Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề
HGĐT- Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là chủ trương, chính sách đúng đang được Đảng bộ tỉnh quyết tâm thực hiện. Bằng nhiều chương trình đào tạo với các chính sách cụ thể, tỉnh ta quyết tâm mỗi năm có hàng nghìn lao động được đào tạo. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề lại gặp những khó khăn nhất định, đó là đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện thiếu trầm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo tay nghề cho người lao động.
Cách đây hơn 2 năm, ngày 2.10.2006, BCH Đảng bộ tỉnh có Nghị quyết 02 về đào tạo, phát triển nghề, giải quyết việc làm trong nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu lao động. Mục tiêu đặt ra đến năm 2010, tất cả các huyện đều có Trung tâm dạy nghề để nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ 26%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 18% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc triển khai các biện pháp củng cố, phát triển, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, nâng cao chất lượng hoạt động của trường Trung Cấp nghề, các Trung tâm dạy nghề thì cần phải giải quyết được yếu tố cơ bản là đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Có thể khẳng định Nghị quyết 02 ra đời đã thổi luồng sinh khí mới, làm chuyển biến cơ bản về chất của công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Tất cả các huyện, thị đều xây dựng chương trình hành động và có kế hoạch đào tạo nghề cụ thể. Từ lúc chỉ có một vài cơ sở đào tạo với quy mô nhỏ, ngành nghề chưa phong phú, đến nay toàn tỉnh đã có 9 cơ sở dạy nghề (1 trường Trung Cấp nghề, 8 Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm). Các cơ sở dạy nghề ra đời, tuy hệ thống cơ sở vật chất còn khó khăn, giáo viên dạy nghề thiếu trầm trọng nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả. Mỗi năm, các cơ sở này cũng chiêu sinh được nhiều lớp đào tạo với hàng nghìn học viên tham gia các lớp nghề thiết thực trong nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, so với dân số, số người trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ qua đào tạo, có tay nghề còn khá khiêm tốn. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, đến cuối năm 2007 số lao động của tỉnh tham gia hoạt động kinh tế trên 320 nghìn người, chiếm 46% dân số. Trong đó, lao động ở lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp trên 256 nghìn người; công nghiệp - xây dựng trên 20,5 nghìn người; thương mại - dịch vụ trên 43,8 nghìn người. Tỷ lệ lao động khu vực nông thôn chiếm 89%, trong khi đó số qua đào tạo chỉ đạt 20%, còn qua đào tạo nghề chỉ đạt 13,12%.
Chiến lược đào tạo nghề đang đặt ra cho chúng ta thách thức rất lớn, đó là nhu cầu đào tạo nghề của người lao động liên tục tăng trong khi đó hệ thống cơ sở vật chất đang rất thiếu, đặc biệt là đội ngũ giáo viên dạy nghề. Theo định mức quy định về tỷ lệ học sinh/giáo viên dạy nghề quy đổi của Bộ LĐ-TBXH thì 1 giáo viên phụ trách 23 học viên học nghề. Căn cứ theo quy định này, xét vào thực tế của tỉnh thì chúng ta phải chạy “việt dã” mới có đủ đội ngũ giáo viên dạy nghề. Lộ trình đào tạo nghề của tỉnh xác định: Năm 2008 sẽ đào tạo nghề cho 8,5 nghìn người, trong đó Trung cấp nghề 750 người, Sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn 7.750 người. Như vậy, chúng ta cần phải có 250 giáo viên dạy nghề nhưng hiện toàn tỉnh mới chỉ có 85 giáo viên, thiếu 125 giáo viên so với nhu cầu thực tế. Và dự kiến đến 2015, số lao động được đào tạo nghề tăng lên 84,8 nghìn người, trong đó Trung cấp nghề là 8,8 nghìn người và Sơ cấp nghề, dạy nghề 76 nghìn người. Căn cứ vào đó, số giáo viên dạy nghề theo quy định phải có 332 người, thiếu 250 giáo viên dạy nghề so với quy định. Tính bình quân, mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề có nhiệm vụ trang bị kiến thức nghề cho 8-10 nghìn lao động cả dài hạn và ngắn hạn. So với nhu cầu này, trung bình mỗi giáo viên hiện có phải đảm nhận tới 120 học viên, gấp 5 lần so với quy định. Điều này dẫn đến sức ép tâm lý, công việc rất nặng cho giáo viên dạy nghề.
Ngoài việc thiếu về số lượng, trình độ giáo viên dạy nghề hiện nay cũng còn rất nhiều điều đáng bàn. Cụ thể, trong tổng số 85 giáo viên dạy nghề, hiện chỉ có 35 giáo viên trình độ đại học, 35 trình độ cao đẳng, 6 công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc cao… Tuy số lượng giáo viên dạy nghề được bổ sung hàng năm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng. Một số giáo viên dạy tốt phần lý thuyết nghề lại kém phần thực hành và ngược lại người dạy thực hành tốt thì khả năng sư phạm khi giảng dạy lý thuyết lại không đạt yêu cầu, kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế. Bên cạnh đó, các trường, trung tâm đào tạo nghề không chủ động được nguồn giáo viên. Tỉnh chưa có chính sách thu hút giáo viên dạy nghề có trình độ, đặc biệt là giáo viên ngoài tỉnh, giáo viên dạy giỏi lên công tác. Và điều hạn chế nhất là chúng ta chưa có chiến lược đào tạo giáo viên.
Nhằm giải “bài toán” giáo viên dạy nghề, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm kỹ thuật dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên từ nay đến 2015 và những năm tiếp theo. Có như vậy mới bổ sung được nguồn giáo viên để các cơ sở dạy nghề chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, tỉnh quyết định liên kết đào tạo 250 giáo viên trình độ cao đẳng để cung ứng cho các cơ sở dạy nghề. Như vậy, đến 2015 sẽ đáp ứng đủ số lượng giáo viên cho các cơ sở dạy nghề với tiêu chuẩn mỗi ngành, nghề đào tạo có ít nhất 2 giáo viên, đạt tỷ lệ bình quân 1 giáo viên/20 học viên.
Để đạt được điều này, tỉnh tiến hành liên kết với trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định đào tạo hệ chính quy tập trung, thời gian 3 năm. Trong đó, 30 tháng đào tạo chuyên môn, 6 tháng đào tạo chuyên sâu kỹ thuật sư phạm dạy nghề. Trong tổng số 250 học sinh tham gia chương trình đào tạo giáo viên được chia làm 3 khoá. Ngay năm học 2008-2009 sẽ tuyển sinh khoá I với 100 học sinh theo học các nghề điện công nghiệp, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển điện công nghiệp, hàn, cắt gọt kim loại…; khoá II đào tạo 100 chỉ tiêu với nghề điện tử công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh, điều hoà không khí; khoá III tuyển 50 chỉ tiêu học nghề công nghiệp ô tô. Học sinh trúng tuyển chương trình đào tạo giáo viên dạy nghề được tỉnh hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo với mức 300 nghìn đồng/học sinh/tháng. Học sinh con thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng được hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sèn Chỉn Ly, Giám đốc Sở LĐ-TBXH khẳng định: Chương trình liên kết đào tạo sẽ tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng điều kiện KT-XH khó khăn được đào tạo nghề. Bên cạnh đó, nó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển KT-XH. Qua đó, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối giữa tỷ lệ giáo viên/học sinh như hiện nay, làm cơ sở phát triển về quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo trong những năm tiếp theo. Hiện nay, Sở LĐ-TBXH đang phối hợp với các ngành chức năng, các huyện thị triển khai công tác tuyển sinh.
Ý kiến bạn đọc