Đường lên Tây Bắc đẹp lạ kỳ!
Đường lên Tây Bắc quanh co, trắc trở nhưng cũng rất đỗi thơ mộng. Những đồi cọ rừng chè, đồng xanh ngào ngạt, những cao nguyên đá của Hà Giang, những hang núi với nét đặc sắc văn hóa dân tộc… là nguồn cảm hứng bất tận cho du khách thích khám phá.
Hành trình đi qua các điểm du lịch nổi tiếng theo quốc lộ 2: Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm và cảm xúc thú vị.
Đi qua Bắc Quang, nơi nổi tiếng với vị cam sành. Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Bắc Quang, thứ đến mới là chè. Đến thị xã Hà Giang theo cung đường 4C tới cổng trời Quản Bạ. Bạn sẽ ngây người trước cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây. Rồi Phố Cáo, Sà Phìn với những bí ẩn khiến lữ khách luôn tò mò khám phá. Chỉ một cung đường này thôi đã khiến bao nhiêu con tim muốn khát khao chinh phục.
Vừ Thị Hương, cô gái hướng dẫn viên du lịch người bản địa đi không biết mỏi. Cô gái người Mông này say sưa giới thiệu với khách những nét đẹp, nét riêng mà không đâu có được ngoài Hà Giang. Đó là Nhà Vương, Sủng Là và ngôi nhà ẩn khuất trong bờ rào đá, bối cảnh phim “Chuyện của Pao”. Ngôi nhà đó là nhà người bác họ của Hương. "Nhà của Pao" trở thành một trong những địa điểm không thể bỏ qua trên cung đường khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trải qua bao đời, sinh sống bên những sườn núi cao, những ngôi nhà trình tường của người H’Mông như thế vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, hấp dẫn và lôi cuốn du khách.
Con người và cảnh vật đều rất giản đơn, bình dị, không có những dãy nhà cao tầng mà chỉ có núi và núi. Núi thẳng đứng, núi trùng trùng điệp điệp, núi cao nối tiếp núi cao. Không những khác về quang cảnh mà cách sinh hoạt của con người nơi đây cũng rất khác. Họ giản đơn hòa mình vào thiên nhiên. Con người mưu sinh trên từng vách đá mà vẫn tươi tắn, hồn nhiên, đầy sức sống, chân thật và rất thân thiện.
Con đường từ Quản Bạ lên tới Đồng Văn đẹp như mơ, rất êm đềm, có sông xanh núi thẫm… Chợ Lũng Phìn họp tuần một lần đây là điểm dừng chân không thể bỏ qua cho du khách trước khi tới Đồng Văn, Lũng Cú. Hàng tháng, các chuyến xe từ miền xuôi Nam Định, Thái Bình vẫn lên đây đều đặn. Dù đã ít nhiều có sự giao thương với các vùng miền khác, nhưng chợ vẫn mang đậm nét chân chất, hồn hậu, chất phác của một phiên chợ vùng cao. Người ta dễ dàng nhận ra sắc màu của dân tộc Mông ở chợ phiên này.
Ngay từ sáng sớm, bà con từ khắp các thôn bản đã gùi hàng hoá tới chợ sắp xếp theo đúng khu vực bày bán. Các chàng trai, cô gái có vẻ “đủng đỉnh” hơn chút, diện những bộ váy áo đẹp nhất xuống chợ.
Qua chợ Lũng Phìn là tới Đồng Văn, khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ XX, ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến.
Không giống với các khu phố cổ dưới xuôi, bức tranh khu phố cổ Đồng Văn được thể hiện trên nhiều gam màu, thay đổi theo từng cung bậc thời gian trong một ngày. Buổi sáng, bức tranh độc đáo ấy được pha trộn tài tình bởi hai tông màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.
Khi trời đất ngả chiều, sự yên bình cố hữu lại bao trùm khu phố cổ giữa lòng cao nguyên đá. Đêm đến ánh đèn dầu từ mỗi chiếc bàn chỉ đủ soi lờ mờ. Trong không gian ấy đôi khi có tiếng kèn môi của chàng trai Mông trong giai điệu gọi bạn tình.
Phố cổ Đồng Văn không quá lớn nhưng đủ rộng để chứa nhiều người; và rộng hơn để chứa cả những tâm hồn thênh thang ở trên cao nguyên đá hay những con người phương xa đã chót cảm mến nơi này. Lên Hà Giang để cảm nhận mới thấy hết những điều thú vị ấy.
Ý kiến bạn đọc