Nơi địa đầu Tổ quốc
Đứng ở ngọn núi cao nhất của hình chóp nón trên bản đồ Việt Nam, dưới chân cột cờ Lũng Cú, để cảm nhận được mỗi làn gió đều cũng tràn đầy niềm kiêu hãnh về đất mẹ Việt Nam, mỗi ngọn núi đều tấu vang giai điệu tráng ca về lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc...
Đất rồng linh thiêng
Cột cờ Lũng Cú là nơi địa đầu Tổ quốc, nằm ở đỉnh Lũng Cú, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.700m so với mặt nước biển. Đây là một điểm nhỏ nằm trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Lũng Cú là đỉnh cao nhất của cực Bắc Việt Nam.
Lá cờ rộng 54m2 (chiều dài 9m, chiều rộng 6m), tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay trong nắng gió biên cương. Có người nói Lũng Cú là cách phát âm từ hai chữ Long Cư, có nghĩa là nơi rồng ở. Chuyện kể rằng, xưa kia một con rồng từ trên trời bay xuống thương người dân ở đây cực khổ, trước khi về trời, rồng đã để lại đôi mắt cho dân làng thành hai hồ nước trong xanh không bao giờ cạn, là nguồn nước nuôi sống cho đồng bào ở đây, dân gian gọi là hồ mắt rồng, ngọn núi cao nhất này được gọi là núi rồng.
Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: LT
Cũng có người kể rằng tại nơi dựng đồn biên phòng Lũng Cú bây giờ, từ thời Tây Sơn sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng Mông là Long Cổ, tức trống của vua, và người Mông tại nơi đây hầu như ai cũng biết đánh trống đồng.
Một cách lý giải khác Lũng Cú là cách đọc chệch của từ Lũng Cừu, theo ngôn ngữ của người Mông thì có nghĩa là Lũng Ngô, bởi cánh đồng Thèn Pả lớn nhất ở Lũng Cú có rất nhiều ngô, quanh năm xanh tốt. Có người nói Lũng Cú là tên người đứng đầu một dòng họ dân tộc Lô Lô, có công khẩn hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất này.
Dù là cách lý giải nào, thì Lũng Cú đã trở thành một vùng đất thiêng của Tổ quốc, mà mỗi khi nhắc đến hai từ đó, trong tim mỗi người dân đất Việt đều rưng rưng niềm yêu đất nước.
Vùng đất Lũng Cú từ xa xưa vẫn luôn được các triều đại phong kiến coi là một trong những vùng đất tiền đồn có vai trò quan trọng ở phía Bắc. Dấu ấn của những cặp trống đồng Đông Sơn được lưu giữ như bảo vật trong các gia đình dân tộc Lô Lô, Mông, Dao. Cũng có sử liệu chép rằng Thái úy Lý Thường Kiệt đã hội quân ở đây, nhằm biểu dương sức mạnh và ý chí bảo vệ bờ cõi đất nước và ông là người đầu tiên cho dựng cột cờ bằng cây sa mộc ở khu vực này. Hoàng đế Quang Trung đặt trống ở đây cũng là một cách khẳng định chủ quyền đất nước. Tháng 3/1961, khi cuộc tiễu phỉ ở Đồng Văn vừa kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm và làm việc tại Hà Giang. Gần đây nhất, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 12/12/2011 cũng đã thăm cột cờ Lũng Cú ở nơi cực Bắc của Tổ quốc.
Công viên địa chất toàn cầu
Đứng ở chân cột cờ, phóng tầm mắt bao quát ra một vùng biên cương rộng lớn của Tổ quốc, con sông Nho Quế uốn lượn phân chia ranh giới Việt - Trung, núi non trùng điệp xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp, đặc trưng của vùng Tây Bắc địa đầu của Việt Nam. Dưới thung lũng, bản làng người Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo… ấm áp tỏa khói lam chiều.
Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn - công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam, thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Công viên có diện tích khoảng 2.300km², nằm trên 4 huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, cách trung tâm thị xã Hà Giang khoảng 150km.
Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Bá Ngọc
Điều đặc biệt là trên đường leo lên cột cờ Lũng Cú có một tảng đá lớn lưu giữ lại hoá thạch Bọ Ba Thùy có niên đại trên 5 triệu năm, được phát hiện trong đá vôi hệ tầng Chang Pung. Đây là hóa thạch cổ nhất của công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Điều này minh chứng về một quá trình kiến tạo kéo dài hàng triệu triệu năm của thổ nhưỡng cao nguyên đá độc đáo này.
Từ nhiều năm nay, vùng núi đá cực Bắc này đã trở thành điểm đến có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với du khách và những nhà nghiên cứu khoa học. Vườn hoa đá Khau Vai, vườn thú đá Lũng Pù, bãi hải cẩu Vần Chải... là những dạng địa hình karst rất độc đáo của công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Cùng với những giá trị cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cao nguyên đá Đồng Văn nơi đây còn hội tụ, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Hà Giang - nơi địa đầu Tổ quốc là điểm đến, là niềm mơ ước được khán phá của du khách bởi đến đây sẽ được trải nghiệm cảm xúc phân định ranh giới lãnh thổ Tổ quốc, được khám phá cao nguyên đá và những giá trị văn hóa bản địa, được đến với chợ tình Khau Vai huyền thoại.
Ý kiến bạn đọc