Hiệu quả từ mô hình Nội trú dân nuôi ở trường PTCS Thái An
HGĐT- Là một trong những xã xa, đặc biệt khó khăn của huyện Quản Bạ, xã Thái An có địa bàn rộng, dân cư thưa, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, điều kiện hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Toàn xã hiện có 6 thôn bản, trong đó có nhiều thôn, bản xa, các em học sinh ở đây muốn đến trường học phải vượt qua nhiều cây số đường rừng, có em phải đi bộ nửa ngày đường mới đến được trường.
Ở bậc tiểu học, học sinh được học tại các phân trường, đến bậc THCS các em ra trung tâm xã học tập. Do đường xa nên hầu hết các em phải ở tại trường.
Trường PTCS Thái An là trường thực hiện công tác giảng dạy ở cả bậc Tiểu học và Trung học cơ sở. Trường có 6 điểm trường, trong đó có 1 điểm trường chính. Năm học 2009 – 2010, nhà trường có 32 lớp với 436 học sinh từ lớp1 đến lớp 9, trong đó có 8 lớp phổ cập. Với một xã còn nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động trẻ đến trường và duy trì sỹ số học sinh. Tuy nhiên, từ năm 2003 – 2004 đến nay, nhà trường triển khai mô hình trường Nội trú dân nuôi. Qua hình thức này, nhà trường đã thực hiện tốt công tác huy động trẻ đến trường và duy trì sỹ số học sinh mà còn góp phần vào công tác nâng cao chất lượng giáo dục.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, hiện nay, trường đã có 10 phòng ở và một nhà bếp, mỗi phòng có 8 giường, 1 bóng điện thắp sáng. Năm học này, nhà trường có 180 em ở nội trú dân nuôi ở cả 2 cấp học. Các em học sinh thuộc các hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ 140.000 đồng/tháng, học sinh các hộ trung bình được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng. Ngoài ra hàng tháng, mỗi CBGV nhà trường ủng hộ 10.000 đồng/ người để hỗ trợ các em, nhằm giúp cải thiện đời sống cho học sinh, tạo điều kiện để các em yên tâm học tập. Với số tiền hỗ trợ trên, nhà trường đang cố gắng duy trì cho các em ăn ngày 2 bữa, trong đó mỗi tuần có từ 1 đến 2 bữa ăn cải thiện, có thịt hoặc cá…
Đánh giá về chất lượng dạy và học, đời sống của học sinh nội trú dân nuôi, thầy giáo Nguyễn Trường Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết : Từ khi trường thực hiện mô hình trường nội trú dân nuôi, tỷ lệ huy động trẻ đến trường luôn đạt trên 98%, sỹ số học sinh luôn đảm bảo. Số học sinh ở nội trú đều tham gia đầy đủ các buổi học, không có học sinh bỏ học, 100% học sinh đạt học lực trung bình trở, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng đáng kể. Mặt khác, các em được sống trong môi trường tập thể, nên có ý thức kỷ luật hơn trong học tập và tu dưỡng rèn luyện cũng như việc giữ gìn nếp sinh hoạt hàng ngày. Về công tác quản lý nội trú, hầu hết CBGV nhà trường đều ở, sinh hoạt tại trường, do đó các thầy cô luân phiên nhau trực làm công tác quản sinh, đôn đốc học sinh học tập trong thời gian ngoài giờ.
Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng có thể khẳng định, mô hình trường nội trú dân nuôi ở Trường PTCS Thái An đã giúp học sinh các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn có chỗ ở thuận tiện trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tại địa phương, ngoài ra đã từng bước thay đổi được nhận thức của người dân vùng cao trong việc đầu tư cho giáo dục, coi giáo dục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ý kiến bạn đọc