Trong khó khăn, “cái chữ vẫn nảy mầm”
(HGĐT)- Trong mênh mông đá núi, hoang vu của rừng và trong muôn vàn khó khăn, gian khổ bám trụ trên mảnh đất quê hương địa đầu Tổ quốc, sống cùng cái rét của mùa đông, cơn khát của mùa khô, các thầy, cô giáo vùng cao vẫn bám trường, bám lớp “gieo trồng cái chữ” trên vùng đất khó…
Nơi ăn, học, ngủ nghỉ của học sinh và cũng là nhà kho của trường PTCS Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc. |
Chúng tôi, những Nhà báo trẻ nhưng những xã khó khăn của 4 huyện vùng cao phía Bắc gần như đều đã từng đặt chân đến. Đồng Văn là một huyện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng theo sự nhận định, đánh giá của chúng tôi, một huyện có sự nghiệp giáo dục phát triển khá vững chắc vì nhờ các cấp, ngành của huyện đã biết tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các huyện bạn nên ngay từ năm 1988, huyện đã tổ chức thành lập trường bán trú dân nuôi xã Lũng Thầu, trên cơ sở học tập mô hình trường bán trú dân nuôi xã Sủng Thài, huyện Yên Minh. Sau một thời gian thực hiện, ngành Giáo dục huyện đã thu được những kết quả đáng mừng, đồng thời huyện cũng rút ra được bài học thiết thực và từ những kinh nghiệm, kết quả đó, đến nay đa phần các xã của huyện Đồng Văn đều đã có trường học bán trú dân nuôi. Để đảm bảo chohọc sinh nội trú dân nuôi có đầy đủ điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập, các cấp, ngành và nhân dân huyện Đồng Văn đã thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các cấp, ngành từ huyện đến xã đã ra Nghị quyết tất cả các hộ gia đình trong xã đều phải có trách nhiệm tham gia đóng góp lương thực để nuôi học sinh nội trú dân nuôi theo hình thức góp bằng ngô hạt, gạo hoặc bằng tiền mặt tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, đảm bảo có đủ từ 18 - 20 kg ngô hoặc gạo/học sinh/tháng. Ngoài ra, các hộ gia đình còn góp thêm rau xanh, chất đốt cho học sinh ăn, ở tại trường… Với những việc làm thiết thực, cụ thể đó, đến nay nhìn chung tình hình ăn, ở, học tập của học sinh nội trú dân nuôi huyện Đồng Văn đã dần đi vào ổn định, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu cho thầy, cô giáo, học sinh được đảm bảo hơn. Trong đà phát triển của sự nghiệp giáo dục toàn tỉnh, huyện Mèo Vạc cũng đã có những giải pháp, đầu tư khá hợp lý nên sự nghiệp giáo dục của huyện có sự phát triển đáng kể. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho học tập, ăn, ở, sinh hoạt của thầy, cô giáo, các em học sinh và KT - VH - XH của cơ sở tại những nơi có trường nội trú dân nuôi còn rất khó khăn nên học sinh nội trú dân nuôi nơi đây ngoài được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/học sinh ra, các em học sinh không hề có sự hỗ trợ gì hơn, các em thường xuyên phải ăn, ngủ ngay tại phòng học…
Với những suy nghĩ, trăn trở của một Nhà báo trẻ tìm hiểu về sự nghiệp giáo dục, tình hình ăn, ở, học tập của các em học sinh nội trú dân nuôi, chúng tôi đã có chuyến công tác về xã Thượng Phùng và xã Xín Cái, là 2 xã vùng 3, giáp biên của huyện Mèo Vạc. Sau hơn 30km đường trèo đèo, vượt dốc chúng tôi đến với trường PTCS Thượng Phùng. Mới nhìn ai cũng nghĩ đây là một ngôi trường khá hoàn thiện về cơ sở vật chất vì hiện nay trường đã có nhà lớp học 2 tầng kiên cố, nhưng khi được cô giáo hiệu trưởng Lê Thị Thanh Xuân đưa đi tham quan trường, chúng tôi mới thấy những phòng học ở đây khác xa với những phòng lớp học ở các trường vùng xuôi. Phòng học ở đây được sử dụng với rất nhiều chức năng, ngoài làm phòng học ra, còn được sử dụng làm kho chứa lương thực và cũng chính là phòng ngủ của các em học sinh nội trú dân nuôi. Hiện nay, cả trường có 192 học sinh nội trú dân nuôi, trong khi đó, xã mới chỉ xây dựng được một nhà trình tường kê được 60 cái phản nằm, nay cũng bắt đầu đến thời kỳ xuống cấp. Đó mới chỉ là chỗ ngủ, nghỉ, học tập của các em, còn về việc ăn uống, sinh hoạt của học sinh, theo như lời cô Xuân tâm sự thì còn khó khăn hơn rất nhiều: “Theo Hương ước của xã và quy định của huyện, mỗi hộ gia đình trong xã đều phải đóng góp lương thực, chất đốt cho học sinh nội trú dân nuôi, nhưng hiện nay cả xã có 635 hộ thì có hơn 390 hộ nghèo, 163 nhà tạm… nên việc đóng góp theo quy định cho trường cũng như việc làm nhà lưu trú cho học sinh không biết đến bao giờ mới thực hiện được và nhất là năm học tới 2008 - 2009, sĩ số học sinh nội trú dân nuôi của nhà trường sẽ tăng lên 351 em, nhà trường phải cần thêm ít nhất 100 bộ chăn ấm, 100 cái phản nằm... Nếu không có sự hỗ trợ, đầu tư kịp thời thì nhà trường không biết xoay sở ra sao…?”.
Chia tay thầy, trò trường TPCS Thượng Phùng, chúng tôi đến với trường Tiểu học Xín Cái. Hiện nay, trường Tiểu học Xín Cái có 95 học sinh nội trú dân nuôi, được chia thành 3 lớp học, mà theo nhận định, đánh giá chủ quan của chúng tôi, nhà trường cũng trong tình trạng tương tự so với trường PTCS Thượng Phùng, vì ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân trong xã không đóng góp thêm lương thực cho nhà trường. Tuy chỉ với 95 học sinh nhưng cơ sở vật chất, nhà ở cho các em vẫn không đủ, hiện nay các em học sinh nội trú dân nuôi được nhà trường bố trí chỗ ăn, ngủ, nghỉ tại tất cả các phòng hiện có của nhà trường và cũng ngay cả trong phòng học…
Chia tay các thầy, cô giáo, các em học sinh nội trú dân nuôi mà chúng tôi không khỏi băn khoăn khi nghĩđến điều kiện sinh hoạt, ăn, ở, học tập của các trường học vùng cao và nhất là các xã vùng 3, vùng khó khăn và cũng thật khâm phục những cố gắng, nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo nơi đây, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tận dụng mọi nguồn lực, sự hỗ trợ để chăm lo cho các em học sinh từ bữa ăn, đến giấc ngủ như người mẹ, người chị, người anh trong gia đình chăm sóc con, em…
Để sự nghiệp giáo dục vùng cao bắt kịp với tốc độ phát triển của vùng xuôi, chúng tôi cũng như bao người có tâm huyết với ngành giáo dục thiết nghĩ cần phải có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp, ngành, đoàn thể, của từng cá nhân trong toàn xã hội để các em học sinh, thầy, cô giáo vùng cao có đủ điều kiện tối thiểu cho ăn, ở, sinh hoạt, học tập, giảng dạy và nhất là tạo được niềm tin cũng như tăng thêm lòng quyết tâm cho các thầy, cô giáo vùng cao tiếp tục bám trường, bám lớp…
Vâng, sống trong cái khó khăn đấy và hoà lẫn trong sự hoang vu, tĩnh lặng của núi, rừng vẫn vang lên những tiếng: “Ê, a..! tập đọc của các em học sinh vùng cao… đã hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn trên vùng đất khó chính nhờ vào sự nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo và chính sự cố gắng của các bậc phụ huynh, học sinh nên mặc trong gian khó, “cái chữ vẫn nảy mầm”.
Ý kiến bạn đọc