Những ngày đầu năm học ở trường THCS và THPT Minh Ngọc
HGĐT- Nằm trên trục Quốc lộ 34, cách thị xã Hà Giang 31 km, xã Minh Ngọc là trung tâm cụm xã, gồm Minh Ngọc, Minh Sơn, Thượng Tân và Yên Định (Bắc Mê). Vì vậy, trường THCS và THPT Minh Ngọc là nơi hội tụ của học sinh các dân tộc 4 xã trên. Bước vào năm học mới, thầy và trò nhà trường có được rất nhiều thuận lợi từ sự ủng hộ, hỗ trợ, đầu tư... của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như ngành chủ quản. Bên cạnh đó, những khó khăn, thách thức từ khách quan đem lại cũng không ít, cần có sự cố gắng, nỗ lực không những của mỗi giáo viên, học sinh trong trường mà của cả xã hội.
Năm học 2009 – 2010, trường có tổng số 554 học sinh, trong đó khối THCS có 215 em học sinh, khối THPT 339 em đặt dưới dự dìu dắt, dạy dỗ tận tình, trách nhiệm của 47 cán bộ, giáo viên. Trong không khí tươi mới, rộn rã của những ngày đầu năm học, với chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” nhà trường tiếp tục thực hiện định hướng chỉ đạo của tỉnh và phương châm của ngành là: Giữ vững kỷ cương, tăng cường đội ngũ, duy trì sỹ số, nâng cao chất lượng. Để đạt được mục tiêu trên, căn cứ vào tình hình cụ thể của trường, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy và học rõ ràng, chi tiết, hợp lý như: Thực hiện dạy đủ các môn học theo quy định trong kế hoạch giáo dục của chương trình, đảm bảo cho giáo viên nắm được chương trình, nội dung kiến thức bộ môn toàn cấp học, chú ý giáo viên có năng lực bố trí giảng dạy lớp 12; tăng cường thăm lớp dự giờ, học tập trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, thống nhất phương pháp giảng dạy. Công tác đổi mới phương pháp giảng dạy được nhà trường quan tâm chỉ đạo. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, có lòng nhiệt tình, yêu nghề, chịu khó học hỏi, tự nghiên cứu tài liệu, vận dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy tích cực, lấy học sinh làm trung tâm vào từng bài giảng... Nhà trường không ngừng công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời, đảm bảo kỷ cương, nề nếp. Các tổ chuyên môn hàng tháng lên lịch dự giờ, thăm lớp định kỳ hoặc đột xuất để đánh giá chất lượng từng giáo viên. Về kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, ngay từ đầu năm, trường đã tổ chức kỳ thi khảo sát cho khối 10 (lớp đầu vào của hệ THPT) với 3 môn Văn học, Toán học, Anh văn và khối lớp 6 (đầu vào của hệ THCS) với 2 môn Toán học, Văn học. Qua kỳ khảo sát, nhà trường có cơ sở phân loại học sinh và lên kế hoạch tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu, kém để nâng cao chất lượng.
Trao đổi với đồng chí Tải Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường được biết thêm: Ngoài việc giảng dạy các môn chính khóa, trường còn thực hiện dạy học tự chọn, giáo dục địa phương, dạy học tích hợp giáo dục môi trường, giáo dục nghề phổ thông, hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng và tổ chức các hoạt động ngoại khóa... Từ đó học sinh sẽ được giáo dục, tiếp thu kiến thức một cách toàn diện. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nhà trường cũng có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đầu năm học có 22 em học sinh lớp 6 và lớp 7 không đến trường. Chúng tôi đã tổ chức cho giáo viên đến tận nhà vận động học sinh và phụ huynh nhưng đến nay vẫn còn một số em chưa đến lớp. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản là do nhà các em ở quá xa trường; ở nhà lao động giúp gia đình vì neo người; sợ xa bố mẹ... Thầy giáo Lê Anh Quân (dạy Toán) và cô giáo Phạm Thị Phương Thanh (dạy Thể dục) cho biết thêm: Số các em chưa đến trường tập trung ở 5 thôn vùng sâu như Lùng Hảo, Lùng Càng, Khuổi Lùng, Lũng Lầu và Khuổi Bon. Từ trường đến thôn xa nhất đi xe máy mất gần 3 tiếng, từ thôn đến nhà học sinh phải hơn 1 tiếng đi bộ mới đến. Học sinh chủ yếu là con em các hộ nghèo, gặp nhiều khó khăn. Cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, chúng tôi quyết tâm tuyên truyền, vận động, động viên số học sinh chưa đến trường sẽ đến trường trong thời gian sớm nhất.
Với sự tâm huyết của đội ngũ giáo viên, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của phụ huynh và học sinh, hy vọng trường THCS và THPT Minh Ngọc sẽ vượt lên khó khăn, thách thức để đạt được hiệu quả, chất lượng trong giảng dạy và học tập, đạt và vượt những mục tiêu của ngành Giáo dục, của địa phương cũng như của trường đề ra trong năm học 2009 - 2010.
Ý kiến bạn đọc