Xứng đáng niềm tự hào “Vịnh Hạ Long trên cạn”

08:20, 27/06/2013

HGĐT- Vịnh Hạ Long ở miền đất Quảng Ninh vinh dự là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” cũng vinh dự là thành viên Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu. Đó là niềm tự hào của mỗi người dân Quảng Ninh, Hà Giang nói riêng, của người Việt Nam nói chung mỗi khi nói với bè bạn quốc tế về quê hương mình.


Không thể tả hết những vẻ đẹp của 2 Vịnh Hạ Long, mỗi nơi có một sức hút riêng đối với du khách. Khác với Vịnh Hạ Long dưới nước, CNĐĐV của Hà Giang chứa đựng nhiều cảnh đẹp tiên bồng cũng như chất chứa bao nỗi nhọc nhằn của miền trần gian khắc nghiệt. Nhưng, đặt chân tới cả 2 Vịnh Hạ Long, ta đều thấy một dáng hình đất nước. Nơi con Lạc cháu Hồng vẫn mải miết trong cuộc trường chinh của lịch sử và sự sống.

 


Sương sớm trên thị trấn Tam sơn (Quản Bạ).


Trong hành trình đưa rồng cất cánh, Vịnh Hạ Long đã có một chiến lược mạnh mẽ. Ngoài những ưu ái của tự nhiên ban tặng ở một vị trí “đắc địa”, trở thành sức hút cực lớn đối với du khách, thì cách làm, cách giới thiệu về Vịnh Hạ Long cũng cho thấy Quảng Ninh thật sự chuyên nghiệp. Cách đây không lâu, trong cuộc đua để trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, ngoài sự vào cuộc tích cực của T.Ư, của Bộ VHTT&DL, tỉnh Quảng Ninh đã có một cách làm hết sức hiệu quả, đó là nhiều cơ quan, ban ngành của tỉnh đều có sự thông tin đến các đồng sở, ngành ở các địa phương trong cả nước trong việc bầu chọn cho Vịnh Hạ Long thông qua hệ thống bình chọn trên internet. Ví dụ như Báo Quảng Ninh đã có công văn gửi trực tiếp cho Báo Hà Giang và các báo khác. Ngoài giới thiệu về Vịnh Hạ Long còn nêu ý nghĩa, trách nhiệm trong việc bầu chọn cho kỳ quan thiên nhiên này. Đó như là một niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt chúng ta. Chính những thông điệp ấy của Quảng Ninh, góp phần đưa hình ảnh Vịnh Hạ Long đến với bè bạn trong và ngoài nước sâu đậm.

 

Nhìn về CNĐĐV – “Vịnh Hạ Long trên cạn” trong thời gian qua, với những nỗ lực tột bậc của Hà Giang và các bộ, ngành T.Ư. Chúng ta đã không ngừng tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu. Vì thế, lượng du khách trong và ngoài nước đến CNĐĐV ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cũng cần nhìn vào thực tế, việc tuyên truyền, quảng bá của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu suất mạnh nhất. Trong điều kiện của một địa phương còn khó khăn nhất cả nước, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tuyên truyền như: Báo Hà Giang, Đài PT – TH Hà Giang, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, các nhà báo, nhà nhiếp ảnh, những người nghiên cứu CNĐĐV..., thì việc cùng vào cuộc và ý thức tuyên truyền ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa đồng đều. Chỉ cần lấy ví dụ ở không ít nơi trong tỉnh, hỏi nhiều cán bộ, thầy cô giáo, học sinh, người dân, có không ít người vẫn chưa biết được CNĐĐV là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu mà chỉ biết CNĐĐV là... Cao nguyên đá. Có không ít thanh niên khi được hỏi CNĐĐV gồm những huyện nào, có em trả lời mơ hồ, hình như gồm Đồng Văn, Mèo Vạc...

 

Với nhận thức của một bộ phận người dân đã vậy, với các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến địa phương, trách nhiệm tuyên truyền cũng cần phải bàn tới. Trong khi chúng ta đang đẩy mạnh việc tin học hóa, tỉnh nhiều lần chỉ đạo mạnh các sở, ngành cần xây dựng các trang thông tin điện tử để phục vụ cải cách hành chính. Đến nay, nhiều sở, ngành, địa phương đã xây dựng được trang thông tin điện tử của mình, có thể nói về rất nhiều trang thông tin đang hoạt động của các ngành, địa phương, đơn vị như: VHTT&DL, Y tế, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường, Công thương, Khoa học và công nghệ, Tài chính, Ngoại Vụ, Điện lực tỉnh, thành phố Hà Giang, huyện Bắc Quang, trang thông tin Công ty Xăng dầu Hà Giang... Tuy nhiên, trong số đó rất ít trang giới thiệu về Công viên địa chất CNĐĐV, có trang có giới thiệu nhưng lại rất sơ sài. Trong thời đại internet như hiện nay thì cả một “binh chủng” mạng như vậy chẳng mấy quan tâm đến việc giới thiệu CNĐĐV thì đến người ở trong tỉnh còn khó biết huống chi bên ngoài...

 

Thiết nghĩ, để CNĐĐV không chỉ là một di sản có một không hai mà còn trở thành một niềm tự hào của mỗi người Việt Nam nói chung, Hà Giang nói riêng, mỗi người Hà Giang cần phải biết cơ bản về di sản này. Để làm được điều đó, trước hết mỗi cán bộ, nhân viên ở các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải là những người biết về CNĐĐV và trở thành những tuyên truyền viên về CNĐĐV. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền, các trang mạng của các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, cập nhật hình ảnh về CNĐ ĐV một cách liên tục. Đối với riêng ngành VHTT&DL, nên chăng cần nghiên cứu để xây dựng một tua du lịch đặc biệt, đó là liên kết giữa 2 vịnh Hạ Long.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng các Trung tâm thông tin trên Công viên Địa chất CNĐĐV
HGĐT- Có thể nói, hơn 3 năm qua, hiệu ứng trở thành Công viên địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) giúp cho Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) gia tăng sức hấp dẫn. Chính vì vậy, dù trong điều kiện kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhưng lượng khách trong và ngoài nước đến với CNĐĐV ngày càng tăng lên. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của CVĐCTC CNĐĐV, trong đó có việc đáp ứng các tiêu chí của
30/05/2013
Du lịch văn hóa bản địa: Làm gì trước “cơn lốc” thương mại hóa?
Tạp chí Business Insider của Mỹ vừa chọn Việt Nam vào tốp 10 tour tham quan rõ dấu ấn nền văn hóa địa phương độc đáo. Mừng, vì thêm một lần được thế giới biết tiếng, nhưng ngành du lịch lại lo, đó là làm thế nào để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước "cơn lốc" thương mại hóa…
29/05/2013
Kỷ niệm 10 năm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Tối 25/5, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức chương trình kỷ niệm 10 năm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO chính thức công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và khai mạc Lễ hội hang động Quảng Bình 2013.
26/05/2013
Mở cửa tháp G - Mỹ Sơn cho du khách tham quan
Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5 - 2013, du khách trong và ngoài nước đã rất thích thú khi đến tham quan Khu di tích Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên - Di sản Văn hóa thế giới. Tại kỳ Festival này, lần đầu tiên du khách được tham quan Phòng trưng bày hiện vật nhóm tháp G và tham quan tháp G sau khi được trùng tu.
25/06/2013