giới, 2 xã nội địa gồm: Xín Mần, Nàn Xỉn, Pà Vầy Sủ, Chí Cà, Bản Díu và Thèn Phàng. Học sinh chủ yếu là con em đồng bào: Mông, La Chí, Nùng, Dao, Phù Lá và là con em ở các xã ít có điều kiện về vật chất, cùng tinh thần xa đường đi lại, xa trường, có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, nếu không được sự hỗ trợ, giúp đỡ của thầy cô, xã hội... Ngày đầu thành lập trường Nội trú xãXín Mần có trên 150 học sinh. Anh Dương Minh Hòa, cách đây 4 năm là Chủ tịch UBND huyện Xín Mần đã cùng tôi lên trường trước năm học mới (2004 – 2005) để hiểu hơn khó khăn của ngày đầu thành lập. Tôi đến trường không khỏi xúc động: Duy dãy nhà cấp 4 mới toanh vừa làm vừa ở cho các thầy cô, nay làm nơi ở cho học sinh. Ngày đó toàn bộ hơn 150 học sinh nhà trường đều đi... ở nhờ: Bộ đội, biên phòng, xã và bà con quanh vùng. Nằm ở độ cao trên 1.500m, thời tiết chớm đông lạnh se sẽ làm tôi không yên lòng bởi hơn trăm con người đang tuổi non nớt “bắt đầu” cuộc sống tự lập xa bố, xa mẹ, xa nhà... nhưng cũng thật may, ngày thiếu thốn đó được Đoàn kinh tế Quốc phòng 314, đồn 219 và bà con trong xã quanh Xín Mần đùm bọc, chia sẻ, giúp gánh bớt khó khăn cho giáo viên, học sinh trường Nội trú mới cất tiếng khóc chào đời. Đến nay, sau gần 5 năm thành lập, anh Dương Minh Hòa nay là Bí thư Huyện ủy Xín Mần gặp tôi có nói khiêm tốn: Trường Nội trú xã Xín Mần nay đã qua thời gian “bò” để bước đi vững chắc rồi, có dịp nhà báo cứ “vi hành” xem. Tôi đến các lớp nội trú nơi học sinh trọ, ăn học rồi gặp Lù Seo Sính, Gì Seo Khánh, học sinh lớp 7A kể trên, cùng đông đảo dám học trò “nhất qủy...” nữa. Các cụ nhà ta vẫn nói “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Cả đám học trò khoe: Chúng được học hành, được rèn luyện cứ như “bộ đội” biên phòng, bộ đội 314, nơi chúng đã ở trọ vài năm trước đó. Vui quá! Vậy về đây gần 5 năm học, các cháu còn được gì nữa? Tôi hỏi. Vài bạn nhanh mồm: Bọn cháu còn được yêu... nhiều nữa. Thấy tôi giật mình, bọn trẻ giải thích: Các thầy, cô thương yêu, san sẻ, chăm lo từng bữa ăn, từng giờ học, giấc ngủ, lúc ốm đau... Các bạn quây quần bên nhau như anh em một nhà. Các cô chú bên đồn biên phòng, đoàn 314, bên xã nữa, thì chia sẻ, động viên các em học tập nhiều lắm. Cô Thủy giải vây, “Bọn trẻ được học hành, được va chạm nên cũng thật biết... nói đùa”. Và quả thật, chúng đã đùa tôi đến... ngơ ngác, tưởng lầm đi đàng khác. Tôi nghĩ, có ăn, có học, bao giờ cũng... hơn. Lù Seo Khánh mong ước học hết “cái chữ” em sẽ về Khấu Xỉn làm thấy giáo dạy “cái chữ” cho đám trẻ trong thôn để chúng biết, chúng hiểu về đất nước, con người Việt Nam, hiểu về mảnh đất Pà Vầy Sủ (Xín Mần) tuy còn khó khăn những mạnh mẽ, rắn giỏi. Còn Gì Seo Khánh mơ học hết cậu làm bác sĩ, nếu không sẽ làm anh bộ đội biên phòng giữ đất, giữ làng. Cô bé Vàng Thị Vàng lại mơ ước đến cuộc sống đời thường, biết làm ăn, chăn nuôi, và để được những đứa con khỏe mạnh, cùng chồng xây dựng gia đình “kiểu mẫu” ngay tại quê nhà... Tại mái trường này ghi nhận mỗi người, mỗi trò một vẻ, một suy nghĩ, nhưng tựu chung lại, “con chữ” của các thầy, cô nơi đây đã làm cho những tâm hồn các em thay đổi. Cái yêu, cái ghét, nét sống đầy thường... cũng đã dần đi vào cuộc sống thực tế ở vùng biên ải Xín Mần. Được biết, Xín Mần có 4 thôn bản với trên 12 km đường biên giáp nước bạn Trung Quốc. Cả 4 xã biên giới miền Tây từ chóp đuôi con cáo là thôn Ma Lì Sán, xã Pà Vầy Sủ, kéo qua xã Chí Cà, Xín Mần đến xã Nàn Xỉn có chiều dài biên giới trên 32km. Các xã nơi đây tập trung đông con em đồng bào: Mông, La Chí, Dao, Nùng, Hoa... đã tụ lại mái trường nội trú “rèn” con chữ, rèn “con người” để làm con người có ích cho đời sống mai sau. Cô Nguyễn Thị Thủy tâm sự: Qua hơn 4 năm học tại trường, từ hơn 140 học sinh ban đầu, nay đã trên 240 em. Mái trường từ nhà tạm, ở nhờ, học nhờ, nay trường nội trú xã đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư đủ cơ sở vật chất, từ nhà ở, lớp học, nơi ăn ở... Các em cũng đã qua cái ngõ ngàng, ngơ ngác ban đầu, đi đến cuộc sống học tập, suy nghĩ độc lập, có phương hướng rõ nét cho riêng mỗi em. Thế là mừng. Thật, mới thấy rõ: “Có học, có hơn”. Và xưa các cụ ta vẫn nói “Đi một đàng, học một sàng khôn” là thế. Với tôi, sau hơn 4 năm kể từ ngày trường thành lập, nay trở lại thấy “như” mình “vỡ ra” nhiều điều. Trường mới xây to đẹp. Nếp ăn, ở, sinh hoạt, suy nghĩcủa đám trẻ ngơ ngác xưa biến mất và được lấp đầy một dòng tri thức, kiến thức sống thực tiễn, đầy sinh động, tạo cho một vùng biên giới tưởng heo hút xưa như ấm lại, rộn rã tiếng cười. Rời trường nội trú xã, sang trường Tiểu học xã Xín Mần, cái không khí năm học mới tưởng cứ như bừng tỉnh cả một vùng biên. ở lớp mầm non, đám trẻ vây quanh công Hoàng Thị Hoa múa hát. Lớp 1, lớp 3, lớp cô giáo Nguyễn Thị Luyến, thì bi bô đọc bài. Thầy Trần Ngọc Thiêm cho biết: Năm học 2009 – 2010, trường có 15 lớp hệ tiểu học với 123 học sinh, hệ THCS có 3 lớp 38 học sinh và 1 nhóm trẻ 11 cháu. Tất cả đều khai giảng đúng ngày 5.9, còn ngày tựu trường thì được học sớm hơn để tránh rét mùa đông trước nửa tháng so với ngày khai giảng. Tìm hiểu để biết mỗi thầy, mỗi cô, mỗi người một quê xa, học đã tụ về vùng biên này nuôi “con chữ” người ít thì 2-3 năm, người nhiều đã gần qua 1/4 đời người. Sướng, khổ cũng đã qua. Ngày tháng xua đi tuổi xuân “để cho” “con chữ dần lớn” lên bám rễ vững chắc cả một dải biên giới. Ai đó đã bảo, đấy là sự trường tồn của dân tộc, bởi lẽ, tri thức là “chìa khóa” mở ra mọi điều trong cuộc sống. Tri thức càng lớn, càng sâu thì thế giới càng gần lại. Mùa học này về vùng biên ải, với tôi, sau gần 5 năm gặp lại, cảnh sơ xác ban đầu đã biến mất. Sự tinh khôn của đám học trò ngày một lớn dậy. Và đấy chính là khát vọng xưa, nay đã thành sự thật hiển hiện giữa vùng biên ải, rộng – dài – hùng vĩ đến vô cùng trên mảnh đất biên giới miền Tây.
Tháng10.2009
Ý kiến bạn đọc