Cuộc hội ngộ của các thế hệ “trồng người”
08:40, 20/11/2008
HGĐT- Ngày 1.11.1978,trường Thiếu nhi Rẻo cao Xín Mần được thành lập. Tháng 11.2008, trường Thiếu nhi Rẻo cao khi xưa đã trở thành trường PTDTNT huyện Xín Mần. Ba mươi năm qua, cùng với biết bao thế hệ gắn bó, biết bao con người đã sống với sự nghiệp “trồng người” trên miền đất khó phía Tây của Hà Giang.
Cô, trò trường PTDT Nội trú Đồng Văn. ảnh: Huy toán
|
Tôi có mặt trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường với hàng ngàn con người đã từng gắn bó, hàng trăm học sinh - để ghi lại “khoảnh khắc” đọng lại trong bước đường gian lao 30 tuổi trưởng thành. Nguyên Hiệu trưởng niên học 1979 - 1981 Giàng Thị Sến tâm sự: Trách nhiệm làm cán bộ quản lý những năm đầu xảy ra chiến tranh biên giới vô cùng lớn mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho. Trong đó vừa làm công tác “trồng người” lại vừa làm công tác duy trì sỹ số học sinh trong thời kỳ loạn lạc. Gần 3 năm, trường Nội trú Xín Mần phải di chuyển liên tục. Lúc đầu ở Cốc Pài, chiến tranh biên giới chuyển về Bản Ngò, chuyển xuống Nà Chì. Trường không, nhà trống, việc học tất cả “nhờ” vào dân. Với 15 thầy cô, cán bộ nuôi dưỡng, vừa làm thầy, lại thay làm mẹ, làm cô nuôi dạy trẻ. Nhà tranh, vách lá, bàn ghế bằng tre, vầu. Đêm thức làm giáo án bên ngọn đèn dầu leo lắt để “nuôi con chữ” sáng trong lòng dân. Tìm hiểu được biết, cô Sến người Mông xã Nàn Xỉn, vì không chịu cảnh nghèo hèn do thất học đã phấn đấu học tập trở thành cô giáo, nuôi con chữ lớn dần trong lòng quê hương với ước mơ ngày mai tươi sáng. Nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Trung Tuấn, cho biết: Tốt nghiệp lớp Sơ cấp Sư phạm tại xã Nà Chì, tháng 7.1989 anh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường Nội trú Xín Mần. Thời kỳ đó, trường lớp đơn sơ lắm. Từ chỗ 3 lớp 60 học sinh năm 1978, nay đã có từ lớp 1 đến lớp 8, vậy mà vẫn tranh tre, nứa lá. Duy được 1 lớp học nhà “cơ động” cột bê tông, kèo sắt, lợp lá để lại sau chiến tranh di dời từ Bản Ngò - Nấm Dẩn về Nà Chì. Ngày 2 buổi lên lớp, tối bám trường, bám học sinh. Toàn bộ gạo thóc chuyển về lấy từ huyện Bắc Quang vào. Tuy cơm chưa no, ngủ chưa ấm, sách vở chưa đủ, nhưng cả thầy trò “vẫn đủ” giờ học, tiết học. Cựu học sinh Sin Thị Huyền, nay là Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Xín Mần rãi bày: Mong muốn lớn nhất của cô học sinh nhỏ khi xưa là trở thành người thầy thuốc để cứu giúp người dân nghèo quê mình thoát khỏi bệnh tật. Ước mơ đó nay đã thành sự thật khi cô đỗ Đại học Y, chuyên khoa II. Chuyện cùng tôi, Huyền cứ nghẹn ngào về hồi ức của một thời cắp sách học ở trường Nội trú huyện. Ngày đó, gian khó, nhưng thầy và trò là một, là một cộng đồng trong ngôi nhà chung quyết tâm học để làm người có ích cho tương lai đất nước. Ngày 2 buổi học, chiều hết giờ thì trồng rau, nuôi lợn góp thêm vào bữa ăn cho cả cô, trò. Thật như... “khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền” đã nâng cánh ước mơ làm thầy thuốc của cô ngày hôm nay. Huyền tâm sự: Lòng vui khi bệnh nhân, nạn nhân vượt qua “lưỡi hái” của “tử thần” để được sống, được yêu thương cuộc sống, yêu thương con người. Tất cả những tâm sự, việc làm, sẻ chia hiện nay trong cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện của cô cựu học sinh khi xưa thật đáng chân trọng. Huyền nói: Công đó, việc làm đó “là của” thầy cô từ hơn 2 chục năm trước mang lại, ơn đó không thể quyên, không bao giờ phai! Điểm lại các cựu Hiệu trưởng, Hiệu phó có thành tích xây dựng nên trường Nội trú Xín Mần hôm nay có tới 10 lượt thầy, cô giáo. Đáng ghi nhận hơn là cả 10 trong số họ đều được vinh danh là các nhà giáo “có công” nuôi dưỡng các “nguồn lực” cho Xín Mần hôm nay phát triển. Đầu tiên là thầy Thiều Khắc Sĩ, quê Thanh Hóa, thầy Lê Xuân Vĩnh ở Thái Bình, cô Đỗ Phương Hoa ở Tuyên Quang, cô Giàng Thị Sến ở Nàn Xỉn (Xín Mần), nay là cô Phạm Thị Xuân, ở Tuyên Quang Hiệu trưởng. Chia sẻ niềm vui 30 năm Ngày thành lập trường, đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cô giáo Xuân tâm sự: Qua 30 năm kế tiếp sự nghiệp “trồng người” của các thế hệ đi trước là may mắn đối với bản thân cô, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Vẫn tôn chỉ “thầy ra thầy - trò ra trò” là bám lớp, nắm học sinh. Cùng đó là tình thương của người mẹ, trách nhiệm của người thầy. Đã 9 năm gắn với trường bao khổ, vui, buồn phiền cô đều một lòng vì công tác “trồng người” để miền Tây lớn lên cùng đất nước. Thế hệ hôm nay, khi nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh cho nhiều cựu cán bộ, giáo viên qua các thời kỳ và đương nhiệm cô càng thấm sâu một điều, điều đó chính là “lòng tâm huyết với ngành, lòng yêu nghề, quý trẻ” để “gắn với trách nhiệm cao cả mà Đảng, nhân dân giao cho... “Dù khó khăn đến mấy cũng phải dạy tốt - học tốt”. Thầy giáo trẻ Vũ Tiến Sĩ, là trường hợp ấn tượng trong ngày kỷ niệm 30 năm thành lập trường. Thầy Sĩ vốn tật nguyền 2 tay. Học xong Đại học KHXHNV, thầy xin lên Xín Mần dạy học. Thầy tâm sự: Tuy đôi tay tật nguyền, nhưng thầy đã luyện hơn 20 năm cho được “con chữ”. Còn lại đôi chân lành, cái đầu không an phận, thầy đã vượt khó để vươn lên hòa nhập cuộc sống đời thường. Công tác ở trường 6 năm, gắn môn giáo dục công dân, làm chủ nhiệm lớp 9A, thầy là gương sáng tinh thần vượt khó của ngôi trường 30 tuổi xuân đầy sức sống. Sau 30 năm thành lập, vượt khó, trường Nội trú Xín Mần đã có 12 cá nhân được nhận Bằng khen các cấp trao tặng, 85 cá nhân nhận Giấy khen... Tất cả họ làm nên một tập thể nhà trường vững mạnh toàn diện trong công tác “trồng người”. Ngày nay họ đang gắn kết nhau lại để xây dựng, nuôi dưỡng các thế hệ tương lai.
Ý kiến bạn đọc