Phát triển giáo dục ở huyện Hoàng Su Phì

10:11, 06/02/2007

(HGĐT)- Hoàng Su Phì hôm nay đã đổi mới thật, đổi mới từ tư duy đến cách làm ăn của mỗi người trên mảnh đất này. Vẫn những con người ấy, diện tích đất canh tác, điều kiện tự nhiên ấy nhưng tư duy, nếp nghĩ của người dân đã khác, đã biết làm ra cái thị trường cần. 


Tôi trở lại Hoàng Su Phì, mảnh đất miền Tây đầy gian khó đúng ngày nhân dân trong huyện đang nô nức đón chào sự kiện quan trọng: Huyện được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập THCS. Tại đây, tôi đã gặp nhiều người con từ mảnh đất này ra đi, đã và đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng do Đảng, Nhà nước giao phó. Quá trình đi làm báo, tôi đã đôi lần được tháp tùng những chuyến công tác của bác Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh về mảnh đất Hoàng Su Phì. Và cũng đôi lần được đến Hồ Thầu, một xã khó khăn của huyện, mảnh đất đã nuôi dưỡng những năm tháng tuổi thơ của bác Thanh để nghe niềm trăn trở, suy tư. Sinh ra, lớn lên ở Hoàng Su Phì, bác Thanh hiểu những nhọc nhằn trong cuộc sống của người dân. Nhọc nhằn vì vùng đất khó, quanh năm cấy trồng vẫn chưa no cái bụng. Nhọc nhằn trong hành trình đưa cái chữ về bản. Người dân không biết chữ, không biết đến tiến bộ KHKT và cũng không chủ động trong mọi việc. Cách làm ăn nhỏ, quảng canh theo tư tưởng tự cung tự cấp nên không thúc đẩy được kinh tế phát triển. Lần nào về Hoàng Su Phì, về Hồ Thầu bác Thanh cũng dành thời gian nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và người dân để mọi người cùng suy nghĩ hướng đi nào để thoát nghèo bền vững, làm gì để mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành đúng như lời Bác Hồ dạy.... Gặp lại bác Thanh ở Hoàng Su Phì lần này, bác nói “Quê mình đổi mới rồi”! Vâng Hoàng Su Phì hôm nay đã đổi mới thật, đổi mới từ tư duy đến cách làm ăn của mỗi người trên mảnh đất này. Vẫn những con người ấy, diện tích đất canh tác, điều kiện tự nhiên ấy nhưng tư duy, nếp nghĩ của người dân đã khác, đã biết làm ra cái thị trường cần.

 

Trong một chuyến công tác vào miền Tây, có đồng chí lãnh đạo huyện Xín Mần đã so sánh: Cùng là huyện miền Tây, cùng điều kiện như nhau nhưng tư duy sản xuất, chuyện làm ăn buôn bán của Hoàng Su Phì có phần nổi trội hơn. Nguyên nhân cơ bản do nền giáo dục của Hoàng Su Phì đã có truyền thống nhiều năm. Đem điều này trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Lù Tờ Lìn, anh khẳng định: Giáo dục của huyện tuy có khởi sắc nhưng vẫn còn vô vàn khó khăn. Có được thành quả ngày hôm nay là sự nỗ lực của các thầy cô giáo, các cấp chính quyền và người dân ở các địa phương. Nghe anh nói, tôi nhớ ngày xuống Tả Sử Choóng, xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện rất khó khăn. Một ngôi trường cấp hai làm nhiều năm không xong, để lại một công trường ngổn ngang đầy cát, gạch, cỏ dại, cùng với nó là sự thiếu thốn về phòng học, chỗ nội trú và nơi ăn ở của giáo viên. Giáo viên chủ yếu người ở xa đến, chỗ ở không có phải đi ở nhờ. Một dãy nhà ngang được cải tạo ngăn làm khu nội trú, mỗi phòng lại được ngăn đôi cho các cặp vợ chồng ở. Thế nhưng năm nào xã cũng hoàn thành tốt sự nghiệp giáo dục, nhận thức của người dân thay đổi, KHKT được ứng dụng vào sản xuất, từ đó đời sống người dân cũng dần khá lên. Rồi còn nhiều nơi nữa, từ các xã biên giới như Bản Máy...cuộc sống người dân vẫn vô vàn khó khăn nhưng giáo dục cũng đang “cất cánh”. Có được điều, ngoài sự đầu tư từ các nguồn vốn của T.Ư, của tỉnh thì điều quan trọng hơn đó là nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương. Sự học đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân. Vì vậy, hệ thống trường lớp không ngừng được phát triển. Năm học 2006-2007, huyện đã thành lập thêm 4 trường mầm non, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến mẫu giáo đạt 80%, trẻ từ 6-14 tuổi đến trường đạt 98%, trong đó, huy động trẻ đúng 6 tuổi vào lớp 1 đạt 94%. Hiện nay, ngành học mầm non của huyện đã có 18 nhóm trẻ với 154 cháu, mẫu giáo mở được 166 lớp, huy động được 2.466 cháu. Tiểu học mở 442 lớp với 7.245 học sinh. THCS có 125 lớp, huy động 3.290 học sinh. THPT có 26 lớp với 998 học sinh...đây là những cơ sở quan trọng để huyện thực hiện thắng lợi những kế hoạch đề ra. Chẳng hạn như trong công tác xuất khẩu lao động, năm 2005, huyện chưa triển khai chương trình này nhưng đã có 4 lao động đi xuất khẩu. Đến nay, toàn huyện đã có 48 người đi xuất khẩu, 18 xã, thị trấn có người tham gia xuất khẩu. Điều này đã khẳng định  khi giáo dục đến với mọi người, mọi người biết chữ, nhận thức được nâng lên thì mọi việc đề ra rất dễ đi vào cuộc sống.

 

Làm việc với Chủ tịch UBND huyện Triệu Tài Vinh, anh cho biết: Huyện luôn coi giáo dục là nền tảng của sự phát triển. Muốn thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, muốn nghị quyết thực sự bén rễ ở cơ sở thì tư duy nhận thức của người dân phải được nâng cao. Trong điều kiện của huyện còn nhiều khó khăn nhưng huyện luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục với phương châm: Một người biết chữ là biết thêm cách làm ăn, rồi truyền lại cho người trong gia đình, thôn xóm thế là kiến thức mới đến với mọi người. Nhờ vậy, việc nuôi con lợn, con gà, con bò...cũng hiệu quả hơn. Khi người dân có tri thức thì trồng cây lúa, ngô, đậu tương cũng cho năng suất cao hơn, cũng trở thành hàng hóa. Chủ tịch Triệu Tài Vinh khẳng định: Trong phát triển nông nghiệp, huyện đã tìm ra hướng sản xuất mang tính hàng hóa, gắn sản xuất hàng hóa với thị trường. Các sản phẩm của nền nông nghiệp như gạo nếp đặc sản, củ cải đường, đậu tương, bí xanh trồng trên địa bàn huyện đã tìm được đầu ra ổn định, có đơn vị bao tiêu sản phẩm. Trong năm qua, huyện đã xuất được hàng trăm tấn đậu tương, bí xanh và hàng chục tấn gạo hàng hóa... Việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn do người dân và các HTX đảm nhiệm, huyện chỉ cho cơ chế và tổ chức cho người dân, các HTX đi tìm kiếm thị trường, đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, người dân đã nhận thức được hiệu quả của việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Trước khi quyết định gieo trồng cây gì, nuôi con gì, người dân cũng luôn tính đến giá trị thực tế của nó. Cầm tay chỉ việc, giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức đoàn thể đến các cấp chính quyền địa phương đã được huyện quán triệt và tổ chức thực hiện nên đã tạo ra những tác động lớn. Đến Hoàng Su Phì hôm nay, ta luôn bắt gặp không khí thi đua lao động sôi nổi...tất cả đã tạo lên nhịp sống mới trên mảnh đất này. Những thành quả đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành giáo dục trong việc nâng cao trình độ, nhận thức của người dân.

Rời Hoàng Su Phì, tôi cứ nhớ mãi lời nói của Chủ tịch UBND huyện Triệu Tài Vinh: Giáo dục phát triển đã tạo ra nhiều thuận lợi cho mảnh đất này. Chúng tôi đã tìm ra lời giải cho sự phát triển bền vững đó là phải nâng cao trình độ, nhận thức của người dân trong các lĩnh vực. Mọi người cùng có tri thức, cùng vào cuộc thì chắc chắn sẽ mang đến những thành công. Điều này đã được chứng minh bằng sự tăng trưởng nền kinh tế của huyện trong năm qua. Năm 2006, một năm đầy những khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi có tác động trực tiếp và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng của huyện vẫn đạt 12,54%, tổng sản phẩm xã hội đạt 223,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đã đạt 3,96 triệu đồng/người/năm, lương thực bình quân đạt 410kg/người/năm.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các trường Sơ kết học kỳ I
Ngày 20.1, trường THPT Lê Hồng Phong tổ chức sơ kết học kỳ I năm học 2006-2007.
23/01/2007
nhiều biện pháp chống “bệnh thành tích” trong học tập
Có thể nói từ khi Bộ GD - ĐT ra chỉ thị và thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã được ngành GD - ĐT và đông đảo các trường trong tỉnh nhiệt tình tham hưởng ứng.
23/01/2007
Trường PTCS xã Bản Nhùng nâng cao chất lượng dạy và học
(HGĐT)- Thời gian qua, trường PTCS xã Bản Nhùng (Hoàng Su Phì) đã không ngừng khắc phục khó khăn, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó để bảo đảm việc học tập cho các em học sinh, nhà trường đã thực hiện nội trú dân nuôi gắn với việc tăng cường công tác quản lý học sinh có hiệu quả.
23/01/2007
Trường tiểu học Trần Phú I sơ kết học kỳ I
(HGĐT)- Sáng 13.1, Trường tiểu học Trần Phú I (TXHG) đã sơ kết học kỳ I, năm học 2006-2007. Trong học kỳ I, trường đã đạt được những thành tích đáng khích lệ như: Tổ chức dự giờ được 86 tiết dạy, trong đó giỏi 53 tiết, còn lại là khá và trung bình.Đ
22/01/2007
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.