Phát triển cây cảnh quan hợp lý, tạo sức hấp dẫn cho các thị trấn trên Cao nguyên đá

08:10, 17/04/2013

HGĐT- Có thể nói, hiện tại và tương lai, việc phát triển du lịch hướng đến môi trường xanh là điều kiện bắt buộc đối với bất cứ nơi nào. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên và do việc phát triển cây xanh đô thị chưa được quan tâm nhiều nên có thể thấy 4 huyện trên Cao nguyên đá (CNĐ) hiện nay rất ít cây xanh.


Ý thức được điều này, những năm qua việc triển khai trồng cây cảnh quan trên CNĐ đã bước đầu được các huyện quan tâm, từng bước tạo nên sự tươi tắn cho CNĐ. Ở huyện Đồng Văn, những cây đào trên phố huyện đã tạo ra một cảnh quan rất đẹp khi xuân về, tạo ra “cá tính” cho đường phố nơi đây. Ở Mèo Vạc vài năm qua, đặc biệt là mùa xuân năm nay, du khách trong và ngoài nước khá thích thú trước một dãy phố nở tím hoa ban rất độc đáo.

  


Hoa ban tím, một loại cây cảnh quan độc đáo và thích nghi với Cao nguyên đá.


Với việc quan tâm phát triển cây cảnh quan ở các huyện trên CNĐ thời gian qua, đến nay cơ bản đường phố ở các thị trấn đều đã được trồng cây xanh làm cây cảnh quan. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, một số nơi trồng cây không đồng nhất, mỗi nhà trồng một loại cây. Có nhà trồng cây ăn quả, có nhà lại trồng cây hoa cảnh như bằng lăng, sữa, bàng. Thực tế tại các đô thị du lịch phát triển trong cả nước như Hà Nội, Đà Lạt..., qua hàng chục năm phát triển, những nơi đó đã rút ra cho mình một bài học rất đơn giản là phát triển cây xanh đô thị, phố nào cây nấy, rất đồng đều. Từ đó, tạo ra những con phố chuyên cây sấu, phố chuyên cây bàng, phố chuyên hoa sữa, bằng lăng... rất đẹp và đều, phù hợp với cả vấn đề vệ sinh môi trường qua từng mùa lá rụng. Ngay tại thành phố Hà Giang, nơi vẫn còn dấu tích kiến tạo từ thời Pháp thuộc thì dấu ấn còn lại tiêu biểu có thể thấy những hàng cây long não cổ thụ ở phường Nguyễn Trãi, tạo nên nét “cá tính”, cổ kính cho những đường phố có sự hiện diện của loại cây này.

 

Trở lại CNĐ, nơi đang nhận được sự quan tâm đặc biệt để biến nơi đây trở thành một vùng trọng điểm du lịch quốc gia. Muốn làm được điều đó, một trong những điều kiện quan trọng chúng ta cần phải làm là phát triển rừng nói chung và cây cảnh quan nói riêng. Cùng với đó là việc phát triển các diện tích trồng hoa nhằm tô điểm cho vùng du lịch. Điều này đúng như lưu ý của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm tỉnh ta hồi đầu năm đó là, “muốn phát triển du lịch, cần phải phát triển rừng để ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, đặc biệt là phải phát triển hoa trên Cao nguyên đá như vùng Đà Lạt...”. Có thể nói, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá đặc biệt ở CNĐ và những điều hiện có, chúng ta không có nhiều thời gian, kinh phí để triển khai một dự án, đề tài nghiên cứu tốn kém, mất thời gian tìm kiếm những loại cây, loại hoa nào phù hợp nhằm có thể nhân rộng, biến CNĐ trở thành một vùng đất có cá tính kiểu như Đà Lạt. Nhưng, với những loại cây, loại hoa đang phát triển trên CNĐ, đã khẳng định sự thích nghi với thời tiết nơi đây như cây sa mộc, óc chó, hoa ban, hoa đào, hoa cúc dại... thì chúng ta có thể nghĩ đến việc nhân rộng những loại cây, hoa trên, tô điểm cho các đô thị nói riêng và CNĐ nói chung một sắc thái tự nhiên, hấp dẫn.

 

Đặc biệt với cây hoa ban tím, theo ghi nhận của chúng tôi thì dường như chỉ thấy ở Hà Giang mới có loại cây này. Không biết từ khi nào và ai đã trồng loại cây này ở Hà Giang, không biết có phải nó được biến đổi gen từ hoa ban trắng của vùng Tây Bắc hay không!?. Nhưng sự thích nghi của loại hoa rất độc đáo này tại hầu hết các thị trấn trong toàn tỉnh ta đã được khẳng định. Đây là loại cây có những ưu điểm như lớn nhanh và ra hoa từ rất sớm; hoa giữ được trong suốt thời gian tháng 3, tháng 4; cây thanh, gọn... Trong một lần trao đổi với đồng chí Sùng Minh Sính, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc, được biết, Mèo Vạc đang tập trung triển khai việc chỉnh trang đô thị thị trấn huyện lỵ, xây dựng những tuyến phố văn minh với việc trồng cây cảnh quan khoa học, phố nào cây đó. Việc tại thị trấn Mèo Vạc xuất hiện một con phố trung tâm rực sắc hoa ban tím, thu hút sự chú ý của đông đảo du khách cho thấy phần nào tư duy của huyện trong việc tạo điểm nhấn cho đô thị vốn đã khá đẹp này. Hiện nay, trên một số tuyến đường ở thị trấn Mèo Vạc, người dân đã bắt đầu nhân trồng hoa ban tím. Từ đó, biết đâu trong tương lai, thị trấn Mèo Vạc có thể trở thành một thị trấn hoa ban tím đầy hấp dẫn và nổi tiếng trong cả nước!.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mùa hoa ban trên Cao nguyên đá Đồng Văn
HGĐT - Cuối mùa xuân, khi những tia nắng ấm đầu tiên sau chuỗi ngày dài lạnh buốt trên Cao nguyên đá bừng lên, cũng là lúc các loài hoa đua nhau khoe sắc.
29/03/2013
Lên cao nguyên đá ngắm đào Đồng Văn
Cứ mỗi độ xuân về lại được nghe câu hỏi: “Hoa đào Đồng Văn nở chưa?”... Không phải ngẫu nhiên mà hoa đào Đồng Văn lại được nhiều người chú ý đến vậy. Hoa đào Đồng Văn mang một nét đẹp hoang sơ thuần phác trên nền đá xám khô cằn những cánh hoa mỏng manh ngạo nghễ giữa lưng chừng trời, hoa đào được nhuộm sương ngàn gió núi, được chắt lọc từ mây trời nắng lửa tạo nên vẻ đẹp
28/02/2013
Làng văn hóa Lũng Cẩm Trên – Điểm du lịch hấp dẫn trên Cao nguyên đá Đồng Văn
HGĐT- Làng văn hóa Lũng Cẩm Trên thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nằm dưới một thung lũng xung quanh là những dãy núi đá tai mèo trùng điệp, có vài chục hộ dân tộc Môngsinh sống tự lâu đời.
27/03/2013
Thôn Chang, điểm du lịch hấp dẫn
HGĐT- Thôn Chang có địa hình như một lòng chảo, nằm cách trung tâm xã Xuân Giang, huyện Quang Bình gần 1 km. Thôn Chang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành 2 mùa rõ rệt: Mùa khô và mùa mưa. Khí hậu nơi đây trong lành mát mẻ, phong cảnh hữu tình với những thửa ruộng đan xen đồi núi thấp, với dòng suối róc rách chảy qua.
26/03/2013