Có một người nhớ ngựa vùng cao
(Xuân Giáp Ngọ)- Ngựa từ lâu đã có chỗ đứng trong gia đình các dân tộc vùng cao. Ngựa giúp thồ hàng, đưa bố lên nương, đưa bé đến trường và giúp mang lại tiếng cười trong những ngày đầu năm mới.
Tôi biết điều này khi xuống xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang (Hà Giang) xem giải đấu ngựa do một doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức. Nghe doanh nghiệp, tưởng người đâu xa, hóa ra con em trong xã. Chuyện bên tách trà ông kể, Bằng Hành xưa nằm sâu trong thung lũng. Muốn ra ngoài, người địa phương chỉ có hai cách hoặc xuôi theo sông Lô, hoặc cưỡi ngựa theo lối mòn qua núi. Đi lại khó khăn, quanh năm người dân chỉ quanh quẩn trong xóm, thi thoảng lắm các cụ mới dong ngựa ra huyện, chủ yếu để nộp thuế rồi về.
Đấu ngựa ở Bằng Hành.
Vào những ngày mưa, đường sá trở nên nhầy nhụa. Đường đến trường của trẻ nhỏ vì thế khó khăn hơn. Những nhà có ngựa, đến mùa mưa thường dành ngựa chở con đi học. Đường từ xã đến trường phải qua cầu Sảo. Mùa nước nông, trẻ vẫn lội qua. Đến mưa, không có ngựa trẻ con chỉ biết đứng bên này sông để khóc. Một vài đứa trẻ trong xã ngậm ngùi chia tay thầy cô, cũng chỉ do thiếu ngựa đến trường.
Người vùng cao không có đất bằng phẳng. Họ phải leo ngược lên đỉnh núi tìm đất làm nương. Lối lên núi đầy đá, thõng hai tay đi ngược đã mướt mồ hôi, huống gì gùi cõng. Một năm lăn lộn, ngày thu hoạch họ đóng ngô lúa vào bao, nhờ ngựa thồ về. Trong bờ rào, người, ngựa có hai khu ở riêng biệt. Chỉ lợn gà, trâu bò được ở chung một chuồng.
Những ngày lễ tết, như người dưới xuôi, đồng bào ở Bằng Hành cũng nấu những món ăn ngon, mặc áo mới, đi lại thăm nhau để gửi những lời tốt đẹp. Khi gặp gỡ, tùy mức độ thân thiết người ta tổ chức những trò chơi. Trong các trò chơi xuân của người Bằng Hành nói riêng, và vùng lân cận nói chung đều có trò đấu ngựa.
Ông bạn già của tôi đến đây hào hứng hơn hẳn. Ông đứng dậy, vung tay chỉ đám đất rộng trước nhà, kể tiếp: Sau mâm cơm tết, các cụ thường bắt cặp đưa ngựa ra sân để đấu. Trước khi đấu phải đi sang hàng xóm mượn con ngựa cái. Giống ngựa phải thế. Chỉ khi có con cái, chúng mới lao vào cắn xé nhau để vừa thể hiện sức mạnh, vừa để tranh cướp bạn tình.
Những cuộc đấu ngựa ngày tết diễn ra theo từng nhóm nhỏ. Phần thưởng cho người lớn có khi chỉ là những chén rượu để ngày tết thêm xuân. Còn với trẻ nhỏ và phụ nữ, có khi chỉ là những tràng pháo tay, những tiếng cười giòn tan xua đi mệt nhọc sau một năm vất vả. Kết thúc cuộc đấu thường là vui, nhưng thi thoảng cũng để lại chút thương xót, nhất là khi ngựa tung đòn hiểm. Ngựa đấu dũng mãnh hơn trâu chọi. Ngựa có những cú đá hậu, nếu vào chỗ hiểm có thể gây ra cái chết cho đối phương. Khi con ngựa vô tình, các chủ ngựa chỉ biết bắt tay chuẩn bị... cho một cuộc vui khác.
Gắn bó với quê, đau đáu với kỷ niệm của những ngày xưa cũ, gần cuối đời ông quay về nơi chôn nhau cắt rốn gửi gắm chút tình. Lối mòn xưa nay đã thành đường, ô tô từ huyện chạy thẳng vào đến xã. Ngơ ngác nhìn quanh, chẳng nhà nào còn chuồng ngựa. Thú chơi xưa càng lúc càng khó tìm. Trở lại vườn xưa, ông cho đắp những con đường đất chạy dọc hàng chè để thi thoảng được buông cương như hồi trẻ trâu thong dong yên ngựa.
Chưa hết, cạnh hồ nước lớn ông cho dựng một sân đấu. Đằng đẵng nửa năm trước, ông rong ruổi Sơn La, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn... chọn tìm giống ngựa tốt. Rằm tháng Bảy, nhiều người tròn mắt khi ông mở giải đấu ngựa to nhất vùng. Giữa cuộc chơi của 30 chú tuấn mã, ông dõng dạc tuyên bố sẽ tổ chức giải mỗi năm hai lần, vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy.
Vậy là từ trò chơi của nông phu, giờ đây đấu ngựa quê ông đã được nâng tầm thành giải đấu cấp huyện, được đăng ký thương hiệu hẳn hoi. Dù không to bằng các giải đấu ở nước ngoài, nhưng giải đấu của ông đã mở đường cho nhiều dự định khác. Đó là góp phần gìn giữ sức sống quê nhà, tạo thêm sản phẩm du lịch trên tinh thần vì một Hà Giang giàu, đẹp.
Ý kiến bạn đọc