Xã hội hoá giáo dục ở Sơn Vĩ
(HGĐT)- Vượt qua hơn 200 cây số từ thị xã Hà Giang, chúng tôi đến với đến với Sơn Vĩ (Mèo Vạc) đúng vào thời điểm thầy trò các bậc học và nhân dân trong xã náo nức đón nhận đánh dấu sự trưởng thành sự nghiệp giáo dục của xã.
Bồi dưỡng cho học sinh yếu trong hè. Ảnh: HB |
Những năm gần đây, công tác xã hội hoá giáo dục ở Sơn Vĩ đã trở thành một chủ đề quan trọng và rộng khắp của các ban, ngành và cơ quan sở tại, cùng nhau dốc sức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân, từng bước tạo điểm nhấn trong sự nghiệp giáo dục. Công việc đó được thực hiện thường xuyên và kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, từng bước khắc phục cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thăm hỏi động viên kịp thời giáo viên và học sinh trong những dịp lễ tết. Các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trực tiếp phụ trách xã cùng với chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục như kết hợp với nhà trường xây dựng Hội khuyến học hoạt động theo quy định của Hội nhằm khuyến khích và hỗ trợ học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó góp phần duy trì sĩ số học sinh đến trường, đến lớp. Tiếp tục phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, cán bộ phụ trách xóm kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục theo dõi chặt chẽ, hàng tháng báo cáo tình hình cụ thể để chính quyền xã có kế hoạch triển khai kịp thời đến từng thôn bản. Sau những nỗ lực vượt bậc của cấp ủy, chính quyền địa phương và đội ngũ giáo viên, sự nghiệp giáo dục ở Sơn Vĩ đạt kết quả khả quan. Năm học 2006 - 2007, tổng số trẻ 5 tuổi đi học đạt 74,5%, tỷ lệ học sinh 11 tuổi tốt nghiệp nghiệp tiểu học vào lớp 6 đạt 93,97%, tỷ lệ huy động trẻ đến trường từ 6 - 14 tuổi đạt 90,54%, tỷ lệ học sinh chuyển lớp thực chất đạt hơn 80%. Đảm bảo tiêu chí công nhận phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở.
Chị Hoàng Thị Tương, Bí thư Đảng ủy xã, khẳng định: Sơn Vĩ là xã còn gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội, địa bàn rộng, dân cư rải rác nên việc huy động trẻ đến trường là một nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, đặc biệt là với lòng nhiệt tình yêu nghề mến trẻ của đội ngũ thầy cô giáo đã đồng cảm với những khó khăn của cuộc sống mà người dân nơi đây phải vượt qua, cùng nhau khắc phục những khó khăn chung, bởi trên địa bàn Sơn Vĩ có nhiều dân tộc cùng chung sống nên cần tuyên truyền giúp các bậc phụ huynh tạo sự chuyển biến trong nhận thức, không phân biệt giữa các dân tộc, phải cùng nhau nỗ lực vì sự nghiệp giáo dục của xã nhà. Với sự nỗ lực lớn của thầy cô giáo giữ vững quyết tâm bám đất, bám làng, đem cái chữ đến với con em Sơn Vĩ.
Ý kiến bạn đọc