Xóa bỏ loại hình trường dân lập cấp phổ thông
"Các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi để không còn loại hình trường bán công ở giáo dục mầm non; trường bán công, dân lập ở giáo dục phổ thông." Đây là một trong những nguyên tắc của quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi mô hình trường ở các hệ giáo dục mầm non và phổ thông (bao gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) vừa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành kèm theo thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT.
Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non bán công, dân lập chuyển sang mô hình tư thục, dân lập hoặc công lập. Cơ sở giáo dục phổ thông bán công, dân lập chuyển sang tư thục hoặc công lập.
Cụ thể, các trường mầm non bán công ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn chuyển sang trường công lập. Trường mầm non bán công ở vùng còn lại chuyển sang trường dân lập, tư thục. Nếu địa phương chưa có hoặc chưa có đủ trường mầm non công lập đáp ứng nhu cầu phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chuyển đổi trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập.
|
Theo thông tư mới, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông không còn loại hình trường dân lập. |
Đối với giáo dục phổ thông, trường phổ thông bán công, dân lập chuyển sang trường tư thục. Trường hợp địa phương chưa có đủ trường công lập để đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, có thể chuyển trường tiểu học, trung học cơ sở bán công sang trường tiểu học, trung học cơ sở công lập.
Tương tự, với hệ trung học phổ thông, căn cứ quy hoạch phát triển trường trung học phổ thông công lập và kế hoạch huy động học sinh học trung học phổ thông của địa phương, có thể chuyển đổi trường trung học phổ thông bán công sang trường trung học phổ thông công lập.
Như vậy, loại hình trường bán công sẽ bị xóa bỏ ở mọi cấp học. Loại hình trường dân lập chỉ có ở giáo dục mầm non.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chuyển đổi nhằm đảm bảo đủ các trường công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục đối với mẫu giáo 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở, yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội và nhân lực của địa phương cũng như nguyện vọng của người học đồng thời tranh thủ sự đầu tư của xã hội cho giáo dục.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi không được gây gián đoạn quá trình học tập của người học, tạo điều kiện tốt hơn cho nguời học ở các vùng miền, phù hợp với thu nhập của các tầng lớp nhân dân. Trường phải thông báo kế hoạch chuyển đổi trước kết thúc năm học một học kỳ để học sinh chủ động trong học tập.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 23/6/2009.
Việc chuyển đổi mô hình của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông này đã được Sở Giáo dục đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai từ năm 2006.
Theo thống kê của đơn vị này, số trường chuyển sang công lập ở hệ mầm non là 48 trường (3 trường trực thuộc sở, 45 trường thuộc quận, huyện), ở bậc tiểu học có 5 trường, bậc trung học cơ sở là 24 trường và bậc trung học phổ thông là 16 trường. Từ năm học 2007 – 2008, Thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức tuyển sinh học sinh lớp 10 bán công ở các trường công lập. Theo đó, đến năm 2010, sẽ không còn học sinh bán công trong trường công lập. Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (tại Hội nghị Sơ kết ba năm thực thiện quyết định 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và đổi mới công tác tổ chức cán bộ, quản lý cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 12/5) về chất lượng giáo dục ở các trường sau khi chuyển đổi, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Chất lượng chuyên môn ở các trường chuyển đổi được cải thiện rõ rệt. Giáo viên, cha mẹ học sinh đều phấn khởi khi trường được chuyển đổi”. |
Ý kiến bạn đọc