Công tác xã hội hóa trong mô hình nội trú dân nuôi ở Vị Xuyên
HGĐT- Năm học 2008-2009, huyện Vị Xuyên có 44 trường, với 3.557 học sinh nội trú dân nuôi (NTDN). Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT, UBND các xã trong công tác huy động học sinh, bố trí chỗ ở và công tác quản lý học sinh ở các đơn vị trường học.
Phòng GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm học và chỉ đạo các trường tích cực tuyên truyền về chính sách ưu tiên của T.Ư, của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho học sinh ở xa trường được hỗ trợ đối với học sinh con hộ nghèo theo QĐ 112/2007/TTg đối với học sinh mẫu giáo 70.000 đồng/học sinh/tháng, học sinh tiểu học, THCS 140.000 đồng/học sinh/tháng; đối với học sinh NTDN hưởng theo chế độ của UBND tỉnh là 100.000đ/học sinh/tháng để giảm bớt khó khăn trong học tập, nên học sinh phấn khởi, đi học chuyên cần hơn. Về phía các xã: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham gia vận động học sinh trong độ tuổi đến lớp. Làm nhà cho học sinh NTDN, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường học không thể đi, về trong ngày, có nguyện vọng xin được ở nội trú thì tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, cùng nhà trường hướng dẫn phụ huynh làm bản cam kết trách nhiệm cho con em mình. Các nhà trường rà soát tất cả các em học sinh thuộc đối tượng và vận động các em ra ở NTDN để đảm bảo cho việc dạy và học sau đó họp với phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương bầu ra ban quản lý học sinh NTDN, đề ra quy chế quản lý về con người và thực hiện chế độ cho các em.
Phong trào xã hội hóa trong việc thực hiện mô hình NTDN thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp xã hội, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc. Bà con tự nguyện đưa con em đến nội trú tại trường, tạo điều kiện thuận lợi để con em mình học tập. Tại xã Minh Tân, nhân dân đóng góp với số tiền là: 50 triệu đồng; trường CĐSP Hà Giang tặng 40 chăn bông, 35 chiếc giường đôi. Xã Thanh Thủy: Phụ huynh học sinh THCS NTDN đóng góp vật liệu làm nhà bếp, góp ván đóng 50 phản nằm; Đoàn kinh tế Quốc phòng 313 Thanh Thủy tặng 30 áo bông mới cho học sinh nội trú trị giá gần 2 triệu đồng; giáo viên trường THCS Thanh Thủy mua 20 chiếc chiếu đôi trị giá 600.000đ. Xã Thanh Đức, phụ huynh học sinh đóng góp gỗ và nhân công làm 2 gian nhà bếp; xã kéo đường dây điện từ UBND xã đến nhà lưu trú học sinh, hàng tháng chi trả tiền điện cho các em. Xã Trung Thành, phụ huynh đóng góp làm 2 gian nhà. Công đoàn Giáo dục Vị Xuyên mua 25 chăn bông cho học sinh 3 trường: THCS Ngọc Linh, Bạch Ngọc, Thuận Hòa với số tiền là 900.000 đồng.
Nhờ có chính sách hỗ trợ của T.Ư và của tỉnh, học sinh thuộc đối tượng được hưởng chế độ thuộc các xã đặc biệt khó khăn theo mô hình NTDN và trường Phổ thông Dân tộc Nội trú đã bớt khó khăn, các em được ở tập trung tại trường hoặc ở trọ quanh trường nên đi học đều hơn, giảm hẳn tình trạng bỏ học; chất lượng giáo dục được củng cố; tỷ lệ huy động và duy trì sĩ số học sinh đạt cao hơn các năm trước, giúp các địa phương hoàn thành và duy trì kế hoạch phổ cập giáo dục THCS. Với kết quả đó, mô hình này được nhân dân và xã hội đồng tình. Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với đặc điểm của một huyện có nhiều xã vùng sâu, vùng xa như Vị Xuyên, mô hình đó cần được tiếp tục củng cố và nhân rộng.
Ý kiến bạn đọc