Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch để tạo bước đi bền vững
HGĐT- Tỉnh ta được biết đến là địa bàn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch mà nhiều địa phương khác không có được. Để khai thác tiềm năng ấy, từ năm 2003, chúng ta đã có Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn đến 2010, định hướng đến 2020.
Có thể nói, Quy hoạch đã đem đến những định hướng quan trọng cho việc phát triển du lịch thời gian qua, đưa du lịch trở thành một trong những ngành có vị trí quan trọng, chiến lược góp phần không nhỏ vào việc phát triển KT – XH của tỉnh. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển, một số nội dung quy hoạch phát triển du lịch đã bộc lộ những hạn chế. Theo ngành VHT&DL, đánh giá 10 năm thực hiện quy hoạch, không ít khó khăn trong lĩnh vực du lịch vẫn chưa có giải pháp giải quyết; ngành du lịch vẫn chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, có thể thấy một thực tế hiện nay, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh. Tính cạnh tranh cũng ngày càng nhiều trong các hoạt động phát triển kinh tế. Cùng với sự hội nhập mạnh mẽ của đất nước, Hà Giang ngày càng được bè bạn trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Đặc biệt, chúng ta có sự kiện Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu; Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận là di sản văn hóa Quốc gia... Năm 2013 này, Hà Giang được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn 2030. Đó là những cơ hội rất lớn để du lịch Hà Giang tận dụng, phát triển. Cùng với đó, nhìn vào điều kiện thực tế ở Hà Giang, việc phát triển ngành du lịch sẽ là một trong những hướng đi bền vững nhất cho địa phương. Trước thực tế đó, du lịch Hà Giang cần thiết phải được quy hoạch với tầm nhìn dài hơi để đáp ứng với xu thế phát triển KT – XH của tỉnh hiện nay và phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch chung của đất nước giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030.
Trên cơ sở đó, để chuẩn bị cho việc xây dựng Quy hoạch làm mục tiêu phát triển bền vững cho ngành du lịch, thời gian qua ngành VHTT&DL đã nỗ lực xây dựng Đề cương quy hoạch tổng thể, liên hệ với các đơn vị phối hợp thực hiện quy hoạch. Ngày 5.7.2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1313, phê duyệt Đề cương, Dự toán quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh về Đề cương quy hoạch, nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sẽ dựa trên việc phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển du lịch của tỉnh ta trong giai đoạn từ 2006 – 2012. Ngành chức năng sẽ xây dựng 3 phương án Quy hoạch để lựa chọn 1 phương án. Tiếp đó, về phần định hướng đầu tư phát triển du lịch, sẽ quy hoạch khu vực ưu tiên đầu tư; các lĩnh vực ưu tiên đầu tư; các dự án ưu tiên đầu tư. Quy hoạch cũng sẽ phải tập trung đánh giá tác động môi trường và đề xuất giải pháp bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cũng sẽ chỉ ra các nhóm giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch như: Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư; nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm; nhóm về liên kết phát triển du lịch; nhóm giải pháp về tổ chức quản lý quy hoạch...
Thực hiện Quyết định phê duyệt Đề cương quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của UBND tỉnh là một nhiệm vụ và trách nhiệm lớn của ngành VHTT&DL cùng với các ngành chức năng, các đơn vị cùng phối hợp, nỗ lực để năm 2013 sẽ hoàn thành Quy hoạch tổng thể phục vụ cho việc phát triển du lịch Hà Giang. Theo đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, để Quy hoạch có thể đạt được hiệu quả cao nhất, gắn với thực tiễn thì Quy hoạch tổng thể không nên làm một cách dàn trải. Sau khi hoàn thành Quy hoạch, cần thực hiện tuần tự là việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, tiếp đó mới đến việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá. Chúng ta chưa vội quảng bá ầm ĩ trong khi điều kiện thực tế là sản phẩm du lịch của chúng ta chưa thể đáp ứng được với nhu cầu của khách. Làm như thế, việc phát triển du lịch sẽ không được bền vững. Chúng ta cũng cần phải có sự lựa chọn sản phẩm du lịch để đầu tư, xây dựng. Cần thực hiện tốt Chương trình phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2013 – 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Để có thể thu hút đầu tư phát triển du lịch ở tỉnh ta, cần phải xây dựng được chính sách thu hút đầu tư cụ thể, thuận lợi, nghĩa là chúng ta cần có một mặt bằng đầu tư tốt để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Có như thế, doanh nghiệp mới tạo ra sản phẩm du lịch để địa phương cùng hưởng lợi, tạo bước đi bền vững cho ngành du lịch.
Ý kiến bạn đọc