Trường Tiểu học Giàng Chu Phìn, tiếng trống trường đã điểm
HGĐT- Khác với nhiều nơi, do khó khăn, đặc biệt để tránh cái rét của vùng cao nên năm học mới này ở huyện Mèo Vạc được bắt đầu sớm hơn. Hoà chung với khí thế của toàn huyện, từ ngày 10.8, thầy và trò trường Tiểu học Giàng Chu Phìn đã phấn khởi bước vào năm học mới cùng quyết tâm vượt qua khó khăn để đạt được kết quả tốt hơn so với năm học trước.
Là xã còn gặp nhiều khó khăn về KT - XH, với trên 4.600 khẩu, đa phần là đồng bào Mông, Giàng Chu Phìn có tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm đến 46%. Từ những khó khăn đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động học sinh trong độ tuổi 6 – 14 đến trường, chất lượng giáo dục vì thế cũng còn nhiều hạn chế. Để đưa giáo dục trong năm học mới 2009 – 2010 đạt kết quả tích cực, ngoài tập trung phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, cấp uỷ và chính quyền nơi đây đã tích cực cùng với các đơn vị trường học tuyên truyền, vận động, huy động trẻ trong độ tuổi đến trường.
Thầy giáo Cao Duy Chương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Giàng Chu Phìn cho biết: Bước vào năm học mới, công tác giáo dục ở nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên. Với địa hình rộng, đi lại khó khăn, toàn trường có 17 điểm trường, phân bổ ở 12 xóm, bản. Nhiều điểm trường rất khó khăn như điểm Dì Chủa Phàng, Há Cá Thình… giáo viên phải đi bộ để đến lớp. Hiện nay vẫn còn 9/17 điểm trườnglà nhà tạm. Tại trường chính, vẫn còn thiếu phòng học, bể nước sinh hoạt cho học sinh bán trú, phòng chức năng. Năm học mới, trường tiếp tục bố trí, tạo điều kiện cho 9 giáo viên, cán bộ quản lí đi học nâng cao trình độ… Nhưng khó khăn lớn nhất là trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, rất nhiều học sinh lần đầu đến trường chưa nói sõi tiếng phổ thông…
Những năm trước đây, việc huy động học sinh, vận động các gia đình dường như là việc của giáo viên và nhà trường. Nên việc huy động và duy trì sĩ số học sinh rất khó khăn, chưa nói gì đến chất lượng dạy và học. Nhưng để chuẩn bị cho năm học mới này, nhà trường đã tích cực tham mưu với cấp uỷ, chính quyền xã chỉ đạo mạnh mẽ đến từng thôn, bản, giao trách nhiệm cho cán bộ phụ trách xóm, trưởng xóm, giáo viên tổ chức họp, vận động, tuyên truyền cho các gia đình và học sinh đến lớp. Nhà trường đã lập danh sách học sinh từng lớp và cho phụ huynh kí cam kết đưa con em đến trường. Các thôn, xóm đã đưa nội dung cho trẻ đến trường vào hương ước, trở thành một tiêu chí để xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa. Các giáo viên của trường cũng đã tích cực đến những gia đình khó khăn để vận động học sinh đến trường. Từ đó, tạo nên sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền, từng bước nâng cao ý thức tự giác của mỗi gia đình trong việc tạo điều kiện cho con em đi học.
Để giúp học sinh có thể tiếp thu tốt kiến thức, nâng cao chất lượng giáo dục, trong dịp hè nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng cho các em thuộc diện yếu, kém. Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo cũng đã chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh nói tiếng phổ thông, đặc biệt là học sinh bước vào lớp 1. Vừa phải chú trọng đến chất lượng giáo dục nhưng đồng thời cũng chú trọng đến việc khuyến khích, động viên để học sinh không bỏ học đó là nhiệm vụ không dễ dàng gì với một địa phương còn nhiều khó khăn như Giàng Chu Phìn. Do vậy, nhà trường đang đề xuất với phòng Giáo dục huyện ra quyết định nâng định suất hỗ trợ theo chế độ của Nhà nước cho học sinh bán trú. Theo đó cố gắng nâng mức hỗ trợ cho 165 em thuộc diện khó khăn trong năm học mới này với mức hỗ trợ 140.000đ/em/tháng. Đối với xã, hỗ trợ nhà trường về chất đốt, thuê cấp dưỡng nấu cơm cho học sinh bán trú dân nuôi. Tuy không được hưởng các chế độ như trường nội trú, nhưng giáo viên nhà trường đã tích cực trong việc quản lý việc học, giờ ăn và giờ vui chơi của các em, tạo môi trường sinh hoạt, học tập ổn định cho các em…
Đến Tìa Chí Đơ, một xóm với 64 hộ đồng bào Mông, điểm trường ở đây đã được xây dựng kiên cố với 2 phòng học. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nguyệt, người đã có 15 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục của Mèo Vạc và hiện đang dạy tại điểm Tìa Chí Đơ cho biết, năm học này, điểm trường huy động được 32 học sinh, trong đó 18 học sinh lớp 1 và 14 em lớp 3. Do năm học mới được bắt đầu đúng vào dịp người dân đang thu hoạch ngô và gieo trồng vụ mùa nên việc huy động học sinh đến trường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều học sinh khi bước vào lớp 1 còn chưa thạo tiếng phổ thông nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Để khắc phục điều này, giáo viên của điểm đã phải cùng với thôn tích cực vận động từng nhà và từng phụ huynh để huy động các em đến lớp. Nhờ đó, năm học mới điểm trường đã huy động đủ số học sinh đến lớp.
Với những nỗ lực vận động của cấp uỷ, chính quyền và nhà trường, kết quả huy động học sinh đã có những khởi sắc hơn so với các năm trước. Tính đến ngày 12.8, toàn trường đã huy động được 577/590 học sinh, đạt gần 98% kế hoạch. Riêng ở các điểm trường, sĩ số học sinh duy trì đạt từ 98% trở lên, có điểm đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ trẻ vào lớp 1 đạt gần 98%, khối lớp 2 đạt trên 99%... Thầy Cao Duy Chương cho biết, phấn đấu đến ngày 20.8, nhà trường sẽ nỗ lực vận động để truy trì sĩ số học sinh theo kế hoạch đã đề ra cho năm học mới. Đồng thời, tiếp tục triển khai cuộc vận động “Hai không”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học…
Rời Giàng Chu Phìn trong tiếng trống trường rộn ràng, năm học mới đã bắt đầu trên vùng cao còn nhiều gian khó này. Hy vọng những nỗ lực từ đầu năm học mới của cấp ủy, chính quyền và của thầy và trò trường Tiểu học Giàng Chu Phìn sẽ đem đến một “mùa gieo chữ’ đạt nhiều kết quả.
Ý kiến bạn đọc