Những nỗ lực của ngành Giáo dục – Đào tạo cho năm học mới
HGĐT- Năm học 2009 – 2010 đã bắt đầu. Để một năm học mới đạt được những kết quả tốt nhất, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cố gắng, nỗ lực, đặc biệt là ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh ta. Để giúp cho bạn đọc hiểu thêm về những nỗ lực của ngành, phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lương Văn Soòng, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo.
Phóng viên: Thưa đồng chí Giám đốc, xin đồng chí cho biết, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp học, hệ thống nhà lưu trú giáo viên, nhà lưu trú cho học sinh đã được ngành chuẩn bị như thế nào để bước vào năm học mới?
Đồng chí Lương Văn Soòng:
Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, nhà lưu trú… không chỉ riêng của ngành giáo dục mà là trách nhiệm trung của toàn xã hội, chính vì thế, nhiều năm học trước nói chung, năm học 2009 – 2010 nói riêng, ngành giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương vào cuộc. Nhà trường lớp học, nhà lưu trú, bàn ghế… được thực hiện theo quy chế phân cấp quản lý, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính vì vậy, hầu hết các đơn vị rất chú ý quan tâm từ việc huy động các nguồn vốn như: Vốn từ ngân sách, từ chương trình mục tiêu, sự đóng góp công sức của nhân dân trong việc xây mới, sửa chữa trường lớp học, sửa đường giao thông, đóng mới bàn ghế… cơ bản đã đủ điều kiện bước vàonăm học mới. Toàn tỉnh hiện nay có 9.625 phòng học, đáp ứng được 91% nhu cầu, chấm dứt tình trạng 1 phòng học phải sử dụng 3 ca. Phòng làm việc, phòng học bộ môn, nhà ở của giáo viên, nhà lưu trú học sinh, bàn ghế tuy còn thiếu nhưng có thể khắc phục bằng nhiều biện pháp như: Mượn, học nhờ… không để tình trạng không có nơi làm việc, phòng ở cho giáo viên, học sinh. Về sách giáo khoa, ngành đã tham mưu với tỉnh cấp bổ sung kinh phí trên 6,7 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu, với 51.450 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 – lớp 12; cấp bổ sung 12 bộ thiết bị từ lớp 8 đến lớp 12. Ngoài ra, học sinh sử dụng sách cũ được thu hồi hàng năm theo quy định của UBND tỉnh.
Phóng viên: Số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Xin đồng chí cho biết, ngành đã có biện pháp gì để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên?
Đồng chí Lương Văn Soòng:
Giáo viên là yếu tố quyết định phần lớn về chất lượng giáo dục – đào tạo. Nhiều năm nay, đội ngũ giáo viên các cấp, các bậc học các địa phương đã chủ động cả về số lượng và chất lượng; không còn tình trạng thiếu trầm trọng và chất lượng quá yếu, kém. Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh và huyện, chăm lo đội ngũ giáo viên các cấp, các bậc học từ các khâu đào tạo, tuyển dụng, quản lý sử dụng, bồi dưỡng thường xuyên cả về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, hứng thú nghề nghiệp… Ngoài việc đảm bảo về số lượng, ngành luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng. Tập trung bồi dưỡng thường xuyên theo từng chuyên đề cho từng đối tượng, từng loại hình giáo viên dưới nhiều hình thức như: Bồi dưỡng tập trung, từ xa, tự bồi dưỡng để đạt chuẩn và trên chuẩn. Trên cơ sở đó thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết không để tình trạng giáo viên yếu, kém kéo dài mà vẫn đứng lớp.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, ngành sẽ tiến hành những biện pháp gì để nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học mới?
Đồng chí Lương Văn Soòng:
Năm học 2009 – 2010 được xác định là “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Thầy cô giáo (người dạy) và học sinh (người học) là hai yếu tố quyết định chất lượng dạy và học. Xác định như vậy, ngành đã tập trung củng cố chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Bước vào năm học mới, ngành đã tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên về chính trị tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ trong hè 2009. Quán triệt Chỉ thị năm học của Bộ Giáo dục – Đào tạo về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành; yêu cầu giáo viêm thực hiện nghiêm túc quy chế, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp quản lý, phát huy vai trò sáng tạo của mỗi cán bộ, công chức trong ngành… Đối với học sinh, sinh viên cần thực hiện tốt nội quy của nhà trường, học bài, làm bài tập đầy đủ trước khi đến lớp, phát huy vai trò tự học, tự nghiên cứu khoa học, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập; tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp do tỉnh và Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức. Ngoài học tập và rèn luyện đạo đức, các em học sinh, sinh viên phải tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn hóa, văn nghệ…
Phóng viên: Để thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh sẽ hành động như thế nào?
Đồng chí Lương Văn Soòng:
Sang năm học mới, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; triển khai thí điểm thực hiện bộ tài liệu hướng dẫn lồng ghép tích hợp nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào giảng dạy một số môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khoá ở các cấp học, trình độ đào tạo từ năm học 2009 – 2010 theo sự chỉ đạo của Bộ; xây dựng tiêu chí đáng giá giáo viên thực hiện cuộc vận động “ Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; kiên quyết xử lý các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/200/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Hai không” của ngành. Tập trung vào việc giảm tỷ lệ học sinh yếu, kém, học sinh bỏ học; triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc