Trường PTCS Du Già: Cố gắng trong công tác huy động trẻ đến trường và duy trì sỹ số học sinh
16:45, 27/04/2009
HGĐT- Du Già là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh. Điều kiện địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn…
Mô hình trồng nấm rơm tại trường PTCS xã Du Già sẽ góp phần cải thiện đời sống cho các em học sinh lớp nội trú dân nuôi.
|
Những khó khăn đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục, đào tạo ở xã, nhất là việc huy động trẻ đến trường và duy trì sỹ số học sinh ở bậc học phổ thông.
Trường PTCS xã Du Già là đơn vị thực hiện công tác giảng dạy ở cả bậc Tiểu học cũng như bậc Trung học cơ sở. Toàn trường có 18 điểm trường trên 14 thôn, bản, trong đó có 1 điểm trường chính. Năm học này, nhà trường có 60 lớp, từ lớp 1 đến lớp 9 với trên 1.000 học sinh, riêng bậc Tiểu học có 51 lớp với 783 học sinh. Với một xã còn nhiều khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí thấp, điều kiện địa hình phức tạp đã ảnh hưởng đến việc huy động trẻ đến trường, duy trì sỹ số học sinh. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động là một trong những giải pháp quan trọng được nhà trường thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngay từ những ngày đầu năm học, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác này thông qua nhiều hình thức. Đội ngũ giáo viên ở các thôn, bản và cả điểm trường chính phải nắm sỹ số học sinh để đến từng xóm, từng nhà vận động các hộ gia đình cho con em mình đến trường. Công tác vận động ở những xóm xa, đường đi khó khăn, trình độ dân trí thấp, giáo viên có khi phải đi đến tận hộ gia đình vận động vài ba lần các gia đình mới cho con em mình đến trường. Cùng với đó, nhà trường đã tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các tổ chức Hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận cùng tham gia thực hiện vận động đối với các gia đình hội viên của mình. Đồng thời, chỉ đạo các thôn nghiêm túc thực hiện quy ước đưa trẻ đến trường. Nhờ có sự phối hợp các giải pháp đồng bộ giữa nhà trường và chính quyền địa phương nên công tác huy động trẻ trong độ tuổi đến trường một vài năm học gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Riêng năm học 2008- 2009, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở cả hai bậc học đạt trên 95%, đây là tỷ lệ cao so với nhiều năm học trước. Việc huy động trẻ đến trường đã khó, công tác duy trì sỹ số trong năm học còn khó hơn, nhất là ở bậc THPT. Anh Đặng Quý Hưng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “ Công tác duy trì sỹ số học sinh của trường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với bậc THCS, nguyên nhân là do các em học sinh cấp II phải ra tận điểm trường chính nên nhiều em ở các thôn xa hay nghỉ học, nhất là những ngày mưa lớn, đường sá đi lại khó khăn. Tỷ lệ nghỉ học diễn ra nhiều hơn trong những tháng mùa vụ, bởi những ngày đó, các em phải ở nhà để phụ giúp bố mẹ làm nương, làm đồng. Đối với các em học sinh các thôn vùng thấp thì duy trì sỹ số đều, khó khăn nhất là 4 thôn vùng cao: Ngài Sảng A và B; Khau Đáy; Lũng Sùa”. Để khắc phục tình trạng này, mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp phải đến tận hộ gia đình để vận động các em hay nghỉ học đến trường. Trong trường hợp các em nghỉ nhiều vì làm mùa, hay đường đi khó trong những ngày mưa gió, nhà trường nhóm các em nghỉ học lại để dạy bù, dạy đuổi chương trình cho các em nhanh chóng bắt kịp kiến thức. Từ năm học 2003- 2004 đến nay, nhà trường thực hiện mô hình trường Nội trú dân nuôi. Hình thức này không những giúp trường thực hiện việc huy động học sinh đến trường, duy trì sỹ số học sinh mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Mặc dù nhu cầu học nội trú là rất lớn nhưng do điều kiện còn khó khăn nên mô hình nội trú dân nuôi chỉ tiếp nhận những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khó có điều kiện đến trường. Năm học này nhà trường có 78 em học bán trú, trong đó có 40 em là học sinh THPT. Các em học sinh là đối tượng hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 140.000đ/tháng, học sinh gia đình trung bình được hỗ trợ 100.000đ/tháng. Ngoài ra, để duy trì lớp bán trú dân nuôi, mỗi hộ gia đình trong xã hàng năm đóng góp 50.000đ/năm, riêng hộ có con đi học bán trú đóng 100.000đ/năm. Với mức kinh phí hiện có, trong điều kiện giá cả thị trường tăng cao, nhà trường vẫn luôn cố gắng, duy trì cho các em ăn ngày 2 bữa, trong đó 1 tuần có 2 bữa ăn cải thiện có thịt và cá…Niềm vui cho các em học nội trú năm nay đó là Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp cùng với Đoàn Thanh niên xã và nhà trường thực hiện mô hình trồng nấm rơm. Một vài tháng tới, mô hình thành công sẽ góp phần cải thiện cuộc sống cho các em học nội trú dân nuôi...
Nỗ lực trong việc huy động trẻ đến trường, duy trì sỹ số học sinh đã giúp cho trường THPT xã Du Già dần nâng cao chất lượng dạy và học, tỷ lệ học sinh khá tăng lên, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm dần. Dù còn khó khăn, nhưng những gì nhà trường đã làm được hôm nay có ý nghĩa rất lớn đó là giúp cho thế hệ trẻ ở xã biết đọc, biết viết, để các em tiếp cận với những kiến mới để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Ý kiến bạn đọc