Hộ lan đá trên Cao nguyên đá
HGĐT- Công viên Địa chất Toàn cầu(CVĐCTC) - Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn vốn được biết đến với vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của tự nhiên và là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao; diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú; có bản sắc văn hoá cũng hết sức độc đáo và ấn tượng như văn hoá của dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao...
Cao nguyên đá cũng là nơi có nhiều di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, núi Đôi Quản Bạ... làm nức lòng du khách đến rồi lại muốn đến nữa.
Hàng rào đá - nét đặc trưng của miền đất, tập quán sinh sống của bà con các dân tộc Cao nguyên đá Đồng Văn.
Cùng những yếu tố trên, điểm hấp dẫn du khách trong, ngoài nước chính từ những cung đường, con đèo lưng chừng núi với những bờ vực sâu hút mắt đầy mê hoặc. Tuy nhiên, đó cũng chính là một trong những mối nguy hiểm với du khách. Và, “bài toán” về giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch CNĐ nhưng vẫn mang nét đặc trưng miền đất, tập quán sinh sống của bà con nơi đây đã được đưa ra tại Hội nghị bàn các giải pháp xây dựng và phát triển CVĐCTC CNĐ Đồng Văn. Riêng vấn đề xây dựng hộ lan trên các tuyến Quốc lộ, 4 phương án đã được bàn, nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương, gồm: Trồng cây xanh, ụ bê-tông, hộ lan mềm bằng tôn lượn sóng và hàng rào đá.
Hình ảnh hàng rào đá trên CVĐCTC CNĐ Đồng Văn đã trở thành quen thuộc, không chỉ với chính đồng bào các dân tộc nơi đây, mà mỗi hàng rào đá còn là điểm nhấn tạo ấn tượng mạnh với du khách. Do vậy, vấn đề bảo tồn và phát triển bờ rào đá được chính quyền từ tỉnh xuống các xã, thị trấn đồng thuận và đặc biệt quan tâm. Bởi, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất và cuộc sống thường ngày, từ rất xa xưa đồng bào các dân tộc vùng cao đã biết sử dụng đá xếp thành hàng rào, vừa để tạo hành lang bảo vệ nhà, nhốt vật nuôi, vừa chống xói mòn đất. Trải qua thời gian, cùng với bàn tay khéo léo, bờ rào đá trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, lao động của người vùng cao. Việc quyết định duy trì, phát triển bờ rào đá của tỉnh cũng đúng theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia với tỉnh ta chuẩn bị cho tái đánh giá tư cách thành viên đối với CVĐCTC CNĐ Đồng Văn. Đặc biệt, tại những đoạn đường nguy hiểm cần phải xây dựng hộ lan.
Trao đổi với phóng viên ngay tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: “Xây dựng hàng rào đá làm hộ lan là rất phù hợp thực tế, điều kiện tự nhiên của CNĐ nên thời gian tới, huyện Mèo Vạc cùng các huyện trên CNĐ sẽ tập trung tuyên truyền, coi đây là yêu cầu cấp thiết, quan trọng chuẩn bị cho việc tái đánh giá. Tuy nhiên, xây dựng hộ lan thế nào là việc cần có sự bàn bạc kỹ lưỡng, bởi cần một khối lượng đá lớn, mặc dù giá thành rẻ và tạo được công ăn việc làm cho người dân nhưng cần có sự quản lý tốt các điểm lấy đá để không phá vỡ cảnh quan. Đồng thời, tỉnh cũng cần có chỉ đạo thống nhất cho cả 4 huyện CNĐ về cách làm và các điểm khai thác đá...”.
Thực tế cho thấy, phát triển hộ lan mềm bằng hàng rào đá là việc làm cho nhiều kết quả, chi phí thấp hơn, dễ triển khai so với các hình thức khác. Nếu xây dựng bằng tôn lượn sóng chi phí ước khoảng 1,2 tỷ đồng/km; bằng trồng cây xanh cũng phải mất từ 3 đến 4 năm. Để thực hiện 1km hộ lan bằng hàng rào đá chi phí khoảng 300 triệu đồng. Vấn đề quan trọng chính là cách thức tổ chức thực hiện như thế nào cho hợp lý, phù hợp quy hoạch tổng thể CNĐ. Trong đó, vấn đề mẫu thiết kế đối với hộ lan cần được tỉnh và các sở, ngành chuyên môn tổ chức thực hiện trước một bước; việc lựa chọn địa điểm xây dựng, quy hoạch vùng khai thác đá xếp hàng rào cũng cần được đặc biệt quan tâm, tránh tình trạng xâm hại CNĐ. Riêng vấn đề xây dựng và nhân công thực hiện, chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Mua Sè Sính, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, được biết: “Về vấn đề hộ lan bằng hàng rào đá thay thế hộ lan bê-tông hay sắt là phù hợp nhất đối với địa bàn CNĐ; tạo được công ăn, việc làm cho bà con địa phương, tận dụng được vật liệu sẵn có. Chắc chắn người dân sẽ nhiệt tình thực hiện và tự quản lý, bảo vệ cũng như tu sửa theo khu vực mình sinh sống, cá nhân tôi rất đồng tình...”.
Qua đánh giá, nghiên cứu thực tế và thảo luận, thống nhất quan điểm tại Hội nghị bàn các giải pháp xây dựng và phát triển CVĐCTC CNĐ Đồng Văn, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đồng tình với việc phát triển hộ lan trên vùng CNĐ với 4 hình thức chính: Hộ lan cứng bằng các ụ bê-tông, hộ lan mềm bằng tôn lượn sóng, trồng cây xanh và hộ lan bằng hàng rào đá. Tùy vào điều kiện thực tế, có thể lựa chọn hình thức xây dựng phù hợp, đồng thời tạo nét đặc trưng phát triển du lịch. Thời gian từ nay đến giữa năm 2014, các chuyên gia Mạng lưới CVĐCTC sẽ vào tái đánh giá tư cách thành viên đối với CNĐ Đồng Văn, không còn nhiều. Do đó, công tác chuẩn bị tốt các điều kiện vô cùng cấp bách và phải được thực hiện, triển khai nhanh chóng. Bởi đây không chỉ là việc xây dựng thương hiệu du lịch địa chất CNĐ, mà còn là biện pháp giải quyết công ăn, việc làm cho người dân trước tình trạng bà con vùng cao đi lao động tự do trong thời gian nông nhàn...
Ý kiến bạn đọc